Cuba sẽ bảo vệ di sản của Lãnh tụ Fidel Castro

Chủ tịch Cuba Raul Castro phát biểu tại lễ tưởng niệm. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Cuba Raul Castro phát biểu tại lễ tưởng niệm. Ảnh: Reuters
(PLO) - Sau Lễ tưởng niệm được tổ chức tối 3/12 (giờ địa phương, sáng 4/12 giờ Việt Nam) tại Santiago de Cuba, thành phố miền Đông Cuba với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới và hàng chục nghìn người dân Cuba, tro cốt của Lãnh tụ huyền thoại Cuba Fidel Castro đã được an táng tại nghĩa trang Santa Ifigenia.

Theo Reuters và AFP, Lễ tưởng niệm Lãnh tụ Cuba được tổ chức tại Quảng trường Cách mạng Antonio Maceo sau khi đoàn xe tang đưa tro cốt của ông Fidel Castro đã hoàn thành hành trình 1.000km từ thủ đô Havana đi dọc miền Đông nước này về nơi an nghỉ cuối cùng của ông ở thành phố Santiago de Cuba.

Đoàn xe đã đi theo đúng hành trình mà các chiến sĩ cách mạng dưới sự lãnh đạo của ông tiến vào thủ đô Havana năm 1959, lật đổ chế độ độc tài Batista, đánh dấu chiến thắng của cuộc Cách mạng Cuba. Hàng triệu người dân Cuba đã đứng dọc theo những tuyến đường đoàn xe tang đi qua để tiễn biệt Lãnh tụ Fidel Castro. 

Lễ tưởng niệm do Chủ tịch Cuba Raul Castro chủ trì, với sự tham dự của giới chức Cuba và hàng chục nghìn người dân. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Bolivia Evo Morales, cựu Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva và Dilma Rousseff, lãnh đạo Nicaragua, huyền thoại bóng đá Argentina Diego Maradona cùng đại diện nhiều nước khác cũng đã có mặt để gửi lời tiễn biệt tới Lãnh tụ Cuba mà người dân nước này thường gọi là “Tư lệnh” hay đơn giản là “Fidel”.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã tuyên bố sẽ bảo vệ di sản xã hội chủ nghĩa của nhà lãnh tụ huyền thoại của Cuba và cả thế giới. “Trước di hài của đồng chí Fidel, chúng ta thề sẽ bảo vệ Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Chúng ta sẽ vượt qua bất kỳ trở ngại, bất ổn hay đe dọa nào trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba” – Chủ tịch Cuba nhấn mạnh. Trước đó, người dân ở hàng trăm trường học, bệnh viện và cơ quan nhà nước khắp Cuba cũng đã ký tên vào bản tuyên thệ quyết bảo vệ tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Fidel Castro.

Ông Raul Castro cũng cho biết, trước khi qua đời, anh trai ông đã yêu cầu không được xây tượng đài hay tượng để vinh danh ông và cũng không được dùng tên ông để đặt cho các tòa nhà hay các tuyến đường. “Đây là mong muốn không thể thay đổi của đồng chí Fidel. Nhà lãnh đạo cách mạng đó đã từ chối bất kỳ biểu hiện nào của việc tôn sùng cá nhân” – Chủ tịch Cuba Raul nói và cho biết thêm rằng một luật cấm đặt các công trình, tên đường hay các địa điểm theo tên của ông Fidel Castro sẽ được trình lên Quốc hội Cuba tại kỳ họp sẽ diễn ra vào cuối tháng này.

Hàng nghìn người dân Cuba đã hô lớn “Fidel” trong suốt buổi lễ. “Sự ra đi của Tư lệnh không có nghĩa là chúng tôi sẽ dừng lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục kế thừa di sản của ông ấy” – ông Ansel Hechavarria, một thợ máy 61 tuổi, nói trước khi lễ tưởng niệm kéo dài 90 phút bắt đầu.

Sau lễ tưởng niệm, tro cốt của ông Fidel đã được an táng ở gần nơi an nghỉ của anh hùng giải phóng dân tộc Cuba Jose Marti tại nghĩa trang Santa Ifigenia trong một nghi lễ đơn giản được tổ chức từ 7h00 ngày 4/12 (12h00 GMT), kết thúc 9 ngày quốc tang. 

Với sự sát cánh của em trai, ngày 26/7/1953, ông Fidel Castro đã “bắn” phát súng đầu tiên trong cuộc cách mạng Cuba, với cuộc tấn công thất bại  nhằm vào căn cứ Moncada ở Santiago. Sau đó, ông lãnh đạo những chiến sỹ cách mạng bắt đầu cuộc chiến tranh gian khổ, giành thắng lợi vào năm 1959 và bắt đầu xây dựng đất nước theo chủ nghĩa xã hội. Trong suốt những năm sau đó, ông luôn giương cao ngọn cờ công bằng xã hội, xây dựng Cuba trở thành một trong những nước có chính sách giáo dục, y tế được cho là hình mẫu của thế giới. Lý tưởng của ông cũng trở thành hình mẫu của nhiều nước ở khu vực Mỹ Latin. 

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.