Không có binh sĩ để sử dụng
So với các nước trong khu vực, lực lượng quân đội của Qatar có thể coi là khá khiêm tốn. Trong đó, lục quân có quân số khoảng 8.500 người, hải quân 1.800 người, không quân 1.500 người. Trang bị khí tài cũng rất khiêm tốn với khoảng 92 xe tăng, 464 khẩu lựu pháo tự hành, 24 lựu pháo kéo xe và 12 hệ thống pháo phản lực phóng loạt, cùng khoảng vài trăm xe bọc thép các loại.
Hải quân Qatar cũng chỉ có 7 tàu tấn công nhanh bao gồm bốn chiếc lớp Vita do Anh cung cấp và ba chiếc Combattante III do Pháp sản xuất, đều là các tàu chiến nhỏ.
Không quân Qatar cũng rất nghèo nàn về trang thiết bị. Lực lượng này có khoảng 98 máy bay đánh chặn, 9 máy bay tấn công, 15 máy bay vận tải, 53 máy bay huấn luyện, 28 trực thăng, 43 trực thăng tấn công. Máy báy chiến đấu hiện đại nhất của nước này là Mirage-2000 do Pháp chế tạo vào những năm 1970.
Ngoài ra, toàn bộ lực lượng vũ trang (bao gồm cả hải, lục, không quân) chỉ có xấp xỉ 11.800 người - tức là tương đương với một sư đoàn bộ binh chính quy. Vì có quá ít người, cho nên dù sở hữu ngân sách rất lớn (tỉ lệ nghịch với kích thước quân đội) khoảng 1,9 tỷ USD (đó là con số cách đây 7 năm) nhưng Quân đội Qatar không thể mua được nhiều vũ khí vì “lấy đâu ra binh sĩ mà sử dụng”.
Theo Global Fire Power, năng lực tổng thể của Qatar năm 2017 đứng thứ 90 trong số 126 quốc gia nằm trong danh sách xếp hạng của trang web này.
Không để Mỹ dùng làm “đòn bẩy”
Do quân lực yếu, Qatar cho phép Mỹ sử dụng Al-Udeid làm căn cứ quân sự lớn nhất của nước này ở Trung Đông. Căn cứ Al Udeid là nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Trung tâm Không quân Mỹ và Không đoàn Viễn chinh 379, một trong những đơn vị viễn chinh lớn và đa dạng nhất của Không quân Mỹ.
Theo Không quân Mỹ, đơn vị 379 giám sát các hoạt động của Không quân Mỹ tại Afghanistan, Syria, Iraq và 18 quốc gia khác. Căn cứ này có khoảng 11.000 nhân viên quân sự Mỹ đang làm việc, gần bằng quy mô lực lượng vũ trang Qatar. Căn cứ Al Udeid tự hào có đường băng dài 3,8 km, dài nhất ở vịnh Ba Tư. Đây là một cơ sở chiến lược quan trọng có thể chứa hơn 120 máy bay.
Theo một báo cáo từ quốc hội Mỹ hồi năm 2014, Qatar đầu tư hơn một tỷ USD để xây dựng căn cứ không quân al-Udeid vào thập niên 1990. Bước đi quyết định này đã giúp Qatar dễ dàng đào sâu mối quan hệ hợp tác với các lực lượng Mỹ.
Có thể nói, việc căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông đặt ở Qatar, cùng với Hiệp định quốc phòng ký kết vào năm 2013 là sự đảm bảo an ninh cho quốc gia nhỏ bé này.
Khi chia sẻ về hướng đi của Qatar, Quốc vương Hamad cho hay: “Qatar chúng tôi tập trung cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài. Mục tiêu của chúng tôi là luôn sống trong hòa bình và tránh xa xung đột. Chúng tôi tập trung vào phát triển bền vững, dựa trên tầm nhìn với những cột trụ chính là: Phát triển con người, phát triển kinh tế, phát triển môi trường”.
Không những thế, Quốc vương của Qatar từng nhấn mạnh rằng, “Là một quốc gia nhỏ, chúng tôi có quan hệ tốt với người Mỹ, xét trên khía cạnh quan hệ quân sự, giáo dục, y tế, nhưng anh biết đấy, về chính trị thì không. Tuy nhiên, chúng tôi vui vẻ với sự hiện diện của họ. Qatar tránh chạy đua vũ trang và chi tiêu cho quốc phòng. Mặc dù sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ đã giúp Qatar phần nào đảm bảo an ninh nhưng ngoài Mỹ, Qatar còn duy trì quan hệ với Anh, Pháp và nhiều quốc gia khác”.
Doha giữ quan hệ hòa hảo với nhiều quốc gia và tổ chức, dù bản thân các quốc gia và tổ chức này có thể là thù địch của nhau. Ví dụ như Mỹ, Israel và phong trào Hồi giáo Hamas. Lý giải về lập trường này, Quốc vương Qatar nói: “Đôi khi với các nước nhỏ, anh phải làm như vậy. Chính sách của chúng tôi là thân thiện với tất cả các bên. Chúng tôi tìm kiếm hòa bình. Điều đó không có nghĩa là nếu hai bên đối đầu thì chúng tôi phải chọn một. Không, chúng tôi muốn giữ quan hệ tốt với cả hai bên”.
Tuy nhiên, không vì dựa vào Mỹ mà Qatar để Mỹ dùng làm “đòn bẩy” đánh Iran. “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ủng hộ người Mỹ chống lại Iran hay Hezbollah. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi am hiểu khu vực của mình hơn người Mỹ”, Quốc vương Hamad chia sẻ. Trước tình huống giả định Mỹ tấn công Iran, Quốc vương Hamad thẳng thắn bày tỏ sự phản đối dù nước này là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất Trung Đông. Ông cũng nói thêm rằng: “Là láng giềng với Iran, chúng tôi đã chung sống với họ suốt một thời gian dài và chúng tôi tin rằng cách tốt nhất là đối thoại. Người Mỹ nên đối thoại với Iran”.
Bắt đầu quân sự hóa
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chưa từng có khi Qatar bị hàng loạt quốc gia A-rập và vùng Vịnh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao từ ngày 5/6. Đây được coi là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Trung Đông trong nhiều năm gần đây, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh và kinh tế của khu vực cũng như toàn thế giới. Điều này đã khiến Qatar đẩy mạnh việc phát triển quân đội của mình.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm SIPRI (Thụy Điển), thời gian gần đây Qatar đã đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa và mở rộng quy mô quân đội của mình.
Năm 2014, Qatar quyết định mua tên lửa Patriot của Mỹ với giá trị hợp đồng lên đến 11 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên Qatar mua tên lửa Patriot, loại vũ khí mà các nước vùng Vịnh khác như Kuwait, A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) từng mua trước đây. Theo hợp đồng vũ khí này, Mỹ cung cấp cho Qatar khoảng 10 khẩu đội Patriot, 24 máy bay trực thăng Apache và 500 tên lửa chống tăng Javelin.
Kể từ năm 2015, Qatar đã chi hàng chục tỷ USD để đặt mua 24 chiếc tiêm kích Rafale trị giá 7 tỷ USD từ Pháp. Ngoài ra, còn có 3 máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không Boeing 727 AEW và 2 máy bay tiếp dầu trên không A-330 MRTT.
Tại Triển lãm và Hội thảo quốc phòng hàng hải quốc tế (DIMDEX 2016) được tổ chức ở Doha tháng 3-2016, Qatar đã ký kết 19 thỏa thuận vũ khí lớn trị giá 32,58 tỷ riyal (khoảng 8,95 tỷ USD).
Các thỏa thuận trên bao gồm 8 bản ghi nhớ (MoU) được ký về việc cung cấp cho các lực lượng vũ trang Qatar trang thiết bị hàng hải quan trọng trị giá hơn 354 triệu USD, một hợp đồng mua 24 chiếc máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp trị giá 27,75 tỷ riyal (7,62 tỷ USD).
Ngoài ra, 10 biên bản ghi nhớ có tổng trị giá 3,54 tỷ riyal (gần 1 tỷ USD) được ký giữa Qatar với các công ty quốc phòng quốc tế về việc cung cấp nhiều loại trang bị quân sự khác nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Qatar.
Có thể nói, với những hợp đồng “khủng” đã ký, trong vòng vài năm tới, khi được bàn giao đầy đủ, quân đội Qatar sẽ có sức mạnh đáng gờm, khiến cho bất cứ quốc gia nào cũng phải cân nhắc rất kỹ trước khi phát động chiến tranh.