“Khi đọc những thông tin đó, tôi và bất cứ giáo viên mầm non nào cũng cảm thấy buồn, vì đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Những sự việc như vậy, vô tình gây cho phụ huynh cái nhìn không thiện cảm với giáo viên. Tuy nhiên, đây cũng là bài học để các cô giáo tự hoàn thiện bản thân, một cô giáo trẻ bày tỏ…
Đi làm rồi… hoang mang
Cô Nguyễn Thị Uyên, 27 tuổi, là giáo viên Trường Mầm non thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lớn lên trong gia đình có truyền thống làm giáo viên, tốt nghiệp ngành sư phạm, Uyên vào Trường Mầm thị trấn Sóc Sơn làm việc như một lẽ tất yếu. Cô giáo trẻ là một trong 4 giáo viên của lớp mầm non với 60 trẻ. Ba năm đầu, cô Uyên nhận mức lương hợp đồng ít ỏi, đến năm 2014 mới được vào biên chế. Mức lương đến thời điểm tháng 8 vừa qua của cô là 4 triệu đồng/tháng.
Khi hỏi mức lương mầm non có đủ trang trải cuộc sống, cô Uyên trả lời do chưa lập gia đình, mức chi tiêu không nhiều nên không gặp khó khăn về tài chính. Nhưng nhìn chung, mức lương này so với các ngành nghề khác là thấp, không đáp ứng được cuộc sống của giáo viên khi họ phải làm việc từ 6h30 đến 17 - 18h mỗi ngày.
Còn nhớ suốt hai năm đầu mới đi làm, Uyên luôn ngủ mê mỗi khi về nhà, khiến bố mẹ lo lắng. Cô bị ám ảnh tiếng khóc của trẻ em và gặp áp lực khi giao tiếp với phụ huynh, những khó xử trong các tình huống với con trẻ. Cô bị phụ huynh chê không niềm nở, khó gần bởi… không biết cười. Thế nên nhiều lúc, Uyên sợ chính nghề nghiệp của mình, vì quá đỗi vất vả, cô muốn bỏ nghề. Bởi giữa khát vọng của tuổi trẻ về hình ảnh một cô giáo hiền hòa giữa lũ trẻ thơ ngây là một thực tế hoàn toàn khác nhau. Khi mà một lớp học có tới 60 cháu bé lít nhít, khóc lóc, ăn uống khó khăn…
Thế rồi, những tháng ngày “chập chững” ấy cũng qua đi, nhiều khi tình yêu với con trẻ quá lớn lao khiến cô giáo 9x ấy không để ý những vất vả xung quanh, chỉ dồn hết tâm huyết của mình với nghề. Vì vậy, dù tiền lương không cao, Uyên vẫn luôn cố gắng hết sức. Cô luôn tin rằng, một giáo viên tốt sẽ tạo ra nhiều thế hệ học trò tốt. Ở bậc mầm non, người lớn góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của các em.
Là duyên may của cuộc đời
Còn cô Nguyễn Thị Phượng, sau 10 năm trong nghề, hiện cô mới được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Mầm non Thọ Lộc, Phúc Thọ (Hà Nội). Cô tâm sự, sau khi tốt nghiệp CĐ Sư phạm Hà Nội, cô về trường nhận mức lương hợp đồng khởi điểm chỉ là 250 ngàn/ tháng. Sau đó một năm, sau nhiều cố gắng, nỗ lực, cô được hợp đồng chính thức, lương của cô lên 450 ngàn/tháng. Từ năm 2009 là 950 ngàn/tháng. Và mới đây, khi cô được nhận trách nhiệm Hiệu phó, lương của cô là 4.500 ngàn/tháng. Với đồng lương eo hẹp, nuôi hai con nhỏ, việc làm thêm thường xuyên của cô là gia sư cho học sinh Tiểu học…
Cũng như cô Uyên, chỉ sau một thời gian ngắn gắn bó và say mê với công việc của mình, cô đã lấy những ánh mắt trẻ thơ yêu quý để quên đi những vất vả đời thường của mình. Thời gian đầu, vì là nhà trẻ nông thôn, trẻ cứ 10h là về nhà ăn trưa nên không có sự gắn kết. Sau đó, cô đề nghị cho trẻ bán trú cả ngày, trẻ từ sợ đi học đã yêu trường, yêu lớp hơn. Không còn đi học với tâm thế chỉ là gửi trẻ như trước đó. Và theo cô, chỉ cần yêu nghề, yêu trẻ, tận tụy vói công việc, bạn sẽ được đền đáp. Cô đã có nhiều sáng kiến để trẻ nói tiếng phổ thông, không nói giọng địa phương, cũng như dạy kĩ năng tự tin cho trẻ từ giai đoạn 3-4 tuổi… Dù nhận nhiều giải thưởng sáng tạo của thành phố nhưng điều cô nhận được lớn lao hơn cả là lũ trẻ luôn giành nhau và nói “yêu cô Phượng nhất”…
Có thể nói, khi bạn có tình yêu với công việc của mình, dù khó tới đâu bạn cũng tìm ra lối đi. Cô giáo Uyên bật mí, trẻ mầm non được rèn luyện nền nếp và có tinh thần thi đua nhau. Ví dụ, khi cô giáo nói: “Nếu bạn nào ngoan, cô sẽ yêu bạn đó nhất, các con sẽ cùng nhau chăm ngoan”. Trong cách giáo dục con, phụ huynh cần có hành động, câu nói thể hiện rõ quan điểm: “Bố mẹ thích hay không thích những điều con đang làm?”; hoặc: “Nếu con lựa chọn hoặc không lựa chọn làm những điều này, bố mẹ sẽ như thế nào?”… Bởi những đứa trẻ non nớt, chúng luôn cần được cảm giác an toàn, yêu thương! Và nhất định đến lớp, bao giờ bé cũng “chọn” một cô giáo để yêu nhất, như “của riêng”, như mẹ ở nhà… Đó là những yêu thương trong trẻo mà các cô giáo luôn nhận được ở những học trò nhí của mình.
Vượt qua những khó khăn ban đầu khi mới vào nghề, cùng lòng yêu trẻ, sự thôi thúc tìm ra những đổi mới trong cách giáo dục, năm 2016-2017, cô Uyên thiết kế sản phẩm công nghệ thông tin Thiết lập một số trò chơi khám phá khoa học dành trên máy tính cho trẻ mẫu giáo. Sản phẩm được ghi ra đĩa tạo thành chương trình vừa chơi vừa học với tên gọi Chương trình khoa học nhí, phổ biến đến giáo viên, cũng như phụ huynh của trường, được sử dụng trong lớp và ở nhà.
Chương trình là cả một thế giới trẻ thơ với nhiều màu sắc, thú vị, đòi hỏi sự tư duy, tính kiên trì cao, tổng hợp 500 hình ảnh ngộ nghĩnh, 1.000 file âm thanh sống động, từ tiếng âm nhạc, tiếng cô giáo, tiếng nói bạn thơ.
Cô Uyên cho biết niềm say mê công nghệ thông tin đến khi bản thân nhận được sự dìu dắt từ Tổ trưởng Tổ chuyên môn của trường. Cô giáo 9X mong muốn các chương trình ứng dụng từ công nghệ phần nào giúp giáo viên mầm non giảm tải việc làm dùng đồ chơi quá nhiều mà không đạt hiệu quả cao. Đồng thời, nó tạo tài nguyên cho giáo viên, phụ huynh thỏa sức sáng tạo trong học tập, vui chơi trong lớp cũng như ngoài trời.
Năm học 2013-2014, khi thiết lập trò chơi Hải đảo trên máy tính, cô Uyên bảo mỗi ngày chỉ ngủ một đến 2 tiếng, kéo dài khoảng một tháng. Thấy con tâm huyết, bố mẹ Uyên rất xót xa nhưng vẫn động viên cố gắng để vượt qua giai đoạn khó khăn. Cô giáo 9x tâm sự, ngoài làm việc trong ngành giáo dục, ước mơ của cô là mở cửa hàng thiết kế đồ điện tử hoặc chuyên sản xuất đồ chơi hiện đại cho trẻ mầm non.
Giáo dục mầm non không chỉ có ứng dụng về công nghệ thông tin mà còn nhiều sáng tạo khác ở những đồ dùng vừa thực tế, vừa đơn giản, dễ làm, lại giúp trẻ phát triển tích cực. Do đó, trong trái tim cô Uyên, nghề giáo là duyên may của cuộc đời.
Và thầm lặng…
Với hệ số 1,86, nhiều giáo viên trẻ mới ra trường chỉ có mức lương hơn 3,2 triệu đồng, còn giáo viên sắp nghỉ hưu cũng chỉ nhận được hơn 5 triệu đồng/tháng. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước thiếu hơn 30.000 giáo viên công lập mầm non. Như vậy, ngành sư phạm mầm non đang rất “khát” nhân lực. Đã có nhiều trường hợp lớp học mầm non xây xong phải bỏ không, học sinh không được xếp lớp, vì không có cô giáo. Nhiều trẻ không có cơ hội được sinh hoạt trong điều kiện môi trường tốt, cha mẹ đành gửi con đến nhà trẻ tự phát. Nhà giữ trẻ, trường mẫu giáo tư thục mọc lên như nấm, song thực tế ít giáo viên được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn qua trường lớp.
Ngày nay, một giáo viên mầm non phải đa kỹ năng khi vừa là người đầu tiên dạy trẻ các kỹ năng sống, năng khiếu về hội họa, thẩm mỹ, thể dục thể chất… Bên cạnh đó, giáo viên mầm non còn là một chuyên gia tâm lý, là người nghiên cứu hành vi hàng ngày của trẻ để mỗi trẻ có hướng chăm sóc, giáo dục tốt nhất. Công việc của giáo viên mầm non không chỉ dạy, mà còn phải dỗ trẻ, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc trẻ bằng tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con của mình. Thế nhưng, giáo viên lại còn đối mặt với rất nhiều áp lực, ví như chỉ một xây xước nhỏ của con, có thể sẽ bị phụ huynh phản ứng…
Đơn cử, với nhiều cô giáo trẻ mới vào nghề đã ngỡ ngàng khi gặp phải những áp lực đầu tiên khi thực tế có nhiều “con sâu làm rầu nồi canh”, nhiều cô giáo đánh đập hành hạ và “ăn bớt” đồ ăn của các cháu đến nỗi phụ huynh mất lòng tin, chỉ nghe những lời vu vơ của con mình mà kết tội cho cô giáo. Ở Trà Vinh, đã từng có một cô giáo mầm non vì bị phụ huynh “vu khống” là đốt tay con mình mà uống thuốc sâu tự tử vì không chịu được những lời mắng chửi, vì những cuộc họp khiển trách của nhà trường, của ngành giáo dục…
Quay trở lại những vất vả và áp lực, cô Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, một cô giáo Hiệu phó ở trường cô mới về hưu sau 34 năm gắn bó với trẻ, mức lương hưu hơn 2 triệu cũng khiến cô khá chạnh lòng. Bởi trước đó, lương của cô là hơn 7 triệu. Thế nhưng, những giáo sinh trẻ không vì thế mà “nao núng” với con đường mà mình đã lựa chọn với vai trò là người thầy đầu tiên của trẻ. Trước đây, các cô giáo còn phải đến từng nhà phụ huynh nhận thóc gạo thay cho chế độ chi trả.
Ngày 20/11 đang cận kề, cô Phượng cũng mong muốn rằng, nhà nước quan tâm hơn tới giáo dục mầm non để các cô giáo có thể sống được bằng nghề “nguy hiểm”, khi mà ngày nay, mỗi đứa trẻ đều là “con vàng, con bạc”, phụ huynh có thể kiện, xúc phạm các cô khi không hài lòng. Và đặc biệt là quan tâm hơn tới lương hưu, bởi cả đời cống hiến, họ trở về gần như với mức lương quá bé nhỏ, có chắt chiu cũng không đủ sống…
GS.VS Đào Trọng Thi cho rằng lương giáo viên mầm non lâu nay thấp bởi có yếu tố lịch sử. Trước đây, các cô mầm non ở các làng, xã không thuộc diện Nhà nước trả lương mà thuộc hợp tác xã. Sau này, khi được tính lại tương ứng với bậc đào tạo nên hệ số 1,86 là rất thấp.Vì vậy, trước mắt, Nhà nước nên có trợ cấp bổ sung từ nguồn ngân sách để hỗ trợ đời sống giáo viên. Về lâu dài cần phải cải cách hệ thống bậc lương, trong đó cần tính toán lại hệ thống lương giáo viên mầm non.
Mới đây, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi Bộ Nội Vụ và Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội về tổng hợp quỹ tiền lương của ngành tính đến ngày 31/12/2016. Trong đó, mức lương của giáo viên thấp nhất hiện nay là 3,2 triệu đồng, tập trung nhiều vào số giáo viên trẻ mới ra trường.
Giáo viên mầm non, tiểu học có hệ số lương khởi điểm thấp nhất là 1,86%, phụ cấp đứng lớp 35%. Giáo viên có thâm niên 15-25 năm cũng chỉ nhận mức lương từ 7-8 triệu đồng, không có trợ cấp gì thêm. Theo Bộ GD&ĐT, mức lương của giáo viên mầm non, tiểu học hiện đang thấp hơn mức lương tối thiểu vùng I (3.750.000 đồng), tương đương mức lương tối thiếu vùng II (3.320.000 đồng).
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu