Thích thể hiện hơn sống thực
Đáng ra cô gái này sẽ không bị “ném đá” đến thế nếu trước kia cô không có một "bề dày" những câu chuyện sống ảo như trước đó thừa nhận có phẫu thuật thẩm mỹ nhưng sau đó chối phắt để quảng cáo cho thuốc tăng kích cỡ vòng một; hay chuyện “hot girl” này kêu gọi ủng hộ phong trào không dùng sản phẩm nhựa không tái chế để bảo vệ môi trường, nhưng rồi sau đó lại đăng ảnh dùng ly nhựa uống trà sữa.
Vào dịp lễ Vu lan vừa qua, không ít bạn trẻ hướng tâm về gia đình, làm những điều tốt đẹp để báo hiếu cha mẹ. Nhưng cũng có không ít bạn trẻ chỉ báo hiếu... trên facebook. Họ đăng những bài nhớ, thương, yêu mến cha mẹ trên mạng xã hội và nhận nhiều lượt like, nhưng thực tế không hề có một cuộc gọi, một lời hỏi han dành cho cha mẹ.
Một chàng trai trẻ đăng ảnh cha mẹ, nói lời yêu thương đã bị chính em trai của mình vào trách rằng cha mẹ mong mỏi mắt mà bao lâu đi chơi khắp nơi không về thăm, cứ mải miết… báo hiếu trên mạng.
Không chỉ lễ Vu lan, cứ đến Ngày của mẹ, của cha, người ta lại thấy cái sự ảo chen hàng loạt giữa tình thương thật như thế. Nhiều bạn trẻ khác, bị lối sống ảo "ám" vào người đến mức nhầm lẫn giữa đời thực và thế giới ảo do mình tạo ra.
Thế nên mới có chuyện, một chàng trai lấy ảnh một cô gái xa lạ ghép với ảnh mình và đăng lên trang cá nhân, giới thiệu là người yêu để lừa bạn bè, gia đình suốt nhiều năm. Một cô gái khác chưa lập gia đình nhưng lấy ảnh chồng, con người khác, tạo ra một gia đình ảo của chính mình trên mạng xã hội. Có người còn... giả danh chính mình khi lấy hình một hot girl tận Trung Quốc để mạo danh.
Cổ súy sống ảo để trục lợi
Sống ảo là điều chẳng hay ho, thế nhưng đáng tiếc là không chỉ giới trẻ, mà một số người cũng đã tận dụng tâm lý này để kinh doanh, trục lợi. Giờ đây, những người kinh doanh dùng "sống ảo" như một cụm từ để thu hút khách. Nào là homestay sống ảo, nhà hàng, quán cafe sống ảo, khu du lịch sống ảo...
Cùng với những từ quảng cáo theo phong trào ấy, đích thực không ít trong số đó được thực hiện dựa trên nguyên tắc "ảo". Những khách sạn, nhà nghỉ đẹp lung linh trên hình thu hút khách, nhưng thực chất chỉ có vài góc nhỏ được trang trí đẹp để chụp ảnh, còn lại chất lượng kém, dịch vụ kém.
Nhiều nhà hàng cũng thế, đầu tư cho góc "check in" đầu tư cho những bức ảnh đẹp, món ăn cầu kì nhìn bắt mắt, nhưng không ngon, không sáng tạo, chẳng đảm bảo vệ sinh. Rồi các khu du lịch, với sẵn thiên nhiên tươi đẹp nhưng lại bê vào những cảnh quan giả tạo, lố lăng, lòe loẹt chỉ để giới trẻ có những bức ảnh "check in" tuyệt đẹp.
Cũng vì lối sống ảo ấy, mà nhiều nhà đầu tư xây cầu xuyên Tràng An, xây cầu thang “lên thiên đường” ở Đà Lạt… nhằm để giới trẻ có những bộ ảnh sống ảo, bất chấp làm trái pháp luật, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.
Tư duy kinh doanh như thế, cộng với lối sống ảo đã khiến cho một bộ phận giới trẻ đánh mất giá trị sống đích thực của mình. Họ ăn một món ăn, đến một nơi chốn… cũng đều tìm góc, tìm cảnh để chụp đẹp, tung lên mạng, quên đi việc thưởng thức những điều thú vị đang có trước mặt. Phải chăng, đó là căn bệng lây lan đáng buồn, chưa có thuốc chữa của một bộ phận người Việt trong thời đại ngày nay?