Kề dao vào cổ người tình phản bội
Mai sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em ở vùng cát trắng tỉnh Quảng Nam. Năm 2004, cầm mảnh bằng cử nhân sư phạm, Mai rời quê ra tạm trú tại phường Xuân Hà (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) để tìm việc làm và mong lấy được tấm chồng tử tế. Tuy nhiên, nơi đất khách quê người, Mai bị những lời đường mật của 1 người đàn ông họ “Sở” trú gần chỗ trọ, khiến phải làm mẹ đơn thân khi chỉ mới 24 tuổi.
Ê chề không dám về quê, Mai tiếp tục bám lại Đà Nẵng sinh con, rồi xin đi dạy hợp đồng kiếm sống. Kiên trì, chăm chỉ, vào năm 2011, Mai cũng được một trường tiểu học trên địa bàn phường Xuân Hà tuyển dụng. Cuộc sống bình lặng trôi qua được 2 năm, Mai một lần nữa vướng vào trò đùa tình ái.
Theo lời Mai trình bày, anh Trần Ngọc Ngữ (SN 1961, ngụ phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) khi đó đang làm cán bộ cho một công ty khai thác than đóng tại phường Thanh Khê Tây gần nơi Mai thuê trọ. Cả hai tình cờ chạm mặt, quen biết. Về sau, anh Ngữ tâm sự với Mai, rằng mình góa vợ, Mai tin tưởng trao thân gửi phận, nhiều lần đưa Ngữ về nhà trọ ở như vợ chồng.
Được một thời gian sống kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng”, Mai đau đớn phát hiện người tình có vợ con đề huề ở phường Hòa Cường Bắc. Mai hỏi, ai ngờ nghe chính miệng Ngữ thú nhận, chỉ xem Mai như “chỗ qua đường”. Cô gái quyết định chia tay. Trước khi đoạn tuyệt, Mai đã có hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ và tự đẩy mình vào vòng lao lý.
Vụ việc xảy ra vào tối ngày 8/10/2013, Mai đến tận nơi làm việc của anh Ngữ để “nói chuyện lần cuối”. Trong biên bản làm việc với Cơ quan điều tra cũng như cáo trạng thể hiện, sau khi gặp mặt, giữa hai người xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc tức giận, Mai đánh anh Ngữ. Thấy anh Ngữ đeo 1 dây chuyền vàng trên cổ, Mai giật đứt dây chuyền rồi nhặt lấy bỏ vào túi quần của mình.
Tiếp đó, Mai lấy hai con dao có sẵn tại nơi ở anh Ngữ kề vào cổ, khống chế buộc người tình tháo nhẫn vàng đang đeo trên tay đưa cho mình. Lúc này anh Ngữ không còn khả năng tự vệ nên đã tháo nhẫn vàng đưa cho Mai. Sau sụ việc xảy ra, Mai bỏ về nhà đến sáng ngày hôm sau (9/10), anh Ngữ đến Công an phường Thanh Khê Tây trình báo sự việc.
Mai đã giao nộp 1 sợi dây chuyền và 1 chiếc nhẫn của anh Ngữ, cho rằng mình cầm tài sản này để bù đắp những tổn thương về mặt tình cảm. Với những chứng cứ này, Mai đã bị khởi tố về tội danh “Cướp tài sản”.
Bản án thấu lý chưa đạt tình
Ngày 5/8, TAND quận Thanh Khê đã mở phiên tòa sơ thẩm đưa vụ án hi hữu này ra xét xử. Đứng ở vị trí dành cho bị cáo, Lê Thị Ngọc Mai liên tục kêu khóc cho rằng tất cả đều do yêu thương nông nổi, mù quáng nên mới có ngày hôm nay.
“Bị hại” Trần Ngọc Ngữ trình bày trước tòa |
Trần Ngọc Ngữ cũng khai tại tòa, trong quá trình xảy ra mâu thuẫn, Ngữ bị Mai tát 2 cái vào mặt và làm sợi dây chuyền đứt ra. Lúc này, Mai nhặt dây chuyền bỏ vào túi. Tiếp đó, Mai lấy con dao kề vào cổ Ngữ và yêu cầu tháo nhẫn ra, Ngữ nói Mai cầm đi và về nghỉ, ngày mai nói chuyện.
Phản bác những lời khai của Mai tại tòa, đại diện VKS công bố những lời khai, bút lục đính kèm cho thấy trong các lời khai, Mai đều đã nhận hành vi của mình là “cướp tài sản”. Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản”, tình tiết sử dụng dao để khống chế người khác lấy tài sản thuộc trường hợp “sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”.
Công tố viên nói ngắn gọn: “Điều 133 BLHS đã quy định rõ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì phạm tội”.
Sau khi nghị án, HĐXX TAND quận Thanh Khê cho rằng những lời khai tại tòa của bị cáo không thành khẩn. Căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như nội dung tranh luận tại phiên tòa, HĐXX phạt bị cáo Mai 7 năm tù.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo, nội dung vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thể hiện, trong lúc xích mích, bị cáo Mai đã đánh anh Ngữ, kề sống dao vào cổ anh Ngữ. Sau đó, anh Ngữ có đưa dây chuyền và nhẫn vàng ra kèm lời hẹn: “Về đi, mai nói chuyện”. Đặc biệt, anh Ngữ không hề kêu cứu dù nơi anh Ngữ ở có bảo vệ, đồng nghĩa anh Ngữ không lâm vào tình trạng “không thể chống cự được”.
Khi chị Mai đã vứt dao ra về, anh Ngữ cũng không hề chạy theo quật ngã để lấy lại “tài sản bị cướp”, dù anh Ngữ dư sức làm điều đó với một phụ nữ chân yếu tay mềm. Hơn nữa sự việc trên xảy ra không hề có người làm chứng, chỉ có lời khai của bị cáo và bị hại. Vì vậy việc kết luận chị Mai phạm tội cướp là khiên cưỡng.
Đồng ý kiến, ông Ngô Văn Hai (SN 1955, nguyên luật sư thuộc đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) phân tích: “Nếu chỉ “cắt khúc” hành vi “kề sống dao vào cổ và anh kia đưa vàng cho chị” sẽ rất dễ quy chị Mai tội cướp. Nhưng nếu đặt hành vi ấy trong bối cảnh sự việc, trong chuỗi sự kiện và diễn biến tâm lý của người phụ nữ bị xúc phạm, trong mối quan hệ tình cảm éo le giữa hai người, trong diễn tiến sự việc sau đó (hôm sau chị Mai cầm vàng đi tìm anh Ngữ để nói chuyện)… thì có thể thấy, câu chuyện chỉ là trục trặc trong quan hệ tình cảm giữa hai người. Rõ ràng bản chất của sự việc này không phải tội phạm”./.