Cơ duyên trời định
Khi ngành công nghiệp máy tính bắt đầu phát triển, các công ty như Apple, Intel và IBM đẩy mạnh việc phát triển phần cứng, các bộ phận máy tính còn Bill Gates vẫn tiếp tục con đường quảng bá những thành công của các ứng dụng phần mềm.
Quá trình này có sự hỗ trợ đáng kể của mẹ Bill Gates – bà Mary, một nhân vật khá được kính trọng và có mối quen biết với ban giám đốc của khá nhiều công ty ở Mỹ, trong đó có IBM. Cũng chính nhờ mối quan hệ của mẹ mà Gates đã có cơ duyên gặp được CEO của IBM.
Cuộc gặp này diễn ra vào tháng 11/1980, khi IBM đang tìm kiếm một phần mềm điều hành cho dòng sản phẩm máy tính cá nhân sắp ra mắt của họ. Thông qua các đầu mối khác nhau, CEO của IBM đã quyết định tìm tới Microsoft để tìm hiểu.
Người ta kể lại rằng, khi gặp cậu thanh niên trẻ măng ở văn phòng của Microsoft, vị CEO nghĩ rằng đó là nhân viên chạy việc vặt nên đã nhờ đi pha café. Sau khi đã được phục vụ café, người thanh niên giới thiệu, vị giám đốc mới biết đó chính là Gates.
Trong cuộc gặp, trái ngược với khuôn mặt non choẹt của mình, Gates đã nhanh chóng gây được ấn tượng tốt với đại diện IBM và thuyết phục được họ tin rằng cậu và công ty của mình sẽ đáp ứng được các yêu cầu được đưa ra. Hai bên đã đạt được thỏa thuận ban đầu.
Tuy nhiên, sau đó Microsoft đã không phát triển hệ điều hành cho các máy tính mới của IBM mà đi mua một phần mềm được phát triển để vận hành các máy tính cá nhân. Gates đã ký kết thỏa thuận với nhà phát triển phần mềm, theo đó Microsoft sẽ là đại lý được cấp phép độc quyền phần mềm và sau đó là chủ sở hữu của phần mềm.
Sau khi phát hiện hợp đồng giữa Microsoft với IBM, công ty trên đã đâm kiện Microsoft và Gates về tội không thông báo những thông tin quan trọng. Vụ kiện sau đó được dàn xếp ngoài tòa án.
Sau vụ lùm xùm, Gates bắt tay vào việc điều chỉnh phần mềm mới mua để nó hoạt động trên máy tính của IBM. Phần mềm sau đó được bán với giá 50.000 USD, bằng đúng số tiền mà ông đã trả cho công ty ban đầu sản xuất ra.
Sau đó, IBM lại muốn mua mã nguồn để có được thông tin của hệ điều hành nhưng bị Gates bác bỏ. Thay vào đó, Gates đề xuất IBM sẽ trả khoản phí bản quyền cho những bản sao phần mềm được bán cùng với máy tính của họ.
Đây là một tính toán vô cùng khôn ngoan của Gates, bởi, với việc yêu cầu như vậy, công ty sẽ có thể cấp phép cho phần mềm được họ đặt tên là MS-DOS cho bất kỳ nhà sản xuất máy tính cá nhân nào khác.
Đến năm 1983, Microsoft đã trở thành một tập đoàn toàn cầu, có văn phòng ở nhiều nơi trên thế giới, với 30% các máy tính trên thế giới chạy bằng phần mềm của họ.
Hợp tác với Apple
Sự cạnh tranh giữa Microsoft và Apple là điều mà cả thế giới hiện nay đều biết nhưng nhiều người không biết rằng 2 công ty này từng chia sẻ với nhau những sáng kiến ban đầu.
Năm 1981, Apple, khi đó đang do Steve Jobs điều hành, đã mời Microsoft giúp phát triển phần mềm cho các máy tính Macintosh của họ. Theo thỏa thuận giữa 2 bên, một số nhân viên của Microsoft đã tham gia phát triển các ứng dụng của Microsoft cho máy tính Macintosh.
Lúc đó, 2 bên bắt tay vào phát triển một hệ điều hành sử dụng chuột để điều khiển giao diện đồ họa, hiển thị văn bản và hình ảnh trên màn hình. Hệ điều hành này hoàn toàn khác biệt so với hệ điều hành MS-DOS vốn có tất cả các định dạng văn bản được thể hiện trên màn hình dưới dạng mật mã chứ không phải như khi được in ra.
Bill Gates nhanh chóng nhận ra được mối đe dọa từ phần mềm này tới MS-DOS và cả Microsoft vì với đa số người sử dụng máy tính khi đó, hình ảnh đồ họa của phần mềm VisiCorp được sử dụng trong hệ điều hành Macintosh sẽ dễ sử dụng hơn nhiều.
Trong bối cảnh như vậy, Gates tuyên bố Microsoft sẽ phát triển một hệ điều hành mới có tên Windows. Hệ điều hành này, theo quảng cáo của Gates, sẽ sử dụng giao diện đồ họa và tương tích với tất cả các sản phẩm phần mềm máy tính được phát triển trên hệ điều hành MS-DOS.
Dù trên thực tế chưa hề bắt tay vào thực hiện công việc này nhưng chiến thuật marketing của Gates đã chứng minh ông thực là một thiên tài kinh doanh.
Tháng 11/1985, tức gần 2 năm sau tuyên bố trên, Bill Gates và Microsoft mới trình làng hệ điều hành Windows. Điều đáng nói ở đây là, về mặt trực quan, hệ điều hành Windows khá giống với hệ điều hành Macintosh mà công ty máy tính Apple đã giới thiệu 2 năm trước.
Khi đó, Gates đã khuyên Apple đăng ký nhãn hiệu đối với phần mềm của họ nhưng Apple đã bỏ qua lời khuyên này và chỉ tập trung vào việc bán máy tính. Nhân cơ hội này, Gates đã “đâm sau lưng” Apple và tạo ra hệ điều hành tương tự Macintosh.
Chính vì thế khi Windows được công bố, Apple đã dọa kiện, dẫn tới việc Microsoft trả đũa bằng cách tuyên bố hoãn chuyển phần mềm của Microsoft cho người sử dụng Macintosh.
Theo một số thông tin, ngoài nguyên nhân quan hệ giữa 2 bên, theo thỏa thuận đầu tư, Apple sẽ phải rút đơn kiện Microsoft về cáo buộc sao chép hệ điều hành do công ty này xây dựng, chấm dứt lùm xùm kiện tụng giữa 2 bên.
Doanh nhân Bill Gates
Sự thông minh của Bill Gates giúp ông có thể nhìn được mọi khía cạnh của ngành công nghiệp phần mềm, bao gồm từ việc phát triển sản phẩm cho tới việc lập chiến lược của công ty.
Khi chuẩn bị cho bất cứ hoạt động nào của công ty, ông đều xác định tất cả các phương án có thể xảy ra cũng như cách thức xử lý, đối phó để luôn giữ được thế chủ động trong mọi tình hống.
Microsoft liên tục có được những thành công đáng kể nhưng Bill Gates không bao giờ tự thỏa mãn. Những nhân viên của ông thường xuyên chứng kiến cảnh ông chủ của mình đêm trước miệt mài làm việc đến tận khuya và sáng hôm sau thì tranh thủ chợp mắt trên ghế.
Phong cách quản lý kiểu đối đầu của ông cũng đã trở thành huyền thoại khi ông luôn thách thức các nhân viên cùng ý tưởng của họ với mục đích thúc đẩy sự sáng tạo. “Đây là điều ngu ngốc nhất mà tôi từng được nghe” là câu nói mà những nhân viên của Gates thường xuyên phải hứng chịu từ ông chủ của mình mỗi khi họ đưa ra ý tưởng tồi hay không chuẩn bị chu đáo để có thể thuyết phục được ông về ý tưởng của mình.
Còn đối với những người bên ngoài công ty, Bill Gates nổi tiếng là đối thủ lạnh lùng, tàn nhẫn. Trong công cuộc cạnh tranh gay gắt trong ngành công nghiệp máy tính, một số công ty công nghệ do IBM dẫn đầu đã phát triển hệ điều hành của riêng họ có tên OS/2 với ý đồ tiếm ngôi MS-DOS.
Đứng trước diễn biến này, Gates chỉ lặng lặng phát triển phần mềm Windows, cải tiến hoạt động và mở rộng việc sử dụng nó. Năm 1989, Microsoft cho ra mắt Microsoft Office, tích hợp các ứng dụng văn phòng như Microsoft Word và Excel trong một hệ thống tương thích với tất cả các sản phẩm Microsoft nhưng lại không thể hoạt động trên hệ điều hành OS/2.
Chỉ trong 2 tuần, phiên bản Windows mới của Microsoft đã bán được 100.000 bản và OS/2 nhanh chóng biến mất. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Microsoft trở thành hệ điều hành gần như độc quyền trên các máy tính cá nhân.
Trong suốt những năm tháng sau đó, Microsoft phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ cũng như gặp khá nhiều rắc rối về mặt pháp lý nhưng dưới sự điều hành tài tình của Bill Gates, họ đều đã vượt qua để giữ vững vị thế như hiện nay.
(Còn nữa)