Từng là đứa con chăm ngoan
Tùng là con trai cả trong gia đình có hai anh em ở ngoại thành Hà Nội. Bố mẹ Tùng đều là những nông dân chịu khó, một nắng hai sương quanh năm gắn với ruộng đồng. Ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn, thấu hiểu sự vất vả của bố mẹ nên Tùng luôn chăm ngoan, đỡ đần bố mẹ. Năm Tùng lên 7 tuổi người mẹ qua đời, hai anh em Tùng lại càng nheo nhóc.
Nỗi đau mất mẹ khiến hai anh em Tùng buồn bã và trở nên lầm lì hơn. Biết mình là chỗ dựa duy nhất cho bố và em gái nên Tùng gắng gượng và trưởng thành hơn so với các bạn cùng trang lứa. Tùng cố gắng học tập với hi vọng lớn lên có cuộc sống tươi sáng, tốt đẹp hơn để phụng dưỡng người cha khi ông về già.
Một thời gian sau, cha Tùng đi thêm bước nữa. Cuộc sống gia đình càng trở nên bế tắc hơn khi người cha lại sa vào cờ bạc, rượu chè. Những lúc cha uống rượu hay chơi bạc thua về lại lôi Tùng ra chửi mắng. Có những lần người ta đến đòi nợ Tùng lại phải đi vay hàng xóm để trả nợ thay cha.
Cuộc sống khó khăn, điều kiện càng thiếu thốn Tùng càng cố gắng vươn lên trong học tập. Vì vậy, trong suốt quá trình học tập, Tùng luôn đạt thành tích cao, đạt giải 3 học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật Lý. Năm 2007, Tùng thi đỗ đại học, ôm khát vọng trở thành kỹ sư ngành tin học. Hai năm đầu, Tùng phát huy khả năng của mình nên luôn là sinh viên xuất sắc đạt học bổng.
Bước sang năm thứ 3 đại học, bố Tùng ngày càng sa vào cờ bạc nên không chu cấp tiền học phí cho con trai nữa. Tùng trở nên chán nản, bỏ bê học hành. Từ một sinh viên giỏi, luôn xếp top đầu trong lớp trở nên lầm lì và xa lánh mọi người. Để có tiền tiêu xài, Tùng nhanh chóng dấn thân vào phạm tội, thấy ai sơ hở gì là hắn “chôm” ngay. Từ đó, cuộc đời Tùng đã rẽ sang một lối khác.
Tới án mạng đau lòng
Khoảng 18 giờ ngày 17/8/2015, vì muốn có tiền để vào Nam lập nghiệp, Tùng lên kế hoạch trộm cắp. Gã sinh viên men theo con đường làng vào nhà đầu tiên nhưng không trộm được gì. Tiếp đó, hắn lại trèo qua tường vào nhà cụ Tạ Văn Cát (SN 1925) cũng với mục đích “khoắng đồ”.
Đúng lúc Tùng đang lục lọi trong nhà thì cụ Cát tỉnh dậy. Sau phút hoảng loạn vì bị bắt quả tang, tên trộm nhanh chóng lao vào bóp cổ nạn nhân đến khi cụ Cát nằm bất tỉnh mới thôi. Khi đó, nghĩ nạn nhân đã chết nên Tùng ngồi hút thuốc lá để trấn tĩnh tinh thần. Hút xong,Tùng sờ vào chân nạn nhân thì thấy mạch vẫn còn đập nên nghĩ tới việc tước đoạt mạng sống của nạn nhân đến cùng.
Đơn kiến nghị của người dân nơi Lại Ôn Tùng sinh sống |
Sau khi chắc chắn nạn nhân đã tử vong, Tùng mới ung dung đi lấy đèn pin lục lọi tài sản lấy được số tiền 20 triệu và 26 chỉ vàng. Sau đó, Tùng dùng số tiền vừa trộm cắp được bỏ trốn vào thành phố Hồ Chí Minh. Hung thủ tẩu tán tài sản trộm cắp được bằng cách mang số vàng cướp được bán tại nhiều cửa hàng vàng khác nhau.
Về phần cụ Cát, phải đến tận ngày hôm sau, hàng xóm mới phát hiện điều bất thường nên bắc thang trèo sang thì phát hiện sự việc kinh hoàng. Kết quả khám nghiệm cụ Cát tử vong do suy hô hấp vì tắc đường thở. Sau hơn 4 tháng ăn tiêu hết số tiền trên. Đến ngày 29/12/2015, biết hành vi của mình là sai, Tùng đã tự ra đầu thú.
Cả làng xin nhưng vẫn không thoát án tử
Ngồi dưới hàng ghế dành cho người nhà bị cáo, chị Lê Thị Sim- dì của Tùng, nén từng tiếng nấc nghẹn khi nghe VKS truy tố bị cáo Tùng cùng lúc hai tội danh: “Giết người”, “Cướp tài sản”. Với tư cách đại diện gia đình của bị cáo, chị Sim chắp tay cúi mình xin lỗi gia đình nhà bị hại và cho rằng tội lỗi của Tùng gây ra ngày hôm nay, một phần cũng là lỗi do gia đình đã thiếu sự quan tâm, giúp đỡ Tùng trong lúc khó khăn.
Chị Sim kể, từ khi mẹ Tùng mất, bố lấy vợ và không chăm lo đến Tùng. Nhiều khi Tùng ốm mà không có tiền mua thuốc trị bệnh. Chị là người cưu mang và hay cho Tùng tiền để chi tiêu. Nhưng thời gian sau, nghĩ Tùng đã tốt nghiệp đại học nhưng không chịu đi tìm việc làm nên chị Sim không cho tiền tiêu nữa.
“Đến giờ, tôi mới biết cháu tôi đã bỏ học giữa chừng do không có tiền đóng học phí. Trước nay, Tùng là đứa cháu ngoan, học giỏi. Cũng chỉ vì hoàn cảnh gia đình mà đưa cháu phạm tội gây đau thương cho gia đình. Lỗi một phần là do tôi, tôi đã không biết mà đưa bàn tay ra để giúp cháu khi khó khăn…” chị Sim bộc bạch tại tòa.
Về phía Tùng, đứng trước vành móng ngựa, bị cáo bình tĩnh khai báo rành rọt các tình tiết trong vụ án. Tùng khai, khi bị nạn nhân rọi đèn pin, sợ bị phát hiện mới ra tay bóp cổ nạn nhân, hành động lần hai là do hoảng loạn nên gây ra hậu quả đau lòng. Tại tòa, bị cáo cúi đầu xin lỗi gia đình nhà bị hại và xin nhận được sự tha thứ từ gia đình cụ Cát.
Được biết, phiên xét xử ngày hôm đó, chính quyền và người dân địa phương nơi Lại Ôn Tùng sinh sống đã viết đơn kiến nghị xác nhận bị cáo Tùng trước nay là một người ngoan, sống chan hòa với mọi người và chưa từng gây gổ đánh nhau.
Tùng luôn được bà con lối xóm thương mến. Cảm thương cho hoàn cảnh đưa đẩy đã khiến Tùng bột phát gây tội lỗi. Họ mong tòa án xem xét cho hoàn cảnh gia đình của bị cáo, xử bị cáo tội nhẹ nhất để có cơ hội làm lại cuộc đời.
Tại tòa, người thân nạn nhân bức xúc: “Bị cáo là người có ăn học, mà lại ra tay hành xử với một ông cụ 90 tuổi. Tất cả tài sản bố tôi có được là cả quá trình cố gắng làm ăn. Gia đình tôi mong tòa án xử đúng theo pháp luật, đúng người đúng tội”.
Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án HĐXX chỉ ra, hành vi của bị cáo xâm hại đến tài sản của người khác. Hoang mang cho nhân dân, coi thường tính mạng của người khác và gây đau thương cho gia đình bị hại. Bị cáo cố ý giết người để che dấu hành vị cướp tài sản. HĐXX tuyên phạt bị cáo Lại Ôn Tùng 7 năm tội “Cướp tài sản”, tử hình cho tội “Giết người”. Tổng hình phạt “Tử hình” cho cả hai tội danh bị truy tố.
Phiên tòa khép lại, Tùng bị áp giải qua cửa sau lên xe tù trước sự ngỡ ngàng của người thân. Dì bị cáo khóc òa và buông lời trách móc. Giá như chị dành nhiều thời gian quan tâm đến cháu hơn, giá như thấy những dấu hiệu khác thường của cháu, chị cần tìm hiểu, phân tích để định hướng giáo dục cháu. Nếu bố cháu biết quan tâm cháu nhiều hơn thì Tùng có lẽ đã không phạm tội.