Triển lãm trưng bày 100 hình ảnh, hơn 200 tài liệu hiện vật thể khối và tài liệu khoa học phụ phản ánh về đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc, vùng miền trong cả nước. Trong đó, nhấn mạnh đến loại hình nhạc cụ truyền thống đặc sắc tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là các loại nhạc cụ đã được sử dụng trong loại hình Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh.
Trong đó, vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ giới thiệu các loại nhạc cụ: sáo, đàn nhị, mõ, phách, trống, kèn loa, đàn bầu, đàn nguyệt… gắn với loại hình nghệ thuật: Rối nước, Chèo, Chầu văn, Hát xẩm, Quan họ, Ca trù…
Vùng thung lũng tiêu biểu là cây đàn tính sử dụng trong âm nhạc và các nghi lễ tôn giáo của người Tày, Nùng, Thái; Trống tang sành của người Sán Chay; Khèn bè của các tộc người Thái, Lào, Lự…
Nhạc cụ các dân tộc vùng núi cao phía Bắc độc đáo và đặc sắc với chiếc khèn, sáo của người Mông; vùng Duyên hải miền Trung với trống Parnưng, trống Ghi năng, kèn Saranai,…
Các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên có dàn nhạc cồng chiêng, trống da voi, kèn sừng trâu, đàn T’rưng, khèn bầu, đàn đá, đàn ống tre, sáo đinh năm, lục lạc…
Vùng đồng bằng Nam Bộ đặc sắc, tiêu biểu với dàn nhạc ngũ âm thường dùng trong các nghi lễ quan trọng, lễ hội tại các ngôi chùa của dân tộc Khmer; hay đàn kìm, đàn ghi ta, đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn tranh, sáo, hồ, nhị… trong nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được trưng bày giới thiệu tới quý khách tham quan.
Cùng với hoạt động triển lãm là chương trình giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống và dân gian đương đại diễn ra hằng ngày tại khu vực triển lãm, giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Trình diễn nhạc cụ dân tộc, Đờn ca tài tử, cồng chiêng Tây Nguyên và các làn điệu dân ca, dân vũ tiêu biểu cho các vùng miền trên cả nước.
Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” diễn ra từ ngày 7-11.4.