Quá khứ hạnh phúc
Căn nhà cụ Nguyễn Thị Chỉ (SN 1934) nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, chật hẹp trên đường Đinh Tiên Hoàng (phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ngôi nhà nhỏ lụp xụp, trống huơ trống hoác. Tất cả các cửa đều mở toang nhưng ánh sáng lọt vào vẫn không đủ xua đi không khí âm u.
Trên tấm phản lạnh ngắt, cụ Chỉ nằm thiu thiu, thấy khách lạ thì ngơ ngác: “Tới tìm ba thằng Tèo à! Nó đi tù rồi, tôi mới đi thăm nuôi về hai ngày nay”.
Bà cụ cho biết có hai người con, một trai, một gái. Chồng qua đời từ khi các con còn nhỏ, góa phụ một mình bươn chải làm đủ nghề cũng đủ nuôi con, còn dành dụm mua được ngôi nhà hiện đang ở.
Người con gái lớn đã được họ hàng bảo lãnh sang nước ngoài nhiều năm. Tất cả tình yêu thương, kỳ vọng, cụ dồn hết lên người con trai là Trần Châu Sơn (SN 1973).
Học hành không đến nơi đến chốn nên Sơn chỉ làm thuê mướn thất thường. Ngày con nói cưới vợ, cụ Chỉ mừng quýnh. “Hai đứa nó quen nhau bốn năm rồi mới kết hôn. Tôi ưng ý lắm, bề ngoài con dâu xinh xắn, dễ thương, học hành đàng hoàng, lại con nhà gia giáo nên đoán chắc sẽ biết cách cư xử phải trái”, cụ tâm sự.
Cụ nhớ lại: “Hồi ấy vui lắm, trong nhà lúc nào cũng có tiếng cười nói. Thằng Sơn thương vợ con, không đồng ý cho vợ đi làm vì sợ vợ khó nhọc, con còn nhỏ lại không ai chăm sóc. Tiền bạc vợ chồng nó tôi không lấy xu nào, làm được bao nhiêu chúng tiêu bấy nhiêu, còn ăn uống, con cái thì đã có tôi lo”.
Nhưng chính từ việc con trai cụ cứ giữ “khư khư” vợ trong nhà khiến người vợ bức bối, hay cáu gắt. Đã thế, Sơn còn ghen vợ hay nói chuyện với người đàn ông đã có vợ thuê nhà bên cạnh khiến mọi chuyện rùm beng, nhà bên kia phải chuyển đi nơi khác sống.
Sau đó, người vợ đi làm kiếm tiền, xin vào làm tại một quán cơm, thường đi sớm về khuya. Cụ Chỉ thở dài, “gái một con trông mòn con mắt”, lại được nhiều người đàn ông hơn hẳn chồng mình về nhiều mặt, nói lời ngon ngọt tán tỉnh. Con dâu cụ xiêu lòng.
Thấy vợ đổi khác, hay chăm chút bề ngoài, ít quan tâm chồng con, Sơn sinh nghi, thường để ý hành tung của vợ. Khi biết chắc vợ ngoại tình, Sơn tức giận khuyên răn, cấm cản nhưng không được. Sau lần vợ của người đàn ông kia đến tận nhà đánh ghen, Sơn trầm tính hẳn.
Án mạng ngày mùng Một Tết
Tình cảm vợ chồng càng rơi vào ngõ cụt, người vợ vẫn tiếp tục lén lút qua lại với tình nhân, còn Sơn chán nản lao vào nhậu nhẹt, cờ bạc.
Cụ nhớ lại cái đêm kinh hoàng khi người con trai nổi “cơn điên”, không kìm nén được tức giận đã sát hại vợ: “Hôm ấy là mùng Một Tết (tức ngày 31/1/2013), sáng sớm hai vợ chồng nó đã lục đục, cãi vã. Sơn bảo vợ cùng mình và con đến chùa thắp hương, nhưng vợ nó định đi chơi với ai đó nên nói mãi mới miễn cưỡng làm theo lời chồng.
Vừa đi từ chùa về tới cổng nhà, con dâu tôi đã vội quay ngược xe đi, bỏ chồng con ở nhà. Buồn vợ, thằng Sơn cũng bỏ đi nhậu luôn”.
Tối đến, Sơn trở về nhà trong tình trạng say khướt, tìm vợ hỏi chuyện. Cả hai cãi nhau to. Lúc leo lên giường, không biết vô tình hay cố ý, chân Sơn bước ngang qua đá trúng chân vợ. Bị đánh thức trong lúc ngủ say, nghĩ chồng cố ý nên người vợ bực dọc nặng lời. Cãi vã tiếp tục.
Bỗng người vợ hét lớn “tôi muốn ly dị…”. Sơn lao xuống bếp lấy hai con dao Thái Lan, dùng một con đâm trúng cổ vợ làm lưỡi dao bị gãy. Người vợ phản ứng dùng chân đạp trúng người chồng rồi bỏ chạy ra đến giường của mẹ chồng cầu cứu.
Người chồng không chịu buông tha, lấy tổng cộng sáu con dao lớn nhỏ tiếp tục truy sát, đâm nhiều nhát khiến vợ chết ngay tại chỗ.
“Nghe tiếng con dâu kêu cứu, tôi quá hoảng loạn chỉ biết la hét kêu thằng Sơn dừng lại, nhưng nó cứ như điên dại lao vào đâm vợ. Tôi loạng choạng chạy đi mở cửa cho vợ nó chạy thoát, thằng Sơn đuổi theo đâm cho chết mới thôi. Tôi quá sợ hãi, ngất lịm, đến giờ vẫn không thể nào quên được cảnh tượng ấy”, cụ Chỉ nhớ lại.
Cụ chia sẻ thêm: “Thời gian sau đó, đêm nào tôi cũng bị ám ảnh, mơ thấy con dâu về khóc lóc, kêu cứu. Tôi phải mời sư thầy trên chùa về cầu siêu”.
Hi vọng mong manh
Người mẹ già lo sợ ngày con trai bị tử hình sắp đến |
Tòa án sau đó xét xử lưu động tại hẻm 91, tuyên án Sơn tử hình. Cụ Chỉ khóc lóc cầu xin giảm án cho con trai, nhưng không được. Dẫu vậy, người mẹ vẫn nuôi hy vọng mong manh, làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng mong xem xét giảm án.
“Có người khuyên tôi nên bỏ mặc, tội nó gây ra để nó phải chịu, nhưng dù chỉ còn một tia hy vọng tôi cũng phải làm”, cụ Chỉ quả quyết.
Mỗi tháng cụ Chỉ được nhà nước hỗ trợ gần 300 nghìn đồng chế độ người cao tuổi nhưng không dám ăn uống, tiết kiệm từng xu để dành tiền thăm nuôi, đi chỗ này chỗ kia cầu xin giảm án cho con. Trưa, cụ thường chỉ pha gói mỳ tôm, còn chiều có người bán bánh mỳ đi ngang qua cho một ổ, thế là no. Ốm đau, cụ tự ra trạm y tế phường xin thuốc về uống.
Ngày ngày cụ Chỉ luẩn quẩn ra vào trong căn nhà lạnh lẽo, buồn, nhớ con cháu, nước mắt lại chảy dài. Trong suốt câu chuyện, cụ không hề trách móc con dâu nửa lời mà thương xót, nói xin lỗi thay con trai.
Từ sau ngày con dâu chết, con trai đi tù, đứa cháu nội duy nhất cũng được đưa về bên ngoại chăm sóc, lâu lâu mới lên thăm cụ. “Thằng bé giống ba y hệt, cứ hỏi tôi “khi nào ba mới được ra tù”. Tòa án cả hai lần xử đều tuyên con tôi tử hình, nếu nó chết thì tôi làm sao sống nổi”, bà cụ than khóc. /.