Nghỉ việc để… chạy việt dã
13 tuổi, Vũ Phương Thanh sang Singapore du học. Lên đại học, Phương Thanh học ngành Quản trị kinh doanh tại Canada và Anh. Trước khi nghỉ việc vào năm 2015, Phương Thanh là chuyên viên phân tích tài chính của Hãng tin Tài chính Bloomberg tại Singapore.
Ở tuổi 27, Vũ Phương Thanh (SN 1990) là phụ nữ đến từ châu Á đầu tiên chinh phục được 4 sa mạc hoang dã và khắc nghiệt bậc nhất thế giới trong 1 năm. Cho tới nay, Vũ Phương Thanh là 1 trong 13 phụ nữ trên thế giới hoàn thành được thử thách này.
Cô nàng 9X sinh ra và lớn lên tại Hà Nội kể rằng cô vốn không đam mê thể thao. Năm lớp 9, khi đang học ở Singapore, cô phải lựa chọn một môn thể thao bắt buộc. Lúc đó, Thanh quyết định chọn môn điền kinh vì nghĩ rằng đó là môn thể thao đơn giản.
Chia sẻ tại buổi truyền cảm hứng tại Hà Nội vừa qua, Phương Thanh cho biết, lúc đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời thì Thanh đang có một cuộc sống và công việc ổn định tại Bloomberg Singapore mà nhiều người mơ ước. Tuy nhiên, Thanh đã quyết định từ bỏ công việc đáng mơ ước ấy để thực hiện những điều mà mình ấp ủ.
“Ở tuổi 20 đến 30, con người ta tràn đầy nhiệt huyết, hứng thú thử thách bản thân. Còn khi đã hơn 30 tuổi, có một sự nghiệp ổn định, thật khó đủ dũng cảm để bứt ra. Có thể tôi đang có một cuộc sống và công việc ổn định, chiều về nhà, tối đi chơi, nhưng cứ lặp đi lặp lại như vậy, cuộc sống sẽ buồn tẻ lắm” - Phương Thanh chia sẻ tại buổi nói chuyện.
Mẹ Thanh cũng hiểu được sự bận rộn và áp lực công việc của con gái nên cũng đồng ý khi cô quyết định nghỉ việc. Nhưng khi biết con nghỉ việc chỉ vì muốn tham gia những giải chạy “như hành xác” thì bà lặng đi, giận đến mức không nói chuyện với con trong suốt 2 tuần. Vậy là sau đó, Thanh bắt đầu với các giải chạy marathon, nhảy dù, dần tiến tới giải siêu marathon 100km và 3 môn phối hợp Ironman 70.3. “Tôi muốn không lùi bước trước những thử thách trong cuộc sống” - Vũ Phương Thanh nói thêm.
Vũ Phương Thanh
* 1 trong 13 người phụ nữ trên thế giới và là người phụ nữ châu Á đầu tiên hoàn thành được thử thách vượt 1.000km đi qua 4 vùng hoang mạc khắc nghiệt nhất thế giới: Sa mạc Sahara - Sa mạc Gobi - Sa mạc Atacama và Nam Cực.
* Xếp hạng Top 10 nữ và Top 50 trong các giải chạy sa mạc, đồng thời cũng xếp đầu nhóm U29 nữ tại giải Gobi và Atacama (năm 2016).
Một trong những lý do khiến Vũ Phương Thanh quyết tâm chinh phục những thử thách là bởi cuốn sách “Runaway Success Learning Practice” (tạm dịch là “Thực hành để thành công trên đường chạy”) của Thaddeus Lawrence - một người Singapore từng chinh phục thành công giải chạy siêu bền đa chặng “4 Deserts Grand Slam” (chinh phục 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới). Thanh chia sẻ rằng, sau khi đọc xong cuốn sách, tự nhiên cô thấy tâm trí mình đã thay đổi, cuốn sách ấy đã giúp cô thoát khỏi suy nghĩ tự hài lòng với những gì mình đã đạt được.
Vượt qua giới hạn
Lần đầu tiên, Vũ Phương Thanh tham dự giải chạy tại Atacama ở Chile và đã vượt qua cửa ải đầu tiên. Cô cho biết ở giải chạy đó, cô ấn tượng mãi với hình ảnh một người đàn ông Hồng Kông (Trung Quốc) hơn 60 tuổi, bị khuyết tật, nhưng vẫn quyết tâm chinh phục từng cây số, chính hình ảnh đó đã truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực cho cô.
Tại những nơi hoang dã và khắc nghiệt nhất lại là nơi tinh thần đồng đội, lòng bao dung, ý chí mãnh liệt của con người và tinh thần không gì là không thể được nhóm lên. Ngoài sa mạc hoang vu, không có chỗ cho sự kỳ thị về ngôn ngữ và văn hóa mà chỉ đủ chỗ cho những bản lĩnh phi thường và sự đồng cảm, hỗ trợ lẫn nhau.
Về điều ấn tượng nhất khi dự giải băng qua sa mạc Sahara (Namibia), Vũ Phương Thanh kể: “Có một đội gồm 14 người từ 3 quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản với 3 người khiếm thị. Các thành viên khiếm thị được các thành viên từ hai quốc gia kia dẫn đường. Để vượt qua rào cản ngôn ngữ, các thành viên khiếm thị đi theo tiếng của những chiếc chuông được buộc vào gậy đi bộ của các thành viên dẫn đường. Từ người đi đầu đến người đi cuối, già đến trẻ, khỏe đến tàn tật, tất cả đều chiến đấu hết mình”.
Gần đây nhất, Vũ Phương Thanh đã chinh phục giải chạy siêu bền đa chặng quốc tế 4 Deserts Grand Slam. Cô gái 9X Việt Nam đã hoàn thành 1.000km đi qua 4 vùng hoang mạc khắc nghiệt nhất thế giới trong một năm gồm: Sa mạc Sahara - Sa mạc Gobi - Sa mạc Atacama và Nam Cực.
Để hoàn thành chặng đường phi thường này, Phương Thanh đã phải xây dựng một chế độ tập luyện cường độ cao vô cùng nghiêm ngặt, mỗi tuần chạy trung bình 100km, học hỏi những kinh nghiệm để có thể sinh tồn trong những điều kiện hiểm nguy nhất.
“Có lúc hôm trước thì chạy trên núi cao, lạnh, ô-xy loãng, hôm sau đã xuống thung lũng với độ nóng kinh khủng, tôi cũng sợ hãi khi nhiều người gục ngã. Nhưng nhớ đến những điều đã thúc đẩy mình, đến mong muốn truyền cảm hứng cho mọi người, tôi đã đứng dậy, bàn chân tiếp tục bước cho đến hết hành trình” - Vũ Phương Thanh tâm sự - “Tôi từng nghĩ rằng việc chinh phục những đường chạy khó khăn nhất thế giới sẽ giúp mình khám phá giới hạn bản thân và trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên làm được những điều tưởng như không thể. Nhưng bây giờ, với tôi, việc tham dự những giải chạy khắc nghiệt nhất thế giới có thể truyền cảm hứng cho những người khác thì đó mới là điều tuyệt vời nhất”.
Vũ Phương Thanh cho biết, cô đã lên kế hoạch trong 3 năm, từ 2016 đến 2018 sẽ chinh phục hầu hết những đường chạy khắc nghiệt nhất ở khắp các châu lục cũng như Bắc Cực. Cụ thể, trong năm 2017, Thanh sẽ tham gia giải The Track dài 522km tại Australia và giải Ultra-Trail du Mont-Blanc dài 170km tại dãy núi Alps ở châu Âu. Năm 2018, Vũ Phương Thanh đặt mục tiêu chinh phục giải Artic Ultra dài 230km tại Bắc Cực và cuộc đua Grand to Grand dài 273km tại Bắc Mỹ.
Thanh vẫn đang nỗ lực tập luyện để chinh phục nốt những đường chạy khắc nghiệt mà cô chưa từng đặt chân đến. Mỗi ngày, Thanh tập 5-6 tiếng bắt đầu từ 6h sáng. Trong khoảng thời gian đó, Thanh sẽ chạy bền hoặc hoạt động thể lực với quãng đường khoảng 100km/tuần.
Vũ Phương Thanh tin rằng, mỗi lần thành công trên những đường chạy sẽ giúp cô truyền cảm hứng tới mọi người để họ có thể tự tin làm được những điều trước đây bị coi là ngoài tầm với. “Nếu câu chuyện của tôi có thể khiến một cô hay cậu bé người dân tộc nào đó ở vùng sâu, vùng xa nuôi giấc mơ học đại học tại các thành phố lớn thì đó cũng đã là thành công”, Vũ Phương Thanh khiêm tốn.