Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 6 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 gồm: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTAT GTĐB).
Trừ điểm giấy phép lái xe sẽ hoàn toàn tự động
Giới thiệu về Luật TTAT GTĐB, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Luật có bố cục gồm 9 chương, 89 điều, tiếp tục kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm từ Luật GTĐB năm 2008, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm thiết lập văn hóa về giao thông, giảm thiểu xảy ra tai nạn giao thông. Luật TTAT GTĐB cũng quy định về trừ điểm giấy phép lái xe với người vi phạm TTAT giao thông. Để chuẩn bị cho việc thực hiện chế tài này, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an đã và đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực GTĐB, trong đó, có quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính bị trừ điểm giấy phép lái xe. Việc trừ điểm giấy phép lái xe sẽ hoàn toàn tự động từ ngày 1/1/2025 và được kết nối với VNeID, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trả lời câu hỏi của Báo Pháp luật Việt Nam về Trung tâm chỉ huy giao thông thông minh, Thứ trưởng Hùng nhấn mạnh, Luật dành 1 điều (Điều 75) quy định về Trung tâm này. Bộ Công an đã có quá trình chuẩn bị lâu dài và đến nay đã có cơ sở dữ liệu về TTAT giao thông rất đồ sộ, được kết nối, chia sẻ trong lực lượng Công an từ Trung ương đến địa phương cũng như kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Vì vậy, khi Luật có hiệu lực thi hành, Thứ trưởng Hùng khẳng định, Bộ Công an đủ sức điều khiển TTAT giao thông trên phạm vi toàn quốc bằng các công cụ, phương tiện thông minh...
Nhiều quy định mới về Thẩm phán
Tại họp báo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật Tổ chức TAND năm 2024 gồm 9 chương, 152 điều; giảm 2 chương nhưng tăng 54 điều so với Luật năm 2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025. Luật vừa ban hành có nhiều điểm mới đáng chú ý liên quan đến chế định về Thẩm phán. Theo đó, về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, Luật thông qua bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi (từ đủ 45 tuổi trở lên) và phải có từ đủ 20 năm trở lên công tác tại Tòa án, trong đó có từ đủ 10 năm trở lên làm Thẩm phán TAND. “Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải có từ đủ 5 năm trở lên làm Thẩm phán TAND”, Phó Chánh án TANDTC nhấn mạnh.
Ngoài ra, Luật cũng bổ sung trường hợp luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC; bổ sung quy định về giới hạn số lượng Thẩm phán TANDTC được tuyển chọn, bổ nhiệm từ nguồn ngoài Tòa án không quá 2 người.
Về thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt mà phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam quan tâm, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật Tổ chức TAND 2024 đã quy định thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, TAND sơ thẩm chuyên biệt Phá sản để bảo đảm tính chuyên môn hóa và sự chuyên sâu trong hoạt động xét xử vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản, bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử các vụ án hành chính.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, số lượng từng loại vụ việc mà Tòa án có thẩm quyền giải quyết, cơ sở vật chất, nhân lực, TANDTC đang nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết và xây dựng phương án đề xuất, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội...