Có thể nói, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang có những đóng góp ngày càng to lớn, thiết thực và đa dạng hơn vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và cải thiện vị thế đất nước.
Ngày 15/1/2012, đoàn Việt kiều các nước về thăm quê hương nhân dịp Tết Nhâm Thìn đã đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm nơi ở và làm việc của Người. Ảnh: TTXVN. |
Tiềm năng chất xám của cộng đồng người Việt ở nước ngoài
Cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài có tiềm năng lớn về chất xám. Hiện nay, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học, trên đại học, chuyên gia kỹ thuật có tay nghề cao. Với truyền thống hiếu học của dân tộc, đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài có học hàm, học vị cao ngày càng tăng, nhất là những người thuộc thế hệ thứ 3, thứ 4.
Một số tài liệu ước tính có khoảng 300.000 - 400.000 người Việt Nam ở nước ngoài được đào tạo ở trình độ đại học và trên đại học, có kiến thức cập nhật về khoa học và công nghệ, về quản lý kinh tế...
* Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng hơn 4 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở 21 quốc gia. * Trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đã có những doanh nhân người Việt rất thành đạt, với uy tín ngày càng được nâng cao. * Một số người gốc Việt đã được bầu vào những vị trí nhất định trong Chính phủ, Nghị viện và chính quyền địa phương ở một số nước. |
Một thế hệ trí thức mới của những người gốc Việt đang hình thành và phát triển, chủ yếu ở bắc Hoa Kỳ, Tây Âu, Australia, trong nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học, quản lý kinh tế, chứng khoán...
Đây là những ngành, nghề rất cần phát triển trong nước.
Tuy nhiên việc gìn giữ tiếng Việt, văn hóa và bản sắc dân tộc trong thế hệ trẻ còn nhiều khó khăn. Nhu cầu giao lưu văn hóa giữa cộng đồng người Việt với đất nước cũng như việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng là rất lớn và trở nên bức thiết song chưa được đáp ứng. Hiện còn thiếu cơ chế, chính sách và các biện pháp khả thi hiệu quả nhằm duy trì, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thu hút sự đóng góp tương xứng với tiềm năng tài lực và trí lực của bà con vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Một nguồn lực của đất nước
Chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với quốc tế. Tuy sống xa quê hương nhưng cộng đồng người Việt ở nước ngoài luôn có tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều người đã đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay.
Tư tưởng hướng về cội nguồn của cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài đã có những bước phát triển tích cực trong những năm gần đây. Sự tham gia của kiều bào vào các hoạt động xã hội trong nước ngày càng sâu rộng. Số lượng người về thăm gia đình quê hương ngày càng một tăng. Theo báo cáo của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong 5 năm gần đây trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 Việt kiều về nước thăm quê hương, theo đó một lượng kiều hối rất lớn được chuyển về nước, không chỉ để chuyển cho thân nhân mà còn thực hiện rất nhiều dự án đầu tư.
Cũng theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 3.200 dự án của bà con kiều bào với số vốn 5,7 tỷ USD đang được đầu tư tại Việt Nam, trong đó khoảng 60% số dự án đang hoạt động có hiệu quả. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15%/năm, từ mức 3 tỷ USD năm 2004 tăng lên 7,4 tỷ USD năm 2008, năm 2010 khoảng 8 tỷ USD, năm 2011 ước khoảng 9 tỷ USD. Nguồn tài chính này chủ yếu đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, bù đắp vào thâm hụt cán cân thương mại, giúp giảm thiểu rủi ro trong việc huy động vốn, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.
Sự ra đời của Hiệp hội Doanh nhân người Việt ở nước ngoài vào tháng 8/2009 là mốc quan trọng trong việc tập hợp, liên kết sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam trên toàn thế giới giúp nhau cùng phát triển và đóng góp thiết thực cho quê hương.
Đến nay, trung bình hàng năm có khoảng 300 chuyên gia, trí thức về nước hợp tác, đóng góp chuyên môn chủ yếu trên các lĩnh vực: Tư vấn trong hoạch định chính sách phát triển đất nước, nhất là trong ngành kinh tế, khoa học, chuyển giao công nghệ, giáo dục, đào tạo là cầu nối hợp tác, tìm kiếm nguồn đầu tư quốc tế cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước.
Đổi mới trong công tác kiều bào
Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Vận hội mới và thách thức mới đòi hỏi phải củng cố và phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam có nhiều chính sách, biện pháp đổi mới từng bước đáp ứng nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, Nghị quyết 36/NQ-TW (ngày 26/3/2004) của Bộ Chính trị đã được triển khai, quán triệt, tạo bước đột phá mới trong công tác đối với kiều bào.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng của kiều bào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, trong những năm tiếp theo Việt Nam sẽ đẩy mạnh thu hút kiều bào về xây dựng quê hương. Trước mắt, tập trung nghiên cứu đề xuất việc xây dựng “Pháp lệnh về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” nhằm đảm bảo thực thi nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 36/NQ-TW cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật nhà nước đối với kiều bào.
Đề án “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước” đang được các cơ quan chức năng tích cực triển khai thực hiện với những nội dung chiến lược như thành lập Ban chỉ đạo quốc gia; xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, trí thức có trình độ cao; tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách và cơ chế đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nhân kiều bào, tạo mọi điều kiện để bà con tham gia xây dựng đất nước; kịp thời động viên, khen thưởng những doanh nghiệp và doanh nhân kiều bào tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho việc tăng cường trao đổi thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và nước sở tại.
Với các chính sách ngày càng phù hợp, với việc đưa công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục là một trong những trọng tâm ưu tiên của ngành ngoại giao, cộng đồng người Việt đang ngày càng có nhiều cơ hội đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Nguyễn Hồng Điệp