Xếp hàng đòi thừa kế
Khi người chồng là ông Đỗ Văn Cấu (Củ Chi) chết, bà Phùng Thị Ê nhận được trát tòa (văn bản của tòa), có đến mấy người phụ nữ đòi bà phải chia di sản thừa kế, là một mảnh đất của ông Cấu để lại. Năm 2000, bà Ê làm thủ tục kê khai và được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất nói trên. Những người làm đơn đòi chia tài sản đều nhận là vợ và con của chồng bà Ê.
Trước đây, ông Cấu sống như vợ chồng với hai người phụ nữ khác và đều có con với những người này trước khi sống chung với bà Ê. Trong đơn khởi kiện, bà Đỗ Thị Dung nhận mình là con ông Cấu. Tuy nhiên, sau khi cha chết, bà Dung xin bà Ê một phần đất để ở nhưng không được. Vì vậy, bà Dung khởi kiện ra tòa để đòi chia di sản cha mình để lại.
Ngoài bà Dung còn có bà Nguyễn Thị Lệ cũng nhận mình là con ông Cấu và khởi kiện bà Ê ra tòa để đòi chia đất. Sở dĩ có việc hai “người lạ” đến đòi chia của vì trước khi sống chung với bà Ê, ông Cấu từng sống chung và có con với hai bà khác: một là mẹ bà Dung, một là mẹ bà Lệ.
Năm 2005, TAND huyện Củ Chi đưa vụ án tranh chấp về quyền thừa kế ra xét xử. Tòa này thừa nhận bà Dung là con gái ông Cấu nhưng lại bác yêu cầu chia đất vì bà Dung không chứng minh được phần đất này của cha mình. Trước đó, không hiểu sao bà Lệ rút đơn khởi kiện.
Bị xử thua, bà Dung kháng cáo. Từ đây, vụ án trở nên phức tạp khi TAND TP HCM hủy án sơ thẩm vì cho rằng lúc còn sống, ông Cấu có ba người vợ và đều có con chung với những người này. Trong đó bao gồm mẹ bà Dung, mẹ bà Lệ và bà Ê. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không triệu tập hai mẹ con bà Lệ là sai.
Mất hơn hai năm sau, TAND huyện Củ Chi xét xử sơ thẩm lần hai vụ án. Lần này, ngoài bà Dung còn có mẹ con bà Lệ cùng khởi kiện yêu cầu được chia thừa kế. Tòa huyện cho rằng, ông Cấu có ba vợ như đã nói trên. Vì vậy, tòa quyết định chấp nhận yêu cầu của bà Dung và mẹ con bà Lệ xin chia thừa kế.
Ai là vợ?
Lần này, bà Ê kháng cáo. Tại phiên xét xử phúc thẩm lần 2, TAND TP HCM nhận định giống án sơ thẩm và tuyên y án: Bà Dung, mẹ con bà Lệ, bà Ê và bốn người con của bà Ê được thừa kế di sản do ông Cấu để lại.
Mọi việc cứ tưởng đã êm xuôi khi ai nấy đều có phần. Ngặt một nỗi, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, năm 2009, VKSNDTC kháng nghị bản án. Kháng nghị lại xoay sang một hướng rối rắm khác: Nếu ông Cấu chung sống với mẹ bà Lệ từ năm 1960 thì cũng không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Mặt khác, bà Lệ khai mình là con của ông Cấu nhưng không có chứng cứ nào chứng minh điều đó, chưa kể bà Lệ mang họ khác với ông Cấu. Đồng thời, quyết định kháng nghị cũng cho rằng bà Ê chung sống với ông Cấu từ năm 1979 nên cũng không được công nhận là vợ chồng.
Ngay sau đó, TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm. Theo đó, quyết định giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm, giao cho TAND huyện Củ Chi (sơ thẩm) xét xử lại. Lý do hủy, theo Tòa tối cao là Nghị quyết số 02 năm 1990 của TANDTC hướng dẫn thì mẹ bà Dung và mẹ bà Lệ mới chính thức là vợ của ông Cấu.
Bà Dung, bà Lệ sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Mặc dù bà Ê sống chung với ông Cấu từ năm 1979 và có với nhau tới bốn người con nhưng không được pháp luật công nhận là vợ chồng vì sống chung với nhau sau khi có Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959.
Sau hơn 5 năm vòng vo qua 5 cấp xử, vụ việc trở lại từ đầu. TAND huyện Củ Chi xét xử sơ thẩm lần 3 và nhận định theo “hướng dẫn” của quyết định giám đốc thẩm: Mẹ con bà Dung và mẹ con bà Lệ đều là vợ, con của ông Cấu. Trong giấy chứng nhận đăng ký nhân khẩu thường trú vào năm 1977 và năm 1982 đều thể hiện bà Dung là con của ông Cấu.
Tuy có kết luận ông Cấu sống chung như vợ chồng với ba người phụ nữ là mẹ của bà Dung, mẹ bà Lệ và bà Ê nhưng chỉ có mẹ bà Dung và mẹ bà Lệ được công nhận là vợ của ông Cấu. Bà Ê sống với ông Cấu từ năm 1979 (sau khi có Luật Hôn nhân và Gia đình 1959) nên không được công nhận là vợ chồng. Đồng thời, tòa tuyên mẹ con bà Lệ với bà Dung được quyền nhận một phần di sản thừa kế do ông Cấu để lại.
Lần thứ ba, TAND TP HCM xét xử phúc thẩm vụ án và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Điều này đồng nghĩa, bà Ê không được chia phần mảnh đất trên, dù bà đang đứng tên. Không chấp nhận kết quả vụ kiện sau bảy lần xét xử, bà Ê lại tiếp tục làm đơn đề nghị giám đốc thẩm.
Tòa tước quyền thừa kế của bà Ê là sai
Nghị quyết 35 năm 2000 của Quốc hội hướng dẫn việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình và Thông tư liên tịch số 01 năm 2001 của TANDTC, Viện KSNDTC và Bộ Tư pháp hướng dẫn nghị quyết nói trên quy định: Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn.
Nếu trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Theo đó, nam và nữ được coi là chung sống với nhau như vợ chồng nếu như họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp: Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình…
Rõ ràng, bà Ê và ông Cấu có đủ các yếu tố quy định này. Vì vậy, Tòa án không áp dụng văn bản pháp luật mới mà lại đi áp dụng văn bản pháp luật cũ đã hết hiệu lực để tước quyền thừa kế của bà Ê là sai. (Luật sư Nguyễn Văn Đức)