[links()] 'Đây là cơ hội để nâng cao hơn hình ảnh của Sacombank với người dân đặc biệt là với các cổ đông trung thành với STB. Tôi ủng hộ việc chuyển giao quyền lực này'.
Chuyển giao quyền lực là động thái tốt
(Anh K. Long, quận 5, TP.HCM)
Đây là cơ hội để nâng cao hơn hình ảnh của Sacombank với người dân đặc biệt là với các cổ đông trung thành với STB. Tôi ủng hộ việc chuyển giao quyền lực này.
Theo quan điểm của cá nhân thì tôi thấy ngân hàng này thời gian vừa qua có sự đầu tư chồng chéo vào các công ty con, công ty của người nhà. Đây là công ty đại chúng nhưng lại quản lý theo kiểu gia đình trị, nếu bảo vệ lợi ích riêng của gia đình họ thì không ổn chút nào.
Trước đây, STB về thương hiệu cũng như hiệu quả kinh doanh, quy mô tổng tài sản... chỉ đứng sau ACB nhưng nay đã bị các đối thủ là các ngân hàng thương mại cổ phần khác đang dần vượt lên. Vì vậy, việc thay đổi HĐQT và ban lãnh đạo Sacombank nếu có dưới tay những người giàu kinh nghiệm trong giới ngân hàng như Eximbank có thể là một động thái tốt.
EIB mua Scombank là khôn ngoan
(Anh Thiện, nhà đầu tư ở sàn chứng khoán Kim Eng)
Là một người vừa nắm giữ cổ phiếu của cả Eximbank và Sacombank, tôi nhận xét HĐQT hiện thời của Sacombank cũng có trách nhiệm và có năng lực khá cao.
Điều này được thể hiện qua việc Sacombank hiện vẫn là ngân hàng thương hiệu lớn mà nhiều ngân hàng khác phải mơ ước. Tôi cũng đánh giá rất cao hệ thống quản trị rủi ro của ngân hàng này thông qua các hệ số so sánh với các ngân hàng bạn.
Do đó, theo quan điểm của tôi việc EIB mua Sacombank cũng là một kiểu đầu tư khôn ngoan khi bạn thấy một cơ hội đầu tư quá tốt. Riêng về việc có hay không chuyện sẽ thay đổi HĐQT, theo tôi nghĩ đó cũng là một vấn đề bình thường bởi vì một cổ đông có quyền đòi hỏi quyền lợi cho họ.
Quan điểm bản thân tôi thì sẽ có nhiều sự bổ sung chứ chưa hẳn là sẽ bị thay hết vì thực tế là với tỷ lệ 51% vốn của Eximbank, câu chuyện vẫn chưa thể gọi là kết thúc nếu nhóm cổ đông kia tập hợp được tỷ lệ trên 30%, họ vẫn có quyền phủ quyết mọi quyết định quan trọng tại đại hội cổ đông. Xem ra cục diện cuối cùng vẫn còn gay cấn. Và trong thời gian này, tôi nghĩ các cổ đông nên bình tĩnh chờ xem tình hình.
Cơ hội lướt sóng
(Chị Hằng, một nhà đầu tư ở TP.HCM)
Xem ra từ đây tới lúc đại hội cổ đông công bố thông tin cuối cùng thì hai cổ phiếu EIB và STB có thể được các nhà đầu tư đua giá trần giống như cổ phiếu VIC ở thời điểm sáp nhập trước đây.
Hiện nay STB đã tăng trên 20.000 đồng/CP, có tốc độ tăng tính từ đầu năm gần gấp đôi so với cổ phiếu của EIB. Rõ ràng, việc chốt lời với một cổ phiếu ở mức lãi trên 30% trong chưa đầy hai tháng là lợi nhuận trong mơ khi mà gửi tiết kiệm chỉ có 14%/năm.
Chìa khoá để lý giải điều này có thể là sự thu mua rất mạnh của các tổ chức để tăng tỷ lệ sở hữu đủ quyền chi phối và các nhà đầu tư nhỏ nắm bắt tình hình cũng tranh thủ mua theo lướt sóng.
Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc tham gia cuộc chơi này trong bao lâu? Không loại trừ rủi ro có thể gặp nếu tiếp tục nắm giữ hoặc mua thêm khi giá cổ phiếu đã tăng mạnh.
Theo SGTT