Nhiều khoản thu lớn không hoàn thành dự toán
Trong chuỗi hoạt động đôn đốc thu ngân sách nhà nước tại các địa phương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn vừa có buổi làm việc với Cục Thuế Ninh Bình.
Báo cáo lãnh đạo Tổng cục Thuế, ông Đinh Nam Thắng - Cục trưởng Cục Thuế Ninh Bình cho biết, năm 2023, Bộ Tài chính giao dự toán thu nội địa là 17.053 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa không kể tiền sử dụng đất là 15.053 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất là 2.000 tỷ đồng. HĐND tỉnh giao dự toán thu nội địa là: 18.053 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa không kể tiền sử dụng đất là 15.053 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất là 3.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với dự toán pháp lệnh.
Xác định đây là nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu nợ và cưỡng chế thuế, phấn đấu đạt mục tiêu giảm số tiền nợ thuế xuống dưới chỉ tiêu của Tổng cục Thuế; xây dựng kế hoạch triển khai đôn đốc thu, xử lý nợ thuế, giao chỉ tiêu thu tiền thuế nợ năm 2023 cụ thể đến các chi cục thuế.
Các phòng liên quan và từng cán bộ phụ trách công tác quản lý nợ; duy trì việc thực hiện công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu.
Theo thống kê, kết thúc 11 tháng năm 2023, một số DN trọng điểm có số nộp chiếm tỷ trọng lớn không đảm bảo dự toán giao như: Tập đoàn ô tô Thành Công, các công ty xăng dầu, các DN sản xuất xi măng…
Đối với thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, đây là khoản thu quan trọng nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tổng thu ngân sách trên địa bàn. Tuy nhiên, số thu 10 tháng mới đạt 6.166 tỷ đồng, đạt 48,4% dự toán pháp lệnh và dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 54,1% so với cùng kỳ. Ước thu ngân sách năm 2023 khu vực này đạt 10.251 tỷ đồng, đạt 80,4% dự toán pháp lệnh và HĐND tỉnh giao, bằng 72,5% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân số thu từ khu vực này sụt giảm và không hoàn thành dự toán phụ thuộc chủ yếu vào số nộp của Tập đoàn ô tô Thành Công chiếm gần 80% cơ cấu số thu trong lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh. Trong 10 tháng năm 2023 (bao gồm cả số gia hạn) số nộp của Tập đoàn ô tô Thành Công chỉ đạt 6.836 tỷ đồng (trong khi đó, số nộp 10 tháng năm 2022 là 10.715 tỷ đồng), bằng 63,8% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, những khoản thuế bảo vệ môi trường; lệ phí trước bạ; thu tiền sử dụng đất đều có xu hướng giảm đạt thấp so với dự toán do một số nguyên nhân cả khách quan và chủ quan từ bối cảnh khó khăn chung trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Cục Thuế Ninh Bình ước tính năm 2023 ước trên địa bàn có 9/16 khoản thu ước hoàn thành dự toán; có 7/16 khoản thu không hoàn thành dự toán. Một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn dự kiến không hoàn thành dự toán là thu từ khu vực DN nhà nước trung ương 10 tháng mới đạt 53,7% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 76,3% so với cùng kỳ.
Tiếp tục rà soát, quản chặt từng khu vực, sắc thuế
Ghi nhận những khó khăn của Cục Thuế Ninh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn đề nghị trong tháng cuối của năm, Cục Thuế Ninh Bình tiếp tục bám sát diễn biến chung của nền kinh tế trong nước và trên địa bàn tỉnh để đưa ra những giải pháp kịp thời để quản lý, đôn đốc nguồn thu.Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hiện nghiêm túc các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách năm 2023 theo đúng yêu cầu chỉ đạo của tỉnh Ninh Bình và Tổng cục Thuế.
Dự báo tình hình khó khăn có thể còn kéo dài, theo đó Cục Thuế Ninh Bình cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tập trung cao độ trong việc phối hợp với tỉnh và cộng đồng DN trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khuyến khích đầu tư...; nhất là cần triển khai quyết liệt các chính sách hỗ trợ về chính sách thuế của Quốc hội, Chính phủ để tạo điều kiện cho DN thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
“Cục Thuế Ninh Bình cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế; xác định các nguồn thu còn tiềm năng, đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách" - Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn chỉ đạo.
Ngoài ra, Cục Thuế Ninh Bình cần tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý hủy khoanh nợ, xóa nợ, quyết định điều chỉnh số tiền thuế nợ đã khoanh theo quy định để đảm bảo chính xác, nhất quán, phù hợp thực tế; xử lý khoanh nợ kịp thời đối với trường hợp có đầy đủ hồ sơ theo quy định để giảm nợ thuế.../.