Báo PLVN ngày 25/10/2011 có bài “Vụ vay nợ tại Công ty Rồng Việt: Công an Hà Nội sớm có văn bản trả lời”. Sau khi bài báo đăng tải, Công an Hà Nội đã có văn bản trả lời báo, khẳng định vụ việc là tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tuy nhiên, với những văn bản tiếp theo trả lời khiếu nại của đương sự, vụ việc đã bị đẩy sang một hướng khác.
È cổ gánh nợ
Tháng 12/2007, anh Phạm Công Huân - Giám đốc Cty CP Đầu tư Rồng Việt (Cty Rồng Việt) cho vợ chồng ông Nguyễn Bá Bình, bà Phan Thị Thảnh (ngụ xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội) vay 2 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là quyền sử dụng mảnh đất rộng 238m2 tại xã Mễ Trì của vợ chồng ông Bình. Hai bên thỏa thuận tài sản bảo đảm sẽ do bên thứ ba giữ là Ngân hàng NN&PTNT Thăng Long, Chi nhánh Phan Đình Phùng (Hà Nội). Các nghĩa vụ và quyền hạn của hai bên được ghi rõ trong hợp đồng vay tiền đề ngày 6/12/2007.
Theo anh Huân, đến thời hạn trả nợ nhưng vợ chồng ông Bình không trả bất kỳ khoản tiền. Vì thế, đến ngày 27/1/2010, Cty Rồng Việt đã phải đứng ra trả hết nợ vay cho ngân hàng.
Chưa hết, trong khi vợ chồng ông Bình chưa trả tiền cho anh Huân thì anh Phan Chính (cháu của vợ chồng ông Bình) lại quay ra tố anh Huân “dùng thủ đoạn đứng ra bảo lãnh để vay vốn ngân hàng và chiếm đoạt ngôi nhà 119 Xuân Thủy”. Cần nói thêm trước đó bà Lưu Thị Dong (mẹ anh Phan Chính) đã bán căn nhà này cho anh Huân. Việc mua bán diễn ra đúng trình tự luật định và hiện ngôi nhà này anh Huân đã đứng tên “sổ đỏ” nhưng thực tế vẫn chưa được quản lý.
Vừa muốn đòi tiền của vợ chồng ông Bình, vừa muốn đòi căn nhà mà mình đã đứng tên “sổ đỏ”, anh Huân đã kiện ra Tòa. Đáp lại, Tòa án cho hay phải chờ câu trả lời của cơ quan công an (xem vụ việc có yếu tố hình sự hay không). Và sau đó, mặc dù ngày 12/5/2010, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã có văn bản khẳng định “tính chất sự việc là tranh chấp dân sự” nhưng hơn 1 năm sau, đến tận tháng 11/2011 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội mới trả lời dứt điểm: Đây là tranh chấp dân sự.
Vi phạm Thông tư 08?
Vụ việc kéo dài như vậy khiến đương sự là anh Huân phải đi lại nhiều, sống trong tâm trạng lo âu, phập phồng chờ đợi gây ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc. Hơn nữa, việc vợ chồng ông Bình chưa trả được nợ khiến Cty Rồng Việt phải chịu các khoản vay lãi đã “gánh” nợ cho vợ chồng ông Bình. Việc này kéo theo hệ quả là Cty Rồng Việt bị sứt mẻ thương hiệu, mất uy tín trong làm ăn, kinh doanh.
Trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, anh Huân còn cho rằng nhiều văn bản trả lời của Công an Hà Nội là “có vấn đề”. Ví dụ, Văn bản số 4857 ngày 28/9/2012, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội cho rằng: “Từ tháng 1/2009 đến tháng 10/2009, anh Chính đã đưa cho anh Huân hơn 400 triệu đồng để trả gốc và lãi cho khoản vay 1,5 tỷ đồng tại Ngân hàng Techcombank (anh Huân đã viết bản đối trừ công nợ - PV)”. Tuy nhiên theo anh Huân thì chi tiết như nêu trong văn bản chỉ là sự dàn dựng để hãm hại anh và chiếm đoạt số tiền lãi mà anh đã phải trả thay cho vợ chồng ông Bình.
Ngoài ra, anh Huân còn bức xúc về tố tụng, việc Công an Hà Nội “thụ lý” lại vụ việc trong khi đã có văn bản trả lời của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) là không đúng với tinh thần của Thông tư số 08 ngày 24/7/2007 của Bộ Công an (không xem xét, giải quyết những đơn tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới).
Từ những bức xúc trên, anh Huân tha thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có biện pháp xử lý hành vi của anh Chính, bà Dong, xem xét việc kéo dài thời hạn xử lý đơn thư cũng như ra kết luận của cán bộ có thẩm quyền, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Cty Rồng Việt.
• Mạnh Quân