Để hiện thực hóa và tạo thuận lợi cho người nông dân trở thành chủ của doanh nghiệp, năm 2007 UBND tỉnh Sơn La và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cùng ký Biên bản ghi nhớ thống nhất việc góp giá trị quyền sử dụng đất với giá trị 10.000.000 đồng/ha và việc tuyển dụng công nhân khi thực hiện mô hình cổ đông nông dân.
Hy vọng Ban lãnh đạo những công ty có các cổ đông đặc biệt như thế này luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trước bà con |
Cũng tính đến hết tháng 6/2011, SLR đã trồng được 6.000 ha cao su. Trong số 6.705 hộ góp quyền sử dụng đất, đã có 5.797 hộ hoàn tất công tác đo đạc quy chủ, trong đó đã lập hồ sơ góp vốn vào doanh nghiệp này 2.913 hộ với giá trị 24,17 tỷ đồng, trên diện tích 2.417,5ha. Số đất mà người dân góp vào được SLR quản lý liền vùng, liền khoảnh theo từng đội sản xuất từ 300ha trở lên, không còn manh mún theo từng hộ mà được quản lý tập trung, canh tác đồng bộ theo quy mô đại điền.
Kể từ ngày góp ruộng “hùn vốn” vào doanh nghiệp cao su này, những tín hiệu đáng mừng về kinh tế cũng đã thể hiện rõ rệt. Theo số liệu điều tra sơ bộ tình hình đời sống công nhân của SLR trong năm 2011 ở 15 đội sản xuất trên tổng số 3.610 hộ gia đình, tỉ lệ giảm nghèo ở một số bản tăng, nhà sàn lợp ngói là 2.780 căn (chiếm 77%), nhà sàn lợp tôn là 697 căn (chiếm 19,3%), nhà xây cấp 3 và cấp 4 là 133 căn (chiếm 3,7% )…
Những thay đổi đó thể hiện đời sống công nhân ngày một tăng lên, không còn nhà tranh, nhà tạm như trước đây. “Ngoài ra, hầu hết nhà nào cũng nuôi ít nhất là một con trâu hoặc bò, có ít nhất mỗi hộ một xe máy, ti vi, điện thoại…” - một hộ tham gia giao đất cho doanh nghiệp cho biết.
Cũng giống như các mô hình doanh nghiệp cổ phần, những nông dân góp ruộng lập công ty có thêm nhiều cái “được”. Theo đó, người nông dân sẽ trở thành cổ đông ưu đãi cổ tức hoặc cổ đông ưu đãi khác, được hưởng cổ tức theo tỷ lệ góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, được tổ chức thành nhóm, cử đại diện để tham gia Đại hội cổ đông và các hoạt động khác của công ty.
Không riêng gì phía Bắc mới có cổ đông nông dân, tại miền Nam, 6.000 nông dân cũng chính thức trở thành cổ đông của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) khi họ tham gia chương trình “Cùng nông dân ra đồng”.
Giá mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp bán ra cho người nông dân là 30.000 đồng, tương đương 1/2 giá thị trường, trong khi cổ tức của AGPPS những năm gần đây đều ở mức 30%/năm. Theo đó, khi bỏ tiền mua cổ phiếu, những nông dân sở hữu cổ phiếu ưu đãi của doanh nghiệp sẽ trở thành cổ đông theo quy định, chính thức là những người chủ sở hữu mới của AGPS với nhiều quyền lợi được hưởng từ chuỗi giá trị sản xuất mà công ty đang thực hiện.
AGPPS với vốn điều lệ 621 tỉ đồng và trên 3.000 nhân viên, là doanh nghiệp sản xuất và cung ứng sản phẩm trong lĩnh vực giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất và chế biến gạo xuất khẩu, bao bì giấy, du lịch. Dự kiến đến năm 2018, AGPPS sẽ có vùng nguyên liệu sản xuất lúa 316.000ha và 12 nhà máy chế biến với tổng công suất 2,4 triệu tấn/năm.
Là những cổ đông đặc biệt, nên nhiều doanh nghiệp “làm ăn” chung với người nông dân cũng tiến hành các thủ tục đơn giản cùng sự giải thích rõ ràng nếu có vướng mắc giữa hai bên. Điều còn lại mà không ai mong muốn xảy ra đó là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến cổ đông mất vốn. Hy vọng là Ban lãnh đạo những công ty có các cổ đông đặc biệt như thế này luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trước bà con.