Mặt trái của việc tự ý chăm sóc loài chim “hòa bình”
Cấm cho chim bồ câu thức ăn, nghe có vẻ vô lý nhưng thực sự đằng đó lệnh cấm này là cả hàng loạt lý do rất hợp lý. Giống nhiều thành phố lớn có nhiều chim bồ câu khác như New York và London, chính quyền thành phố Venice của Italy từ lâu đã lưu tâm đến những mối nguy mà chim bồ câu có thể gây ra cho sức khoẻ con người.
Ông Sergio Lafisca, chuyên gia y của thành phố cho biết, ước tính có khoảng 130.000 con chim bồ câu đang cư trú tại khu vực Quảng trường St.Mark, gấp khoảng 40 lần con số mà các nghiên cứu quốc tế đã đưa ra về mật độ lý tưởng cho mỗi kilomet vuông. “Bản thân những con chim rất dễ thương, nhưng chúng cũng ẩn chứa mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người”, ông Lafisca nói. Theo kết quả kiểm tra trên các con chim cho thấy, mỗi con mang ít nhất là một mầm bệnh, nên các chuyên gia y tế có cơ sở để lo ngại.
Chưa kể những thiệt hại mà phân chim gây ra, bởi khi ăn quá nhiều lượng thức ăn cho phép, chim bồ câu sẽ tiêu hóa nhanh hơn. Phân của loài chim này có tính axit, chúng có thể phá hủy các tác phẩm nghệ thuật trên những tòa nhà lịch sử quanh quảng trường.
Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng, chính là số lượng khách du lịch tăng lên, ước tính khoảng 20 triệu lượt/năm, khiến lượng tiêu thụ thức ăn nuôi chim và lượng phân thải cũng tăng theo, số chim bồ câu ở đây tăng lên và gây thiệt hại đáng kể.
Tại Việt Nam và một số nơi, cho chim bồ câu ăn là một trong những thú vui của du khách |
Cụ thể, các đài kỷ niệm trên quảng trường là nơi phải “gánh” hậu quả từ lũ chim, với số lượng ngày một tăng. Chim bồ câu thường không ngủ ở nơi chúng ăn, nhưng việc chúng được cho ăn 24/7 khiến Quảng trường St.Mark nghiễm nhiên bị biến thành nơi trú ngụ quanh năm cho chúng, kết quả là bề mặt của những bức tượng đầy các vết xước do móng chim cào vào khi đi tìm chỗ bám để ngủ. Không chỉ thế, chim bồ câu tìm thức ăn chứa canxi cácbonat để hình thành vỏ trứng.
Chúng mổ đá cẩm thạch và tường vữa của những bức tượng và tường nhà, để lại lỗ chỗ nhiều vết mổ của chim. Việc này tiêu tốn 16-23 euro/ năm cho mỗi con chim bồ câu để tân trang lại những chỗ bị chim mổ, và đây là tiền thuế của người dân.
Trước đây, thành phố này đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cắt giảm số lượng chim, như giăng lưới hay dùng thiết bị điện để phát hiện chỗ chim đậu, đều không mấy thành công. Đến năm 2008, chính quyền thành phố Venice chính thức ban hành lệnh cấm cho chim bồ câu ăn để giảm số lượng chim.
Cụ thể, việc ném những mẩu bánh mỳ cho chim bồ câu ở quảng trường này được coi là bất hợp pháp. Luật cấm cho chim ăn cũng được áp dụng với tất cả các khu vực công cộng của thành phố Venice, bao gồm những quảng trường và những con kênh.
Nếu người dân hay du khách du lịch tại đây bị bắt gặp đang cho chim bồ câu hay hải âu ăn, sẽ bị phạt lên đến 700 USD. Việc bán và phân phát thức ăn cho chim cũng bị cấm. Giới chức thành phố đang thuyết phục những người bán hàng rong chuyển sang nghề khác, với sự giới thiệu và giúp đỡ của chính quyền, hoặc đồng ý nhận tiền bồi thường.
Dĩ nhiên, những người đầu tiên phản đối sắc lệnh này những người bán hàng rong đã được cấp phép bán thức ăn cho chim trên quảng trường. Họ cho rằng sắc lệnh mới của thành phố sẽ đặt dấu chấm hết cho một truyền thống đã có từ cả thế kỷ nay. Họ nói rằng, lũ trẻ con sẽ quấy khóc nếu không được phép cho chim ăn.
Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy có vẻ như trẻ nhỏ cũng không mấy quan tâm đến việc có được cho chim ăn hay không. Trong khi đó, lũ chim bồ câu cũng chẳng bận tâm lắm đến sự thay đổi. Thậm chí, họ còn tiến hành vận động khách du lịch ký vào đơn đề nghị hủy bỏ lệnh cấm. Tuy nhiên, đáng chú ý là ít người dân Venice ký vào bản kiến nghị, hầu như chỉ có khách thập phương.
Mặc dù các quan chức chính quyền thành phố Venice thông qua quy định cấm cho chim bồ câu ăn, nhưng riêng khu vực Quảng trường St.Mark thời gian đầu đã được miễn trừ, vì hình ảnh khách du lịch cho chim bồ câu ăn đã trở thành một biểu tượng của nơi này.
Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, cuối cùng lệnh cấm cũng áp dụng cho cả quảng trường này, vì đây là cách hiệu quả nhất để giảm số lượng chim. Và kể từ khi sắc lệnh của thành phố chính thức có hiệu lực, cảnh sát địa phương chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở những khách du lịch vẫn cho chim bồ câu ăn và chưa phải áp dụng biện pháp cứng rắn nào đối với người dân và khách du lịch.
“Những con chuột có cánh”
Không chỉ Italy, chính quyền Bangkok (Thái Lan) vào năm 2018 cũng bắt đầu xem xét biện pháp phạt tù đối với những người cho chim bồ câu tại nơi công cộng ăn. Đây được xem là một trong những biện pháp nhằm giảm nguy cơ cúm gia cầm và các căn bệnh lây nhiễm khác. Chim bồ câu là một loài vật bị cấm nuôi tại Thái Lan vì chúng bị phát hiện mang lại nhiều loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe của con người.
Tại thủ đô Bangkok, chim bồ câu thường được gọi là “những con chuột có cánh”, chúng thường tụ tập ở những khu vực đông đúc như đền chùa, chợ và công viên công cộng. Do vậy, nguy cơ đe dọa đến sức khỏe con người từ chim bồ câu bao gồm bệnh hô hấp, viêm màng não và cúm gia cầm...
Cụ thể, hồi tháng 9/2018, chính quyền thành phố Bangkok đã phát động chiến dịch bắt và thả chim bồ câu về trời do lo ngại về sức khỏe cộng đồng từ việc nuôi chim nơi công cộng. Theo Phó thị trưởng thành phố Bangkok Taweesak Lertparpan, những nơi xuất hiện nhiều chim bồ câu có nguy cơ xuất hiện mầm bệnh lây cho người.
Trong đó có các bệnh liên quan đến đường hô hấp như nhiễm khuẩn, viêm màng não, đặc biệt là cúm gia cầm. “Những nơi tập trung nhiều chim bồ câu có nguy cơ gây nguy hiểm với con người. Nguy cơ (bị cúm gia cầm) ở những nơi có mật độ tập trung chim bồ câu cao. Do vậy giải pháp hiệu quả nhất là ngừng cho chúng ăn”, ông Taweesak nói.
Trong tháng 9/2018, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã phát động một chiến dịch trên toàn quốc nhằm giảm thiểu số lượng chim bồ câu ở các khu vực đông dân. Bên cạnh đó, chính quyền Bangkok tuyên bố sẽ ra lệnh cấm đối với hành vi cho chim bồ câu ở nơi công cộng ăn; đồng thời xem xét xử phạt những người vi phạm lệnh này ở mức 3 tháng tù giam hoặc bị xử phạt hành chính 25.000 Baht (770USD), hoặc áp dụng cả hai biện pháp.