Mẹ bệnh nhi cho biết, trẻ đau bụng từ ngày 29/5, đến tối bé than đau nhiều, kiểm tra thì thấy khối phồng ở vùng bẹn nên đưa đi khám.
Tại bệnh viện, các bác sĩ khám thấy khối phồng vùng bẹn, đồng thời thấy vắng tinh hoàn một bên bìu bệnh nhi nên chẩn đoán có thể là xoắn tinh hoàn ẩn.
"Kết quả siêu âm ghi nhận đúng như chẩn đoán của chúng tôi, không thấy tưới máu tinh hoàn. Trẻ nhanh chóng được nhập viện phẫu thuật cấp cứu. Thật đáng tiếc dù bác sĩ đã tháo xoắn và chờ đợi nhưng tinh hoàn vẫn không thể nào hồi phục. Ekip đành phải cắt bỏ tinh hoàn bên phải đã hoại tử cùng với cố định tinh hoàn còn lại để không bị xoắn trong tương lai", BS Hồ Trung Cường - Khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện thông tin.
Gia đình cũng cho biết thêm, dù đã biết con bị tinh hoàn ẩn từ trước nhưng ngại không mổ vì sợ bé còn nhỏ quá dẫn đến hậu quả thật đáng tiếc.
Qua trường hợp bệnh nhi trên, BS Cường khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý quan sát cơ quan sinh dục của các bé (vì thường bị ẩn giấu sau tả hoặc quần nên ít được quan tâm). Bất cứ một bất thường nào dù là nhỏ nhất cũng nên đưa bé đi khám bệnh để các bác sĩ được thăm khám và tư vấn phù hợp nhất.
Trong thời kì phôi thai, tinh hoàn nằm trong ổ bụng và di chuyển dần xuống bìu. Tình trạng không thấy tinh hoàn nằm ở bìu (được gọi là tinh hoàn ẩn hoặc tinh hoàn lạc chỗ) là một tình trạng khá phổ biến ở các bé trai.
Theo các hướng dẫn điều trị hiện tại thì tình trạng này cần phải được phẫu thuật, đưa tinh hoàn xuống bìu khi bé 6 tháng tuổi (phương pháp tiếp cận có thể là mổ nội soi hoặc mổ mở tuỳ thuộc vào vị trí của tinh hoàn). Bất kì sự chậm trễ nào của việc tiến hành phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển của tinh hoàn (teo tinh hoàn hay chuyển sản ác tính).
Xoắn tinh hoàn là tình trạng cuống mạch máu nuôi tinh hoàn bị xoắn, gây ảnh hưởng tới việc tưới máu của tinh hoàn, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ gây tình trạng hoại tử tinh hoàn, buộc phải cắt bỏ.