Thanh đã nhìn thấy tương lai…
Gia đình của Châu Trương Thanh gặp khó khăn vì bố em mắc bệnh mãn tính nặng, cần được chăm sóc y tế thường xuyên. Không chỉ thế, các thành viên khác trong gia đình cũng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe không thể lao động cực nhọc để kiếm tiền được.
Do điều kiện khó khăn như vậy lại không có nguồn tài chính đảm bảo nào, gia đình chật vật và không đủ khả năng cho Thanh và cậu em trai 12 tuổi đến trường. Môn học Thanh yêu quý nhất ở trường là môn Toán nhưng em thường xuyên phải bỏ học để giúp mẹ bán vé số dạo có thêm thu nhập cho gia đình. Em gái 8 tuổi của Thanh đang học lớp 2 là đứa con duy nhất trong gia đình vẫn còn được đi học.
Đối với Thanh và gia đình em, việc bán dạo là nguồn thu nhập ngắn hạn tối thiểu và cũng là lựa chọn duy nhất của gia đình. Tuy nhiên, năm ngoái, cuộc đời của Thanh đã có sự thay đổi khi một cô giáo đã gặp gia đình em và chính quyền địa phương thông báo cho gia đình về cơ hội học nghề cho em với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động thế giới (ILO).
Kể từ đó, thay vì ngày ngày rạc cẳng để bán dạo trên đường, Thanh đang được học nghề cơ khí tại một tiệm sửa xe máy tại địa phương cách nhà em 15 phút đạp xe. Với sự hỗ trợ của anh Du, chủ tiệm sửa xe, Thanh vừa học vừa làm. Sau 4 tháng học, Thanh đã có nhiều tiến bộ. Là một người tiếp thu nhanh, em đã bắt đầu trực tiếp làm trên xe sau 2 tuần học lý thuyết. Hiện nay, em làm được 3-4 xe mỗi ngày và công việc yêu thích của em là lắp các bộ phận mới.
“Trong quá trình học nghề, em đã dần thấy yêu thích công việc sửa xe máy và hiện đã có cái nhìn khá rõ về tương lai của mình. Cho dù điều kiện gia đình khó khăn, bố mẹ em hoàn toàn ủng hộ em học nghề như một cơ hội để thay đổi cuộc đời để có một cuộc sống tốt đẹp hơn” – Thanh cho biết.
Những thời gian không học tại tiệm sửa xe, Thanh bận bịu giúp các việc vặt trong gia đình, nấu ăn và chăm sóc hai em. Tuy việc học nghề chiếm rất nhiều thời gian nhưng cậu bé rất chăm học. Không chỉ học được những điều mới mẻ mỗi ngày, cậu bé 14 tuổi còn có cơ hội giao lưu với các bạn đồng trang lứa có cùng hoàn cảnh vì ngoài Thanh, anh Du còn dạy nghề cho 2 em khác cũng do ILO hỗ trợ. Các em đã đem lại không khí vui vẻ cho tiệm sửa xe máy.
… Đó là mở được một tiệm sửa xe của riêng mình
Chuyện của Thanh không phải là trường hợp duy nhất. Tuy đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong những năm qua nhưng lao động trẻ em vẫn còn là một vấn đề nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn cầu với ước tính có khoảng 152 triệu lao động trẻ em trên toàn thế giới.
Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 đã đưa ra con số hơn 1,7 triệu lao động trẻ em từ 5 đến 17 tuổi tại Việt Nam. Con số này tương đương với một phần mười trẻ em trên toàn quốc. Các phát hiện đã chỉ ra rằng, một phần ba số lao động trẻ em phải làm việc trên 42h/tuần, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đến trường của các em. Khảo sát này cũng cho thấy 42% trẻ em đang làm việc không đi học.
Cũng như Thanh và em trai, hầu hết các lao động trẻ em tại Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức rất khó tiếp cận, thường làm việc ngoài trời và đối mặt với nhiều nguy cơ. Giống với xu hướng trên toàn cầu, phần lớn tình trạng lao động trẻ em tại Việt Nam xảy ra trong khu vực nông nghiệp. Bán hàng rong tuy ít hơn nhưng cũng khá phổ biến.
Dự án đã giúp Thanh và những em bé như em được tiếp cận với học nghề chính là Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam (gọi tắt là Dự án ENHANCE) của ILO do Bộ Lao động Hoa Kỳ (USDOL) tài trợ cùng sự hợp tác của Cục Trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam.
Thực hiện từ năm 2015 đến nay, Dự án ENHANCE đã hỗ trợ công tác phòng chống lao động trẻ em trên toàn quốc thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực và sửa đổi các quy định pháp lý có liên quan.
Bên cạnh việc hỗ trợ các hoạt động cấp quốc gia, dự án cũng thực hiện các hoạt động can thiệp trực tiếp tại 3 tỉnh mục tiêu của dự án gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh và An Giang. Hoạt động này bao gồm việc thu nhập cho các gia đình dễ bị tổn thương và hỗ trợ các trẻ em đang hoặc có nguy cơ rơi vào tình trạng lao động trẻ em thông qua hỗ trợ giáo dục và dạy nghề.
Tại An Giang, nơi Thanh và gia đình sinh sống, dự án đã hợp tác với Đại học An Giang và Sở LĐ-TB&XH lập hồ sơ các trẻ em có nguy cơ và đánh giá nhu cầu học nghề của các em. Sau khi đã hệ thống được các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp tại địa phương, các đối tượng hưởng lợi được xác định sẽ được kết nối với các chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu, năng lực mong muốn của mình và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Về phần mình, anh Du, chủ tiệm sửa xe được dự án tiếp cận mời hợp tác, anh đã rất vui mừng vì có thể góp sức thay đổi cuộc sống cho các em nhỏ dễ bị tổn thương trong cộng đồng mình. Anh dự định sẽ tiếp tục dạy nghề cho cả ba em theo nhu cầu của các em và có dự kiến sẽ thuê các em làm việc. “Tôi sẽ rất buồn nếu các em rời tiệm” - anh nói.
Với 20 năm kinh nghiệm, anh Du đã dạy nghề cho 11 người, tất cả hiện nay đều đang làm nghề cơ khí. “Nhu cầu thợ cơ khí giỏi tại cộng đồng rất cao. Nếu mình có kỹ năng tốt, mình có thể sống tốt”, anh giải thích.
Còn với Thanh, nếu không được học nghề, Thanh nghĩ có lẽ em hiện vẫn đang bán vé số dạo và không có ý tưởng gì để thoát nghèo và con đường trưởng thành của Thanh sẽ là con đường đầy chông gai, nước mắt. Nhưng nay, mọi sự đã khác, cuộc đời em đã sang một trang mới. “Giấc mơ của em là mở được một tiệm sửa xe của riêng mình để em có thể giúp đỡ được gia đình” - cậu bé 14 tuổi nói với một sự quyết tâm sáng lấp lánh trong đôi mắt cười…
Trẻ lang thang rất cần sự giúp đỡ để nhìn thấy tương lai tốt đẹp hơn |
Năm 2025 Việt Nam sẽ không còn lao động trẻ em
Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới và quốc gia đầu tiên tại châu Á phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em (UN, 1989) trong đó giáo dục là một quyền của mọi trẻ em. Tuy nhiên, thực tế lao động trẻ em có tác động tiêu cực đến quyền này vào lặp lại vòng luẩn quẩn của nghèo đói trong gia đình và cộng đồng, gây cản trở cho tiến trình hướng tới phát triển bền vững.
Do đó, trong Mục tiêu Phát triển bền vững 8.7, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đến năm 2025 sẽ xóa bỏ lao động trẻ em và đến năm 2030 sẽ xóa bỏ lao động cưỡng bức và nô lệ hiện đại. Để thực hiện cam kết này, Việt Nam hiện nay đã trở thành quốc gia tiên phong thực hiện Mục tiêu toàn cầu 8.7 nhằm thúc đẩy quá trình hướng tới mục tiêu này, xây dựng một lộ trình toàn diện để đưa mục tiêu này thành hành động cụ thể. Thông qua Dự án ENHANCE, ILO đã hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực đạt được mục tiêu trọng yếu này và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Về phần mình, ILO đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng một cuốn sổ tay toàn diện và dễ sử dụng, hướng dẫn thực hiện các cam kết về các tiêu chuẩn về lao động trẻ em trong các thỏa thuận tự do tương mại và các cam kết quốc tế khác. Đây là một hoạt động của Dự án ENHANCE. \
Ngoài việc đưa ra những tiêu chuẩn, cam kết và yêu cầu về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cuốn sổ tay còn cung cấp những kinh nghiệm thực hiện những cam kết này và những ví dụ điển hình đã thực hiện thành công công tác phòng chống lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng.
Theo ILO, khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu, cuốn sổ tay này là rất cần thiết để nâng cao nhận thức và là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các các bộ chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động về bản chất của lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng và cách phòng ngừa. Việc xóa bỏ lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng không thành công sẽ dẫn đến hậu quả bị trừng phạt kinh tế, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Dự án ENHANCE cũng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng một cuốn hướng dẫn phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em dành cho cán bộ công đoàn. Cuốn sổ tay hướng dẫn này sẽ giúp các cán bộ công đoàn xúc tiến các hoạt động về quyền trẻ em cũng như phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong doanh nghiệp. Cả hai cuốn sổ tay liên quan đến lao động trẻ em này dự kiến sẽ hoàn thành và ra mắt vào tháng 5 năm nay.