Chú trọng lấp lỗ hổng kiến thức
Đến thời điểm này, học sinh Trường THPT Cô Tô đã hoàn thành công tác đăng ký hồ sơ dự tuyển kì thi “2 trong 1” năm 2015. Trước thực trạng về năng lực học sinh ở khu vực huyện đảo còn yếu nên ngay từ đầu năm học, toàn bộ đội ngũ giáo viên trong trường đã chú trọng đến việc tư vấn để các em đăng ký cụm thi và trường đại học cho phù hợp.
Ngoài ra, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên những bộ môn chính giảng dạy theo kiến thức thay đổi mà Bộ GD&ĐT đề ra, dạy phụ đạo nhằm bồi dưỡng kiến thức còn thiếu cho các em.
Thầy Nguyễn Hải Phòng - Phó Hiệu trường nhà trường chia sẻ: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tham khảo ý kiến từ phụ huynh học sinh trong việc tổ chức dạy phụ đạo cho các em. Các lớp phụ đạo cho học sinh lớp 12 nhanh chóng được tổ chức, các thầy cô trong trường đã và đang tích cực giảng dạy kiến thức cho các em. Dấu hiệu tích cực là trong kì thi thử tại trường vừa qua, số học sinh đạt kết quả cao chiếm 70-75%, đây là điều rất đáng vui mừng”.
Theo quy định của Sở GD&ĐT, chương trình lớp 12 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4 và đến đầu tháng 5 các trường sẽ tổ chức ôn tập. Tuy nhiên, do tính đặc thù của địa bàn là huyện đảo nên từ tháng 10/2014, học sinh khối 12 đã được nhà trường ôn tập cho các môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Đến đầu năm 2015 thì có hướng dẫn chính thức cho môn thứ 4, thứ 5.
Em Vũ Thị Huyền, học sinh lớp 12A3 cho biết: “Bọn em được ôn tập cho kì thi từ khá sớm, nhà trường đã tổ chức các lớp phụ đạo vào các buổi chiều trong tuần nên bọn em khá vững tâm trước kì thi. Trong mỗi buổi học những môn chính bọn em sẽ thi sắp tới luôn được thầy cô mở rộng kiến thức và cho ôn luyện những dạng đề thi mới”.
Qua tìm hiểu được biết, số lượng học sinh trong toàn trường là 203 em và 20 cán bộ, giáo viên. Với số lượng học sinh mỗi lớp chỉ từ 17 -25 em nên việc quản lý và giảng dạy không gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói ở đây là lực học của học sinh trong toàn trường khá thấp so với các trường trong đất liền, việc truyền đạt kiến thức để cải thiện sức học của các em lại tốn rất nhiều công sức của giáo viên bộ môn.
Thầy Phạm Văn Dương, giáo viên dạy Toán nói: “Lực học của học sinh khối 12 ở huyện đảo thấp hơn so với mặt bằng chung trong tỉnh. Các em học sinh ở đây gặp khó khăn nhiều thứ, ngoài giờ học còn phải về phụ giúp công việc gia đình, khó có thể tập trung ôn tập. Thời gian trên lớp, chúng tôi cùng các thầy cô bộ môn khác đã cố gắng để truyền đạt kiến thức giúp các em có kết quả tốt trong kì thi”.
Thầy Nguyễn Hải Phòng, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ với PV |
Việc đi lại khó khăn từ huyện đảo vào đất liền trong mỗi kì thi đại học luôn là vấn đề được mọi người quan tâm. Với Trường THPT Cô Tô, đây được coi là điểm Trường cách đất liền 60km, để vào được huyện Vân Đồn, học sinh phải đi tàu cao tốc mất gần 2 giờ đồng hồ. Kì thi THPT chung quốc gia được tổ chức vào đúng khoảng thời gian tháng 6 đến tháng 7, đây là thời điểm có nhiều mưa bão khiến cho việc đi lại càng gặp nhiều khó khăn.
Theo nội dung chia sẻ của thầy Nguyễn Hải Phòng, được biết: “Khối 12 có 63 em đăng ký hồ sơ kì thi THPT, trong đó chỉ có 26 em đăng ký cụm thi ngoài tỉnh (thi ở Hải Phòng), 37 em còn lại đăng ký thi ở cụm trong tỉnh. Hiện tại, trường vẫn chưa xây dựng được phương án hỗ trợ các em thí sinh thi ngoài tỉnh và có khả năng Trường THPT Cô Tô cũng sẽ trở thành một cụm thi chính thức”.
Là một trong 26 thí sinh đăng ký thi ở cụm Hải Phòng, em Nguyễn Hoàng Anh Minh, lớp 12A3 tâm sự: “ Hiện tại trên lớp bọn em đang tích cực ôn tập kiến thức trong sách giáo khoa lớp 12 và ôn thêm bài học ở nhà. Về việc đi lại trong kì thi thì bọn em rất lo lắng. Nếu đi đến địa điểm thi sớm thì chi phí ăn ở rất tốn kém, còn nếu đi muộn thì lại sợ nhỡ tàu xe. Hầu hết các bạn ở đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì vậy chi phí cho kì thi lớn khiến cho nhiều bạn đành chọn thi trong tỉnh để tiết kiệm”.