Cuộc điện thoại cuối cùng tố CSGT mưu sát người vi phạm

 Phạm Sỹ Hoài Như (ngồi hàng sau) và các bị cáo khác tại tòa
Phạm Sỹ Hoài Như (ngồi hàng sau) và các bị cáo khác tại tòa
(PLO) -Trong cuộc  điện thoại về cho anh trai, lần cuối cùng nạn nhân nói: “Công an đánh chết em rồi”.

Nhớ đến tình cảnh của chồng lúc đó, người phụ nữ đau đớn: “Người ta đánh ông ấy rất dã man. Lúc đưa đến bệnh viện, người bê bết bùn đất, từ chân đến đầu thâm tím hết cả…”.

Cảnh sát “bắt tay” giang hồ

Vụ án CSGT gọi giang hồ đánh chết người vi phạm giao thông từng gây xôn xao dư luận vừa được TAND TP.HCM đưa ra xét xử vào ngày 23/9.

Phạm Sỹ Hoài Như (SN 1980, nguyên thượng úy CSGT Công an quận Tân Bình), Nguyễn Minh Chung (SN 1991, ngụ quận Tân Phú, TP HCM), Ngô Thành Vương (SN 1996, ngụ quận Tân Bình, TP HCM), Trần Đức Vững (SN 1996, quê Quảng Ngãi) và Phạm Thanh Kim Hạnh (SN 1997, ngụ Đắk Nông) bị VKSND truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”.

Theo cáo trạng, khoảng 21h30 ngày 25/6/2014, tổ tuần tra Đội cảnh sát giao thông (CSGT) Công an quận Tân Bình tiến hành tuần tra kiểm soát trên một số tuyến đường thuộc địa bàn quận Tân Bình, sau đó dừng và đứng chốt trước Đài liệt sĩ tại giao lộ ngã tư đường Trường Chinh và Tân Kỳ - Tân Qúy. Đội gồm 7 người do Phạm Sỹ Hoài Như làm tổ trưởng.

Khoảng 22h20, đội CSGT phát hiện anh Nguyễn Văn Chín (ngụ quận Gò Vấp) điều khiển xe máy có biểu hiện sử dụng rượu bia nên đã ra hiệu dừng xe kiểm tra.

Kết quả đo nồng độ cồn của anh Chín vượt quá quy định. Tổ tuần tra đã lập biên bản hành chính và tạm giữ phương tiện. Nhưng người vi phạm không đồng ý ký tên vào biên bản, lớn tiếng cự cãi.

Phạm Sỹ Hoài Như đến giải thích và đề nghị anh Chín chấp hành việc lập biên bản, nhưng anh này vẫn tiếp tục la lối. Khoảng nửa tiếng sau, Như điện thoại cho Nguyễn Minh Chung (đối tượng không nghề nghiệp, có tiền án về tội “Cướp giật tài sản”) yêu cầu đến nơi Như đang làm việc để nhờ một số chuyện.

Chung rủ thêm Phạm Thanh Kim Hạnh và Trần Đức Vững, Ngô Thành Vương đi cùng. Khi gần đến nơi, Chung điện thoại hỏi cần giúp việc gì, Như kể một người vi phạm giao thông bị lập biên bản nhưng không chịu ký tên mà còn cự cãi, chửi lại tổ tuần tra. Đội trưởng đội tuần tra yêu cầu Chung đánh dằn mặt và đuổi người này đi để tổ công tác làm việc.

Sau khi nghe Như mô tả đặc điểm hình dáng của người cần “xử lý” là mặc quần tây, áo sơ mi bỏ trong quần, Chung đi bộ đến nơi tổ công tác đang làm việc, nói nhỏ vào tai anh Chín: “Đã vi phạm giao thông mà còn cự cãi thì không lấy xe được đâu, muốn lấy xe thì đi theo tôi”. 

Đang lo lắng vì bị giữ xe, nghe nói vậy, anh Chín liền đi theo Chung. Ba đồng bọn của Chung đã phục sẵn ở đoạn đường vắng vẻ. Khi anh Chín vừa đi tới, các đối tượng lao vào tấn công tới tấp. Khi người dân phát hiện nhóm thanh niên đánh đập một người đàn ông dã man liền kéo đến can ngăn, nhóm Chung mới bỏ đi.

Trước khi rời hiện trường, Chung điện thoại báo cáo với Như, đã “dạy” cho “kẻ lắm lời” một bài học. Hai ngày sau, anh Chín tử vong tại bệnh viện.

Giám định pháp y tử thi kết luận nạn nhân chết do: Chấn thương bụng kín, gãy vỡ ruột non, suy hô hấp do sặc chất chứa trong dạ dày. Nguyên nhân chết: Vỡ ruột non do chấn thương. Cơ chế chết: Sặc thức ăn vào đường thở.

Sau đó Trung tâm pháp y TP.HCM có văn bản giải thích: Hành vi của các đối tượng đấm vào dùng dưới sườn, đạp hông trái của nạn nhân gây ra được thương tích dẫn đến tử vong cho nạn nhân Nguyễn Văn Chín.

Vài ngày sau, CQĐT bắt khẩn cấp Nguyễn Minh Chung và Trần Đức Vững. Tại CQĐT, hai đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tôi như trên. Công an thu giữ trong người của Nguyễn Minh Chung: 1 viên đạn, 1 còng số 8, nhiều giấy ghi nợ…

Sau đó, Công an TP.HCM đã tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Phạm Sỹ Hoài Như và bắt giam vào ngày 7/11/2014.

Cố ý gây thương tích hay giết người?

Do được tại ngoại nên Hoài Như có mặt ở tòa khá sớm. Trong lúc chờ phiên tòa bắt đầu, Như ngồi một mình trước vành móng ngựa, lúc nào cũng nhìn xuống đất, không dám ngẩng lên nhìn về phía sau, nơi gia đình ông Chín đang ôm di ảnh bị hại.

Tại tòa, 4 bị cáo Chung, Hạnh, Vương, Vững đều khai nhận hành vi phạm tội của mình. Chung khai: Bị cáo đang chạy xe trên đường Lê Hồng Phong (quận 10) thì nhận được điện thoại của Như. Lúc đó, bị cáo có việc chưa đến được nên đã gọi điện cho Hạnh và Vững đến trước. 

Khi Chung chạy xe đến thì gọi điện cho Như và cả nhóm đến gặp Như. Như nói với cả nhóm: có người kia bị lập biên bản vi phạm nhưng không ký, lại còn chửi tổ công tác và kêu nhóm Chung đánh dằn mặt người vi phạm, đuổi đi cho tổ công tác làm việc.

Các bị cáo Hạnh, Vương, Vững đều khẳng định có nghe Như “chỉ đạo” đánh dằn mặt ông Chín.

Tuy nhiên, Phạm Sỹ Hoài Như đã phủ nhận toàn bộ lời khai của 4 bị cáo trên. Như một mực: “Bị cáo có gọi điện cho Chung, nhưng không phải kêu Chung đánh ông Chín, mà vì ông này say quá nên bị cáo điện thoại nhờ Chung đưa ông ấy về”.

Trong phần tranh luận, luât sư bào chữa cho bị cáo Như cho rằng: Như chỉ gọi điện đưa bị hại về nhà chứ không kêu các bị cáo còn lại đánh nạn nhân. Dù các bị cáo khác khai Như chỉ đạo đánh nạn nhân, nhưng không có căn cứ nào khẳng định điều này.

Theo luật sư, vi phạm của Như chỉ là vi phạm về mặt hành chính, đạo đức, không vi phạm hình sự. 

Trong khi đó, các luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại cho rằng: Các bị cáo đánh dã man nạn nhân trong khi nạn nhân không thể chống cự. Hành vi đó không thể gọi là “dằn mặt” mà là hành vi giết người. Từ đó, các luật sư này kiến nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đại diện VKS khẳng định: Trong hồ sơ vụ án, lời khai của Như và các bị cáo khác đều thể hiện Như điện thoại cho Chung. Sau đó, Chung gọi đàn em đến đánh dằn mặt nạn nhân.

Như vậy, Như là chủ mưu, tội trạng đã rõ, không cần phải bàn cãi. Về quan điểm cần truy tố các bị cáo tội giết người, đại diện VKS cũng nêu ý kiến: Các bị cáo chỉ dùng tay chân đánh nạn nhân, không dùng hung khí, không mong muốn hậu quả xảy ra nên truy tố các bị cáo tội “Cố ý gây thương tích” là đúng quy định pháp luật.

Đồng quan điểm với VKS, sau giờ nghị án, HĐXX đã tuyên phạt: Phạm Sỹ Hoài Như (nguyên thượng úy CSGT Công an quận Tân Bình) và Nguyễn Minh Chung 12 năm tù, Trần Đức Vững 11 năm tù, Ngô Thành Vương 9 năm tù, Phạm Thanh Kim Hạnh 5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Ngoài ra, các bị cáo còn phải bồi thường 241 triệu đồng tiền các phí tổn cho gia đình người bị hại và trợ cấp cho hai con của nạn nhân 2 triệu/tháng/cháu cho đến khi 18 tuổi.

Trong giờ nghị án, vợ nạn nhân chia sẻ: “Hôm xảy ra sự việc, chồng tôi có điện thoại về cho anh trai 3 lần. Lúc đầu nói bị CSGT bắt, sau nói bị giữ xe, lần thứ 3 nói: “Công an đánh chết em rồi”. Cả nhà cuống quýt điện thoại lại để hỏi địa điểm nhưng không ai nghe máy. Mấy chục phút sau thì bác sĩ điện thoại thông báo chồng tôi tôi đang cấp cứu ở bệnh viện”. 

Nhớ đến tình cảnh của chồng lúc đó, người phụ nữ đau đớn: “Người ta đánh ông ấy rất dã man. Lúc đưa đến bệnh viện người bê bết bùn đất, từ chân đến đầu thâm tím hết cả… Họ đánh chồng tôi vỡ ruột làm ông ấy chết, rồi nói chỉ “cố ý gây thương tích” chứ không phải “giết người” thì tôi không đồng ý”.

Gia đình bị hại cho biết sẽ kháng cáo toàn bộ bản án.

Đọc thêm

Khởi tố 4 cán bộ liên quan sai phạm trong công tác tuyển sinh

Năm học 2021 - 2022, có 36/60 học sinh tuyển sinh không đúng quy định vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quan Hóa.
(PLVN) - Ngày 10/1, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ sai phạm trong tuyển sinh tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú THCS huyện Quan Hóa.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Ông Trần Đình Triển bị phạt 3 năm tù

Luật sư Trần Đình Triển. (Ảnh: Facebook Trần Đình Triển)
(PLVN) - Bị cáo Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù vì tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Bắt giam Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ

Cơ quan công an đọc lệnh bắt Đinh Văn Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ.
(PLVN) - Ngày 10/1, Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ và Cao Tiến Hạnh, nguyên Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ, với cùng tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Gọi báo cháy giả sẽ bị xử phạt nặng

Gọi báo cháy giả sẽ bị xử phạt nặng
(PLVN) -  Đường dây nóng 114 hoạt động 24/24h trong ngày, tiếp nhận cuộc gọi của người dân yêu cầu cứu hộ cứu nạn khi xảy ra cháy, nổ, mắc kẹt, đuối nước, sạt lở đất, sập nhà… Tuy nhiên, nếu gọi đến 114 để thông báo một vụ cháy không có thật, người gọi sẽ bị xử phạt.