Cuộc nhậu định mệnh

Ông Geo đang được điều trị tại bệnh viện
Ông Geo đang được điều trị tại bệnh viện
(PLO) - Sau cuộc nhậu, 5 người ở thôn Pà Păng (xã Cà Dy, huyện Nam Giang, Quảng Nam) có biểu hiện triệu chứng ngộ độc nên nhập viện cấp cứu. Tuy nhiên, điều xấu nhất xảy ra đối với ngôi làng này là 3 trong số 5 nạn nhân đã tử vong, 1 nạn nhân có nguy cơ bị mù.

Cuộc nhậu định mệnh

Ngày 21/3, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho biết, sau 5 ngày điều trị tại khoa Hồi sức - chống độc, bệnh nhân Bnướch Gheo (SN 1982) đã qua cơn nguy kịch nhưng thị lực bị suy giảm nghiêm trọng và có nguy cơ bị mù. Ông Gheo vẫn phải nằm tại bệnh viện để các bác sĩ tiếp tục theo dõi.  

Nhớ lại cuộc nhậu kinh hoàng khiến 3 “chiến hữu” tử vong nghi do ngộ độc rượu, ông Gheo xót xa kể, ngày 12/3, sau khi đi rẫy về, ông cùng Alăng Minh (SN 1975), A Viết Giang (SN 1982) và Bnướch Chưm (SN 1961, tất cả cùng trú thôn Pà Păng) mua rượu ở quán tạp hoá của bà KPhu Nga ở cùng làng về nhậu. Đến tối cùng ngày thì tàn cuộc nhậu và ai về nhà nấy. 

Chị Zơrâm Khâm (SN 1987, con dâu ông Chưm) cho biết, cha chồng chị nhậu cả ngày đến khuya mới chịu về ngủ. Đến sáng hôm sau (13/3), ông vẫn nằm trên giường không nói được, không ăn được. Lúc dậy đi vệ sinh thì ông ngã gục luôn ở sau nhà. Người nhà thấy vậy liền đưa xuống Trung tâm Y tế huyện cứu chữa. Đến nơi, ông Chưm bị co giật và tử vong lúc 22h cùng ngày.

Dù ngày 13/3, “bạn nhậu” của mình là ông Chưm được chuyển xuống bệnh viện cấp cứu nghi do ngộ độc rượu nhưng trong ngày hôm đó, ông Minh vẫn tiếp tục tổ chức cuộc nhậu tại nhà ông A Rất Chế. 

Tham dự cuộc nhậu còn có Hối Nhân (SN 1994, cùng ở thôn Pà Păng). Tại đây, ông Minh và Nhân tiếp tục mua rượu về uống, riêng ông Chế do không uống được rượu nên chỉ uống bia. 

Đến khuya 14/3, ông Minh bị nôn mửa, hoa mắt nên được người nhà đưa đi cấp cứu. Đến ngày 15/3, các nạn nhân còn lại là Giang, Gheo và Nhân cũng xuất hiện các triệu chứng tương tự nên phải nhập viện. Tuy nhiên, điều xấu nhất đã xảy ra, anh Giang và ông Minh lần lượt tử vong, ông Gheo đang được cấp cứu tại Bệnh viện Bắc Quảng Nam, còn Nhân được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng điều trị. 

Ông Hôi Nhiếp-Trưởng thôn Pà Păng cho biết, vì lo lắng nên sau khi 3 người ở địa phương tử vong nghi do ngộ độc rượu, những ngày sau đó, hơn hai chục người khác kéo đến Trung Tâm Y tế huyện và Bệnh viện Bắc Quảng Nam để kiểm tra và theo dõi sức khoẻ vì đã trót uống rượu. 

Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện lò nấu rượu của bà Zơ Râm Chiếu (trú thôn Pà Păng) là nơi cung cấp rượu cho quán tạp hóa và đã niêm phong lò rượu này để tiếp tục làm rõ.

Hoang mang, tang tóc vì rượu

Thẫn thờ ngồi bên di ảnh của con trai, bà Bnướch Chớơch (mẹ ông Minh) vật vã, gào khóc trong nước mắt. Sau khi đi nhậu về, ông Minh kêu rất mệt, liên tục nôn ói, xây xẩm, mắt đỏ và lồi ra. Cả nhà hoảng hốt đưa ông Minh đến bệnh viện nhưng mọi việc đã quá trễ. 

Tang thương bủa vây nhà ông Minh
Tang thương bủa vây nhà ông Minh 

“Bình thường nó hiền lành, tu chí làm ăn. Nếu có vui cũng chỉ vài chén với anh em bạn bè trong làng, không ngờ hôm nay lại thành ra thế này...”-bà Chớơch lau nước mắt.

Cách nhà ông Minh khoảng 500 mét là nhà ông Chưm. Ngôi nhà nhỏ căng lều bạt với chiếc bàn thờ đặt ở góc, trước sân kê vài bộ bàn ghế để người dân đến thăm viếng. Bế trên tay đứa con 3 tuổi đang say sưa ngủ, chị Khâm mệt mỏi, đôi mắt nặng trĩu, bần thần. Mấy ngày nay chị vừa lo chuyện mai táng cho cha chồng, lại lo cho chồng là Bnướch Chuột (SN 1989) nhập viện khiến chị kiệt sức. 

“Sau khi xuống Trung tâm Y tế huyện thăm khám, chồng tôi tiếp tục được chuyển đến đến Bệnh viện Bắc Quảng Nam điều trị. Cũng chưa biết kết quả thế nào, mấy ngày nay tôi lo quá” - chị Khâm nói trong nước mắt.

Trước sự ra đi của 3 người dân địa phương, vị trưởng thôn không giấu được vẻ bàng hoàng: "Đúng là một cơn ác mộng. Thôn này chưa bao giờ chết nhiều người đến như vậy. Hiện tại người dân đang rất hoang mang, lo sợ". 

Theo ông Nhiếp, trên địa bàn thôn có một hộ nấu rượu và khoảng 5-6 tiệm tạp hóa có bán rượu. Từ trước đến nay người dân vẫn mua rượu ở các tiệm tạp hóa trong làng về uống. Tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm định đối với mặt hàng này thì hầu như không được quan tâm.  

Điều đáng nói, trong khi ở làng có 3 người chết và hơn 20 người phải đến bệnh viện để kiểm tra vì nghi ngộ độc rượu, thế nhưng trong tang lễ các nạn nhân, người dân vẫn mang rượu đến viếng và tiếp tục bị ngộ độc. Như trường hợp anh Hôih Nhinh (SN 1986)  có triệu chứng ngộ độc vì uống rượu trong lúc phụ giúp tổ chức việc tang cho ông Minh. 

Theo trưởng thôn Nhiếp, tập tục của người dân địa phương lâu nay khi đi đám tang thường đưa rượu đến viếng. Tuy nhiên sau sự việc này, UBND xã Cà Dy đã quán triệt người dân không được đưa rượu đến viếng và không uống rượu. 

Theo ông Doãn Binh-Chủ tịch UBND xã Cà Dy, người dân địa phương thường có thói quen uống rượu. Không chỉ lễ tết, hội hè mà cả ngày thường vẫn có thói quen uống rượu. Lãnh đạo xã thường xuyên tuyên truyền để người dân nhận thức về tác hại rượu, tập trung lao động sản xuất. Tuy nhiên nhiều người trở nên nghiện, rất khó bỏ. Ông Binh cũng cho hay, hầu hết các nạn nhân đều là hộ nghèo trong thôn.

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.