ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thẳng thắn cho rằng hệ thống TGTG hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch khách quan khi hệ thống nhà TGTG ở cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đều do lực lượng công an cùng cấp quản lý.
Theo ông, đó là nguyên nhân gây nên bức cung, nhục hình. “Mặc dù việc bức cung, nhục hình không do người TGTG thực hiện, nhưng lại xảy ra ở nhà TGTG. Xét về bộ máy cơ bản là tách biệt giữa cơ quan TGTG và điều tra, nhưng thực tế lực lượng của cả hai bộ phận này vẫn do cơ quan cấp đó quản lý. Mà khi cùng một người quản lý thì chúng ta có quyền đặt câu hỏi về sự khách quan”, ông nói.
Theo ĐB Trần Ngọc Vinh, cần tách hệ thống nhà TGTG ra khỏi cơ quan điều tra hình sự. Và cần tổ chức theo mô hình dọc, giao việc TGTG cho Cục TG TG của Bộ Công an, như với hệ thống trại tạm giam hiện nay.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) |
ĐB Điểu K Rứ (Đắk Nông) cũng đồng tình với quan điểm cần tổ chức lại nhà TGTG theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương để đảm bảo tính độc lập, không có cơ hội bức cung nhuc hình. Chứng minh cho quan điểm của mình, ĐB Điểu K Rứ dẫn chứng những vụ nghi can bị bức cung, nhục hình, dẫn đến oan sai, gây ảnh hưởng đến trật tự kỷ cương pháp luật.
ĐB Điểu K Rứ cũng đề nghị cần có những chế độ để bố trí người tạm giam riêng, người tạm giữ riêng, tránh trường hợp "ma cũ bắt nạt ma mới".
Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận định, thời gian vừa qua, số người bị chết trong nhà TGTG khá nhiều, cao hơn ở trại giam. Với rất nhiều nguyên nhân, trong đó có trường hợp bột phát là tự tử, và cũng có cả trường hợp chết là do hành vi của cán bộ, do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn. "Tôi thấy luật chưa giải quyết được hiện tượng này. Do đó, cần quy định một cách thông thoáng hơn để hạn chế hiện tượng chết trong nhà TGTG", ĐB Nguyễn Anh Sơn nói.
ĐB Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) cũng đề nghị giao Bộ công an quản lý theo ngành dọc hệ thống nhà TGTG ở các địa phương để đảm bảo độc lập với cơ quan quản lý với điều tra nhằm chống bức cung, nhục hình.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa |
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nhận thấy còn điểm bất nhất khi Luật quy định cơ quan TGTG của Bộ công an quản lý TGTG nhưng trong chính điều luật này lại giao hệ thống 4 nhà TGTG cho cơ quan điều tra, cảnh sát.
“Theo tôi, nên để độc lập thì tốt hơn. Nên giao hệ thống nhà TGTG cho Bộ Công an thống nhất quản lý theo ngành dọc. Tôi còn rất băn khoăn về nhà tạm giữ cấp huyện. Cơ sở vật chất rất khó khăn. Tính chuyên nghiệp cũng còn yếu. Và đặc biệt là tính độc lập càng bất cập. Ở cấp huyện mà giao nhà TGTG cho công an là không khách quan. Trong trường hợp đặc biệt cần phải giao một số nhà tạm giữ có trách nhiệm quản lý tạm giam thì cần phải có quy định đặc biệt. Chỉ chấp nhận trong một số trường hợp, không nên phổ biến việc tạm giữ được tạm giam ở cấp huyện.
Cần minh oan cho người chết khi chưa thành án
Cũng từ thực trạng nhiều trường hợp tử vong trong quá trình TGTG, ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đề nghị cần quy định về việc minh oan cho người bị TGTG. “Hiện tại, chúng ta chỉ có quy định việc minh oan khi đã bị kết án. Còn nếu người bị TGTG chết trong quá trình TGTG thì đình chỉ điều tra vụ án. Và trong những trường hợp đó, nếu họ bị oan thì cũng không có cơ chế để minh oan cho họ” – ĐB Lê Minh Hiền nói.
“Minh oan cho người bị chết trong giai đoạn điều tra rất khó, nhưng cần làm để đảm bảo quyền công dân.” – ĐB Lê Minh Hiền khẳng định.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đồng tình với việc cần minh oan cho người bị chết trong quá trình TGTG: “Tôi đồng tình việc những người TGTG, bị chết. Luật pháp quy định chỉ những người bị tuyên án mới là có tội. Nếu họ chết khi chưa có bản án, họ không tự minh oan được. Nếu họ là những người oan, giải quyết câu chuyện này như thế nào?. Cần phải tiếp tục điều tra để biết họ có bị oan hay không.”
Cũng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) đề nghị trong trường hợp người bị TGTG chết, cần phải mời thân nhân của họ chứng kiến việc giám định hiện trường, giám định tử thi.