Một trong những hạn chế của việc đặt tên theo Thông tư 15 nói trên, theo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực là về tên gọi, Bộ luật Dân sự chỉ quy định nguyên tắc đặt tên của công dân Việt Nam nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, nhất là trong trường hợp con có cha hoặc mẹ là người nước ngoài nhưng cha mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con, nên khi đăng ký hộ tịch, nhiều trường hợp cha, mẹ đặt tên cho con phản cảm, thậm chí không thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em sau này (Nhiều trường hợp đặt tên quá dài (Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân), tên không có ý nghĩa tốt hoặc gây kích động bạo lực, phản cảm (Phan Hết Ga Hết Số hoặc đặt tên cho trẻ hoàn toàn là tiếng nước ngoài)
Liên quan đến vấn đề đặt tên cho trẻ em là con của công dân Việt Nam và người nước ngoài, được cha, mẹ thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con, có ý kiến cho rằng: “về nguyên tắc họ, tên (bao gồm cả chữ đệm) phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam”, do đó, khi đăng ký khai sinh mà trẻ mang quốc tịch Việt Nam thì tên của trẻ (bao gồm cả chữ đệm) phải bằng tiếng Việt, không được đặt chữ đệm và tên ghép có âm tiết/từ nước ngoài (như Nguyễn John Hải, Kennedy Jimmy Thanh...).
Tuy nhiên, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết nhiều ý kiến của địa phương, bộ, ngành lại cho rằng không nên hiểu và quy định cứng nhắc về việc đặt tên, nhất là đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là người nước ngoài thì tên của trẻ em mang quốc tịch Việt Nam phải bằng tiếng Việt, nhưng chữ đệm, là thành phần không bắt buộc có thể tùy nghi bằng tiếng nước ngoài.
Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị dự thảo Thông tư quy định theo hướng: Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là người nước ngoài mà cha, mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho trẻ em thì tên của trẻ em có thể là tên ghép giữa tên tiếng Việt và chữ đệm tiếng nước ngoài (Ví dụ: Robert Randy Thành, Vladimir Ilich Khánh)…
Đồng thời, để bảo đảm thực hiện thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, trường hợp trẻ em có quốc tịch Việt Nam, sinh ra tại nước ngoài, đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nhưng có tên gọi bằng tiếng nước ngoài thì khi ghi chú khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ kết hợp ghi chú khai sinh và thay đổi tên của trẻ em.
Đối với trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là người nước ngoài, chưa được ĐKKS, nay về Việt Nam cư trú, không xuất trình được các giấy tờ chứng minh sự kiện sinh, mối quan hệ cha, mẹ, con, dự thảo Thông tư quy định cho phép người dân lập văn bản cam đoan về việc trẻ sinh ra ở nước ngoài; nội dung khai sinh được xác định theo văn bản cam đoan của người mẹ, phần khai về người cha, quốc tịch tạm thời để trống. Quy định này kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng nhiều trường hợp trẻ em sinh ra tại nước ngoài, được cha, mẹ đưa về Việt Nam cư trú và có yêu cầu đăng ký khai sinh cho con nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh việc trẻ được sinh ra ở nước ngoài, giấy tờ xác định mối quan hệ cha, mẹ,con.
Trường hợp trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thỏa thuận lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn người dân liên hệ với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để đăng ký khai sinh, nếu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài từ chối đăng ký khai sinh thì cơ quan đăng ký hộ tịch mới thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ.