Theo Cục Cảnh sát giao thông, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông tăng cao gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Nhiều khi họ tham gia giao thông mang tính tự phát theo thói quen, phong tục, không hiểu và không chấp hành các quy tắc giao thông. Bên cạnh đó hệ thống cơ sở hạ tầng đường thủy nội địa chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, thiếu hệ thống chiếu sáng và các cảnh báo nguy hiểm trên luồng nên dễ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường thủy khi trời tối.
Trong khi đó, nhận định về tình trạng chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn đường thủy nội địa của người dân cũng như việc quản lý của các cơ quan chức năng, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Faci, Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định: “Qua vụ lật tàu ở Cần Giờ (TP HCM) và mới đây tại Đà Nẵng cho thấy thực trạng hoạt động quản lý giao thông đường thủy còn quá nhiều bất cập. Người dân không thể mãi là những người tiêu dùng thông thái được. Việc kiểm tra an toàn phương tiện là của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Không thể để khi có những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, các cơ quan chức năng mới bắt tay vào cuộc chấn chỉnh”.
Thực tế cho thấy, cứ sau mỗi vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn lại có những chỉ đạo, những đợt kiểm tra rà soát lại các phương tiện giao thông đường thủy nội địa. Thậm chí nhiều địa phương còn cấm các phương tiện thủy hoạt động trong một thời gian nhất định để tổng rà soát lại các chỉ số an toàn. Nhưng sau một thời gian ngắn, tình trạng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy vẫn diễn ra tràn lan, đồng nghĩa với những vụ tai nạn thương tâm ngày càng nhiều thêm.
Vì vậy, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, để giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật, ngoài công tác tuyên truyền thường xuyên, tích cực trên các phương tiện truyền thông; liên tục mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông đường thủy nội địa, cơ quan này sẽ hướng tới mở rộng các mô hình tự quản đã hoạt động có hiệu quả như mô hình “Làng chài bình yên”, “Doanh nhiệp có văn hóa trong hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa”, “Đoạn sông văn hóa an toàn” , “Doanh nghiệp văn hóa – lái tàu an toàn” …
Và còn nhiều biện pháp khác nữa cũng đã và đang được các cơ quan chức năng đề ra, cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, chừng nào các cơ quan chức năng vẫn còn thói quen làm việc theo kiểu đối phó, theo phong trào; chừng nào các chủ phương tiện thủy nội địa vẫn coi trọng lợi nhuận hơn tính mạng con người thì chừng ấy vẫn còn những vụ tai nạn thương tâm sẽ vẫn xảy ra.