“Cô gái lạ” trong làng nhạc Việt

“Cô gái lạ” trong làng nhạc Việt
(PLO) -Gọi “cô gái lạ” trong làng nhạc Việt bởi Lê Cát Trọng Lý như người làm nghề vừa quyết liệt vừa lơ đãng, vừa tự tin vừa như thoáng chút e dè, thận trọng, vừa đứng ở trong vừa như đứng ngoài thị trường giải trí. Cô chẳng màng tới những hào nhoáng hay rối ren showbiz. 
Hồn nhiên hát trên đồng ruộng
Tự đàn, tự hát ca khúc mình sáng tác là sở thích của cô gái có khuôn mặt thánh thiện. Đoạt giải ba cuộc thi “Hát cho niềm đam mê” năm 2007, cái tên Lê Cát Trọng Lý nhanh chóng được truyền thông chú ý vì yếu tố lạ. Một cô gái nhỏ nhắn, một giọng hát trong trẻo, nhẹ như không, phong cách hồn nhiên, tươi mới với cây đàn để hát những sáng tác… “già như bà cụ non” của mình. 
Vừa đi học Trường Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, vừa sáng tác, từng đêm Lý miệt mài đi hát tại các quán cà phê để trang trải cuộc sống. Cần mẫn như chú ong thợ góp nhặt khán giả và kiếm tìm cơ hội vươn lên. Ca khúc “Chênh vênh” giành hàng loạt giải thưởng tại chương trình Bài hát Việt 2008 và tác giả của nó được xướng tên “Nhạc sĩ trẻ triển vọng” là bước đệm lớn để cái tên Lê Cát Trọng Lý lan tỏa tới những người yêu nhạc. 
Lý hát cho bà con nghe.
Lý hát cho bà con nghe. 
Sở dĩ, mọi người gọi Lý (lúc ấy chỉ đôi mươi) là “bà cụ non” bởi người người tìm nghe “Chênh vênh” để chia sẻ cùng cô những xúc cảm rất đàn bà, và ngỡ ngàng, không hiểu vì sao một cô gái còn rất trẻ lại có thể viết ra những ca từ như “Thương anh em lội sông sâu. Trôi hương trôi hoa tan phận ngọc. Còn chần chờ chi hỡi anh. Hôn em, ôm em cho nát chênh vênh”. 
Phần lớn ca khúc của Lý là những câu chuyện kể chậm rãi, nhiều giằng xé, đòi hỏi cả người hát lẫn người nghe phải dành nhiều tâm sức hơn để hát và để cảm. Một chuyên gia âm nhạc nhận định: “Ca từ và giai điệu Trọng Lý viết ra hiền triết trước tuổi, thiền, lạnh, xa, bế tắc, mượt mà, lục cục và êm êm…, như nản, như xoáy, như tiếng tụng kinh, như tiếng than thở, như tiếng kể chuyện cổ tích rù rì thăm thẳm… nhưng lại rất sang trọng, du dương. Đó là những khúc đồng dao bơ vơ, xoáy vào nỗi cô đơn của người nghe”.
Chỉ với cây đàn ghita, Lý xây dựng phong cách riêng cho bản thân -  làm người kể chuyện trên sân khấu. Sân khấu các chương trình của Lê Cát Trọng Lý luôn tối giản, hiếm khi được trang trí đèn chớp, hậu cảnh, đạo cụ, mà vẫn “đốn tim” người thưởng thức. Trước mỗi ca khúc, cô luôn dành thời gian để trò chuyện cùng khán giả, về nền tảng phía sau bài hát, những xúc cảm mình gửi gắm trong đó. Khán giả như “cảm” ca khúc ấy rồi cùng cô rong ruổi mạch nguồn sâu lắng. 
So với các ca sĩ đồng trang lứa, Lý là “món lạ” trên “bàn tiệc” âm nhạc, khó có người thứ hai. Lý luôn giản dị, mộc mạc cả trong âm nhạc, phát ngôn lẫn hình thức bên ngoài. Trong khi các ca sĩ trẻ mặc những trang phục hàng hiệu giá hàng nghìn USD, nhảy múa, uốn éo các bài hát xập xình với những phát ngôn gây sốc thì Lý lại mặc áo sơ mi, quần bò lên sân khấu, lặng lẽ ôm cây đàn hát những bài đầy tự sự.
Lý chọn cho mình lối đi riêng, khác lạ, đầy cá tính. Lý thích những trải nghiệm mới mẻ. Cô gái nhỏ bé ấy vừa thực hiện chuyến “Vui tour” kéo dài vài tháng. Với cây đàn ghita, Lý đã “chu du” khắp chiều dài đất nước để hát miễn phí cho mọi người.
Lý hồn nhiên biểu diễn tặng những người nông dân Ninh Bình trên cánh đồng thơm ngát hương lúa. Các khán giả đặc biệt này ngẩn người nghe. Họ rất ngạc nhiên khi thấy một nghệ sĩ trẻ như Lê Cát Trọng Lý lại chủ động đưa âm nhạc đến với họ. “Cô gái lạ” ấy dường như làm cho tâm hồn của người nông dân thêm niềm vui qua tiếng hát trong trẻo. Các em nhỏ khuyết tật cũng dường như bị cuốn hút vào thế giới âm nhạc mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa của Lê Cát Trọng Lý. 
Dưới ánh đèn điện, cô cầm ghita và tung tẩy hát giữa không gian vắng lặng của ngôi chùa Huế. Khi đặt chân đến Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), dù trời lạnh nhưng cô vẫn ngồi ôm đàn bên bờ suối và hát véo von cho các em nhỏ nơi đây. Ở ngoài phố Hà thành, không ít người còn ngồi bệt trên hè đường và im lặng lắng nghe tiếng hát của nghệ sĩ mà họ yêu mến. Phong cách du ca và mộc mạc ấy đã mang lại cho khán giả một cảm giác gần gũi giản dị nhất. Được hát miễn phí tặng mọi người, với Lý, đó là những khoảnh khắc đẹp trong đời nghệ sĩ. 
Không màng tới những hào nhoáng hay rối ren showbiz
Phong cách giản dị với những ca khúc đầy triết lý, có người lo cho Lý dễ bị “đứng bên lề” các sự kiện âm nhạc, giải trí. Điều này chẳng làm “cô gái lạ” lo ngại: “Lý nghĩ trong một bầu âm nhạc nhiều màu sắc như hiện nay, người ta có nhiều sự lựa chọn ở mỗi thời điểm khác nhau. Nhiệm vụ của nghệ sĩ là làm việc, sáng tạo và biết trân trọng công việc cũng như sự ủng hộ của những người yêu mến mình”.
Cô chẳng màng tới những hào nhoáng hay rối ren showbiz. Lý không bao giờ coi mình là “sao”, càng không bao giờ có thái độ “chảnh” với bất kỳ ai. Cô luôn tự nhủ ca sĩ hay nhạc sĩ cũng chỉ là một nghề như bao nghề khác. “Đó là công việc của Lý. Lý yêu công việc và biết ơn nghề nghiệp của mình. Lý có ý thức về việc làm nhạc đàng hoàng, tử tế” - cô nhỏ nhẹ.
Lê Cát Trọng Lý không cho phép mình đi vào lối mòn. Với dòng chảy sáng tạo, Lý chỉ mất khoảng 1 tháng để viết 6 tác phẩm: “Con rồng cháu tiên”, “Sơn Tinh”, “Phù Đổng Thiên Vương”, “Chử Đồng Tử”, “Bà Chúa Liễu” và “Câu chuyện về Bà Chúa Xứ”. Những tác phẩm này có thể xem là một hướng đi rất khác với “chất” dân gian đương đại quen thuộc với Lý, bởi nó là world music. Khán giả có thể bất ngờ khi thấy Lý “đa sắc màu”.
Lý luôn cẩn trọng với những sản phẩm âm nhạc của mình, thực hiện nó với một trái tim chân thành, sáng tạo và phong cách chuyên nghiệp. Bởi vậy mà, cá tính âm nhạc của “cô gái lạ” luôn nhận được sự trân trọng từ giới chuyên môn và khán giả. Và đó chính là “sức sống” giúp Lê Cát Trọng Lý đứng ngoài mọi thị phi ở showbiz và luôn giữ được chất “lạ” của mình trong làng âm nhạc Việt. 

Tin cùng chuyên mục

Cuộc thi nhảy Dalat Best Dance Crew 2024 hứa hẹn sôi động, hấp dẫn.

'Đại tiệc' âm nhạc xuyên suốt dịp lễ 30/4-1/5 tại Đà Lạt

(PLVN) - Ngoài 2 chương trình lễ hội âm nhạc chính diễn ra từ 27 đến 30/4, tại các khu du lịch, phòng trà ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đều có các chương trình ca hát để phục vụ người dân, du khách trong dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm nay.

Đọc thêm

200 nghìn bông hoa bách hợp khoe sắc tại Khu vườn âm nhạc

Tuần lễ hoa bách hợp gìn giữ và tôn vinh giá trị nghệ thuật về một loài hoa đặc trưng của người Hà Nội (ảnh Duy Tiến)
(PLVN) -  “Tuần lễ hoa bách hợp 2024” với chủ đề “Khu vườn âm nhạc - tinh khôi bách hợp tháng 4” diễn ra từ 19 - 28/4 tại bán đảo Skyline (Hà Nội) mong muốn gìn giữ và tôn vinh giá trị nghệ thuật về một loài hoa đặc trưng của người Hà Nội cùng nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc...

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM
(PLVN) - Sáng 19/4, Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 - năm 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức đã chính thức diễn ra. Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện với vai trò Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM nhiệm kỳ 2024-2025.

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội (ảnh V.H)
(PLVN) -  Từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là học trò của nữ ca sĩ Anh Thơ, Tô Ngọc Hà lại chọn theo dòng nhạc Bolero, trữ tình, lãng mạn…Với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào nữ ca sĩ thể hiện tình yêu Hà Nội qua những sắc màu thời gian.

Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Qua 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm tham gia 02 cuộc thi Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. (Ảnh: Bảo Châu)
(PLVN) - Sáng ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).

Các nghệ sĩ, tiktoker tránh phạm luật khi quảng cáo

Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đã quảng cáo cho FXT Token, một loại tiền hoạt động dưới hình thức đa cấp tại Việt Nam. (Ảnh: Zing.vn).
(PLVN) - Trước thực trạng các nghệ sĩ quảng cáo, người nổi tiếng, tiktoker giới thiệu thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng, các ngành chức năng đã tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ vi phạm.

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.