Theo tìm hiểu của PLVN, khối các trường học của Bộ này đang có gần 30 đơn vị, đào tạo nhiều chuyên ngành chồng chéo nhau. Các đơn vị thuộc hai Viện của Bộ này cũng có nhiều phòng và đơn vị thành viên với bộ máy nhân sự khá lớn.
Cán bộ khoa học “lao” vào… làm kinh tế!
Hiện nay, Bộ GTVT có hai viện là Viện Chiến lược & phát triển GTVT và Viện Khoa học & Công nghệ GTVT. Chức năng chính của các viện là nghiên cứu khoa học; thúc đẩy các đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu vào thực tiễn cuộc sống. Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, dù mỗi năm có hàng chục đề tài khoa học cấp Bộ được đưa ra nghiên cứu nhưng số công trình khoa học sau nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn lại chỉ “đếm trên đầu ngón tay”!
Dường như hiện nay các Viện nghiên cứu của Bộ GTVT không còn quá chú trọng đến vấn đề nghiên cứu vì thực hiện xong cũng chỉ… để đấy. Thay vì thực hiện chức năng nghiên cứu, các Viện cũng làm kinh tế bằng cách ký hợp đồng với các đơn vị ngoài để thực hiện các gói dịch, nổi bật là giám định chất lượng công trình.
Vậy là các giáo sư, tiến sĩ công tác ở Viện, vốn dĩ là những nhà khoa học cần mẫn thì nay cũng tập trung khá nhiều thời gian cho công trường, dự án để làm kinh tế. Mà đã làm kinh tế thì phải tính đến lợi nhuận, hơn thiệt của thị trường. Trong môi trường ấy, thử hỏi Viện nghiên cứu còn thật sự làm tròn chức năng nghiên cứu khoa học nữa hay không?
Về cơ cấu tổ chức, nếu Viện Chiến lược & Phát triển GTVT có hơn 10 phòng và trung tâm trực thuộc, thì Viện Khoa học & Công nghệ GTVT ngoài các phòng ban còn có đến 19 đơn vị thành viên rải khắp từ Nam ra Bắc, với hàng nghìn nhân viên. Với số lượng nhân sự của một Viện đông như vậy, mỗi năm tiêu tốn không ít chi phí. Tất nhiên, vì Viện này hàng năm có những hợp đồng dịch vụ thẩm định chất lượng công trình với các đơn vị bên ngoài nên có thêm nguồn để chi trả. “Rõ ràng, nếu không làm ngoài, nhân viên sẽ không thể sống được”, một nhân viên tại Viện này chia sẻ với PLVN.
Viện Khoa học&Công nghệ GTVT sẽ thành công ty cổ phần? |
Có nên tồn tại nhiều trường cao đẳng, trung cấp?
Với khối trường đào tạo, Bộ GTVT là một trong ít Bộ sở hữu nhiều trường học nhất Việt Nam. Theo thống kê, hiện có khoảng 26 trường học trực thuộc Bộ GTVT, từ trung cấp đến đại học. Ngoài những trường học đặc thù, không thể thiếu của ngành Giao thông như Trường Cán bộ Quản lý GTVT, Học viện Hàng không Việt Nam, Trường Đại học Hàng hải, Trường Đại học Công nghệ GTVT… thì còn nhiều trường học khác thuộc hệ cao đẳng, trung cấp nghe cứ na ná nhau nhưng không hiểu sao vẫn tồn tại.
Nếu ở Hà Nội có trường Đại học Công nghệ GTVT thì ở TPHCM có Trường Đại học GTVT TPHCM. Ngoài hai trường đại học lớn này thì có hàng loạt các trường khác đào tạo nhiều nội dung khá giống nhau như Trường Cao đẳng GTVT II, Trường Cao đẳng GTVT III, Trường Cao đẳng GTVT Miền Trung, Trường cao đẳng nghề GTVT Trung ương I, Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương II, Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương III, Trường Trung cấp GTVT Miền Bắc, Trường Trung cấp GTVT Miền Nam, Trường Trung cấp nghề cơ giới đường bộ…
Ngoài các trường học thuộc Bộ GTVT, lĩnh vực này còn có Trường Đại học GTVT trực thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo - cái nôi đào tạo chuyên gia, kỹ sư hàng đầu Việt Nam cho lĩnh vực, mỗi năm tuyển sinh hàng ngàn sinh viên mới, đào tạo tất cả các chuyên ngành về giao thông. Trong bối cảnh hệ thống trường đại học ngành GTVT nhiều như hiện nay, mỗi năm cho ra trường hàng ngàn cử nhân thuộc đủ các chuyên ngành khác nhau, nhưng Bộ GTVT vẫn cho tồn tại nhiều trường học thuộc hệ thống cao đẳng, trung cấp thì liệu có hợp lý? Đáng nói, trong số tốt nghiệp đại học ra trường, vẫn có trường hợp thất nghiệp thì liệu nơi nào sẽ tuyển dụng hệ cao đẳng, trung cấp?
Theo một chuyên gia về giáo dục, việc Bộ GTVT mở nhiều trường thuộc hệ trung cấp, cao đẳng có thể nảy sinh tiêu cực “con ông cháu cha” ở cơ sở. Theo vị này, tại một số địa phương, nhiều người không có năng lực nhưng sau khi học xong cao đẳng, trung cấp sẽ được người nhà tuyển dụng vào những vị trí thuộc bộ máy quản lý. Sau đó vài năm, từ bằng hệ trung cấp, cao đẳng, những người này được liên thông và không lâu sau có bằng đại học. “Những người thực tài thì chưa chắc đã được tuyển dụng, trong khi người học cao đẳng, trung cấp nhưng có “quan hệ” thì lại được tuyển dụng”, vị này bức xúc.
Thông tin mà PLVN nắm được, Bộ GTVT đang có định hướng chuyển Viện Khoa học & Công nghệ GTVT sang mô hình công ty cổ phần. Theo kế hoạch, đầu tuần tới, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông sẽ làm việc với Viện này để bàn việc chuyển đổi.
Trao đổi với PLVN, một lãnh đạo Viện Khoa học & Công nghệ GTVT cho hay, việc chuyển từ Viện sang mô hình công ty cổ phần mới bắt đầu được bàn đến, đang xin ý kiến và dự kiến lộ trình, Bộ chưa “chốt”; nhưng nếu đồng ý thì cũng phải sau năm 2020 mới thực hiện.