Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử; Bộ trưởng LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trực tiếp giải trình, trả lời các câu hỏi của các đại biểu về giảm nghèo vùng DTTS. Giải trình thừa nhận chính sách nhiều nhưng dàn trải ở nhiều đầu mối, Trung ương chỉ đạo nhưng địa phương không triển khai hoặc không triển khai được do thiếu điều kiện... đã hạn chế công tác giảm nghèo đối với đồng bào DTTS.
Tại phiên giải trình sáng qua, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết, đồng bào thiểu số chiếm 15% dân số cả nước nhưng có khoảng 47% trong tổng số người nghèo (năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại các xã, huyện đặc biệt khó khăn có nơi lên tới 70-80%, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng mặc dù nguồn lực dành cho giảm nghèo vùng đồng bào DTTS là không nhỏ.
“Thiếu đất thì kỷ luật người đứng đầu cũng chịu!”
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Giàng Seo Phử trước thực trạng, địa phương thiếu quỹ đất nên không thể lo được đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo các chính sách cho vùng này. Theo Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Danh Út, việc dân thiếu đất sản xuất là vì đất được thu hồi làm sân gôn, cho thủy điện… nên “đồng bào thiếu đất đối mặt với đói nghèo”. Nhìn rõ bất cập này QH đã ra chỉ tiêu từ 2013-2015 sẽ tập trung nguồn lực lo được trên 70% hộ nghèo có đất sản xuất. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn chưa nghiêm túc, rất ít ngân sách được bố trí cho chương trình này.
Phủ nhận trách nhiệm của UBDT trong việc lo đất cho đồng bào DTTS vì Ủy ban không quản lý đất đai, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho rằng, các Bộ Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT phải đưa ra giải pháp giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Cùng với đó, “phải sắp xếp lại dân cư trên phạm vi toàn quốc bởi thực tế rất nhiều địa phương không còn quỹ đất”- là đề xuất của Chủ nhiệm UBDT cho tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào.
Bổ sung thêm cho đề xuất của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị, rà soát lại nông lâm trường quốc doanh theo hướng thu hồi một phần đất phù hợp tiếp tục ưu tiên giải quyết cho đồng bào, hỗ trợ đồng bào sản xuất tốt trên diện tích đất hiện có. Đặc biệt cần thực hiện chính sách hỗ trợ để bà con có cơ hội chuyển nghề, làm những nghề phi nông nghiệp chứ không trông chờ vào giải pháp đất canh tác.
Có tiêu cực trong thực hiện chính sách giảm nghèo?
Phó Trưởng ban Dân nguyện Bùi Nguyên Súy bày tỏ lo ngại có tham nhũng, tiêu cực trong thực thi khiến các chính sách giảm nghèo chưa tới được với người dân vùng đồng bào DTTS. Nhưng Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến thừa nhận: “Vẫn còn sơ suất trong quản lý nguồn vốn cho các chương trình này nên mới xảy ra thất thoát. Tuy nhiên, tới đây sẽ quản theo hướng chặt hơn”.
Cùng với thực trạng đó, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trước tình trạng “nguồn lực nhiều, lắm chính sách nhưng đây vẫn là vùng nghèo nhất nước, dân vẫn “thủy chung” với cái nghèo?” là băn khoăn chung của nhiều đại biểu.
Theo bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, đó là bởi chính sách manh mún, chồng chéo, không đồng bộ làm phân tán nguồn lực. Nguyên nhân này được Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận và hứa “tới đây sẽ ban hành chính sách sát thực tiễn hơn, giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp thay khuyến khích dân tự vươn lên. Đặc biệt sẽ phân loại nguyên nhân nghèo, đối tượng nghèo để có chính sách cho phù hợp”.
Theo nhiều đại biểu, đặc biệt là Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử, nên hợp nhất đầu mối theo dõi quản lý và đồng bộ cơ chế thực hiện các chính sách, gom các chính sách đối với vùng DTTS chỉ còn hai chính sách về định canh định cư, ổn định dân cư liên quan đến DTTS và Chương trình 30a và Chương trình 135 làm một chính sách, giao cho UBDT là đầu mối quản lý, theo dõi thực hiện.