Ý thức được hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra và tầm quan trọng của công tác phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, nên nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam luôn dành sự quan tâm, trú trọng cho công tác chuẩn bị, ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai.
Công tác chuẩn bị ứng phó:
Để đáp ứng yêu cầu cho việc ứng phó hiệu quả với thiên tai, Chính phủ ta đã có sự đầu tư kỹ lưỡng từ bước chuẩn bị cho việc ứng phó:
- Trước hết, đối với công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, luôn được quan tâm hàng đầu, được chú trọng đầu tư để có chất lượng đảm bảo, giúp người dân chủ động phòng, tránh và các cơ quan chức năng có thông tin chất lượng để ra các quyết định chỉ đạo ứng phó thiên tai hiệu quả, kịp thời.
- Trang bị thiết bị vật tư cần thiết, xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai quốc gia trên bản đổ trực tuyến, các công cụ hỗ trợ ra quyết định như: vận hành hồ chứa theo thời gian thực; theo dõi, giám sát thiên tai bằng hình ảnh; giám sát tàu thuyền hoạt động trên biển qua vệ tinh; quản lý lũ tổng hợp,… Trong đó đã sử dụng công nghệ bay chụp thu thập thông tin về thiên tai để thực hiện trong các trận lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt…
- Các cấp trong bộ máy phòng, chống thiên tai đều tổ chức trực ban 24/7, có sự liên lạc chặt chẽ và linh động; luôn theo sát, nắm bắt thông tin, tính toán, dự đoán tình huống tham mưu cho lãnh đạo kịp thời.
- Hàng năm, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai/ Tổng cục Phòng, chống thiên tai tổ chức các hội nghị Quản lý đê, phòng chống, thiên tai, để nâng cao kiến thức, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, các biện pháp phòng, tránh, giám nhẹ thiên tai, lập kế hoạch ứng phó,…cho cán bộ các cấp và nhân dân. Phát hành các ấn phẩm, làm phim,… để thông tin, tuyên truyền các kiến thức và chính sách của Đảng, nhà nước tới nhân dân và các đối tượng cần thiết khác.
- Các Bộ, ngành, địa phương đều chú trọng việc nâng cao trình độ tổ chức, điều hành, khả năng cơ động ứng phó với các tình huống thiên tai của các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở, qua đó tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong quần chúng nhân dân.
- Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương các cấp nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, hội thao ứng phó tình huống, qua đó tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với tình huống thiên tai trong quần chúng nhân dân; nâng cao khả năng cơ động lực lượng, phương tiện ứng phó, tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm...
Ông Nguyễn Đức Quang - Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TW về PCTT ; Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai |
Công tác chủ động ứng phó:
Khi thiên tai xảy ra, thông tin diễn biến thiên tai do bộ máy chuyên trách phòng chống thiên tai nhận được đều được gửi đến các Bộ, ngành, địa phương (đến cấp xã) và nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông, truyền hình, báo mạng, trang tin điện tử, mạng xã hội,…để đảm bảo mọi người được biết và chủ động phòng, tránh.
Với mỗi cấp độ rủi ro thiên tai, Chính phủ đã phân cấp trách nhiệm chỉ đạo điều hành ứng phó. Tuy vậy, cho dù cấp độ thiên tai nào thì việc chỉ đạo thực hiện cơ chế phối hợp và phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ” cũng được đặt lên hàng đầu. Bởi, khi thiên tai xảy ra, việc chuẩn bị tốt phương châm này sẽ giúp địa phương, cơ sở và người dân xử lý bước đầu, không bị động, bất ngờ khi chưa nhận được sự chi viện, giúp đỡ từ các lực lượng chuyên trách, để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Thực tế đã có những bài học đắt giá, do không chuẩn bị tốt nhu yếu phẩm, nên nhiều nơi lũ lụt xảy ra đã bị nạn đói đe dọa. Ngược lại, một số nơi nhờ dự trữ đủ lương thực, nên khi xảy ra lũ lụt, mặc dù bị cô lập nhiều ngày do giao thông bị chia cắt, nhưng cuộc sống người dân vẫn được bảo đảm.
Để chủ động ứng phó hiệu quả, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai luôn chủ động phối hợp, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo chuyển biến về nhận thức cho lãnh đạo các cấp và ý thức chủ động của người dân trong phòng, tránh, chủ động ứng phó sự cố, thiên tai. Trong đó, đề cao các biện pháp phòng ngừa, chủ động ứng phó, đi đôi tăng cường dự báo, cảnh báo sớm tình hình thiên tai bão, lũ, dông lốc, nguy cơ lũ quét, sạt lở núi,…
- Chủ động rà soát, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát an toàn thiên tai; điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng, xu thế diễn biến thiên tai và điều kiện của từng vùng, địa phương; nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc chủ động thực hiện phòng, chống thiên tai với sự hỗ trợ về thông tin cảnh báo, chỉ dẫn phòng, tránh của chính quyền các cấp.
- Chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai trên cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, trong đó có phương án ứng phó với lũ lớn đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung, kiểm soát lũ đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với bão mạnh, siêu bão,… với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, đóng góp vào việc giữ gìn thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh sự quan tâm và cố gắng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền trong công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai nói riêng hay sự nghiệp phòng, chống thiên tai nói chung, thì sự góp sức và ý thức quan tâm, phòng chống của toàn thể nhân dân mang ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giảm thiểu đến mức thấp nhất trước những tác hại do thiên tai gây ra đối với cuộc sống của nhân dân ta và sự phát triển kinh tế của nước nhà.