Một trong những nội dung được quan tâm sửa đổi lần này có liên quan đến các hình thức thu, nộp tiền phạt VPHC theo Điều 78 Luật Xử lý VPHC năm 2012 và khoản 1 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP. Cụ thể, ngoài Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt, người có thẩm quyền xử phạt và một số chức danh trong một số trường hợp đặc biệt thì không có cá nhân, tổ chức nào khác được thực hiện việc thu, nộp tiền phạt VPHC.
Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 4/2/2016 của Chính phủ, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đang thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và chuyển giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm bảo đảm thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt.
Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP, Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến vấn đề này tại Nghị định số 81 để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai áp dụng trên thực tiễn. Vì vậy, dự kiến Nghị định sửa đổi sẽ quy định việc thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt VPHC cho người bị xử phạt VPHC qua hệ thống bưu điện bằng hình thức bảo đảm…
Đa số thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đồng tình với những dự kiến sửa đổi mà Thường trực Tổ biên tập đưa ra và đóng góp thêm nhiều ý kiến xác đáng như vấn đề ủy quyền cho cấp phó; trích lại một phần tiền xử phạt VPHC; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81 trong bối cảnh đã ban hành Hiến pháp năm 2013; mức xử phạt VPHC ở các lĩnh vực khác nhau; hoãn, miễn, giảm mức phạt VPHC... Có đại biểu kiến nghị đẩy nhanh tiến độ sơ kết 3 năm thi hành Nghị định 81 nhằm làm rõ những nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng điểm lại một số công việc cần quyết liệt triển khai, đảm bảo xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9 tới. Ghi nhận các góp ý, Thứ trưởng chỉ đạo thường trực Tổ biên tập rà soát, làm rõ lý do sửa đổi, bổ sung các quy định trong Nghị định 81. Riêng những vấn đề mới chưa được điều chỉnh trong Nghị định 81 mà có đề xuất sửa đổi, theo Thứ trưởng, phải phân loại phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ mới sửa đổi, bổ sung, còn lại tổng hợp kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật.