Các anh mệt rồi đúng không?
Trong những ngày đầu thực hiện chỉ thị tự cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ, cuộc sống người dân như chậm lại. Mọi hoạt động đều thay đổi, để cả nước đồng tâm, đồng lòng cho mục tiêu lớn. Cũng ví như chiến dịch “điểm” quyết định kết quả của một quá trình chúng ta đã đi. Các phương tiện thông tin tuyên truyền đại chúng nhắc nhiều hơn về “Covid-19”.
“Thêm ca mắc mới”, “Hỗ trợ lao động mất việc làm do dịch Covid-19”, “Hỗ trợ lao động Việt Nam về nước do hết hợp đồng lao động vì dịch Covid-19”… Những dòng tin cập nhật hằng giờ, tất cả thể hiện nỗ lực của Chính phủ bảo đảm một sự an toàn tốt nhất cho người dân.
Trong những ngày này cả nước dường như “được nghỉ” để làm nhiệm vụ khác: “Tự giác chống dịch”. Bên cạnh đó, vẫn có những “người hùng” thầm lặng canh sự “bình yên” cho cả nước thực hiện tốt nhiệm vụ trước mắt. Đó là khối cảnh sát, bộ đội… vẫn kề vai sát cánh cùng người dân không quản ngày đêm. Họ xứng đáng là những người hùng trong cuộc chiến “chống dịch bệnh”.
Hình ảnh những chiến sĩ vất vả nơi đầu tuyến chống dịch khiến chúng ta không khỏi nghẹn lòng. |
Ngày 3/4/2020, giữa những dòng tin “nóng hổi” về dịch bệnh được người dân chờ đợi từng ngày, có một câu chuyện khiến tất cả “khựng lại”. Công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã triển khai lực lượng truy đuổi nhóm đối tượng 9X tổ chức trộm cắp và đua xe trái phép.
Tuy nhiên đến khu vực cầu Mân Quang, Thọ Quang, Sơn Trà thì xảy ra va chạm giao thông làm hai cảnh sát giao thông quận Sơn Trà là Đại úy Đặng Thanh Tuấn (sinh năm 1979) và Trung sĩ Võ Văn Toàn (sinh năm 1997) hy sinh. Một người dân bị thương là anh Mai Quốc Long (sinh năm 1985). Đây là một nỗi đau không chỉ của người thân, đồng nghiệp của hai anh chiến sĩ, mà là nỗi đau chung của tất cả mọi người.
Họ là những nốt trầm hòa vào bản nhạc chung, nhưng đau đớn thay “nốt trầm” ấy mãi mãi không thể cất lên được nữa. Các anh hi sinh khi làm nhiệm vụ của người chiến sĩ công an, bảo vệ cuộc sống an toàn - an tâm nhất cho nhân dân. Họ đánh đổi cuộc sống của mình để lấy lại hạnh phúc - bình yên cho người dân. Sự bình yên xót xa biết mấy, khi là máu, nước mắt.
Sự ra đi của anh Tuấn và anh Toàn là một mất mát lớn của đơn vị, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng nghiệp đã gắn bó với các anh suốt những năm qua.
Trong trang nhật ký viết như một sự hồi tưởng đầy trân trọng nhưng xót xa, một nữ đồng nghiệp viết: “Các anh mệt rồi đúng không, cả tháng qua tập trung chống dịch, lại tuần tra, lại truy bắt tội phạm. Các anh cũng là người bằng da bằng thịt thôi mà. Mệt rồi, chúng em đưa các anh về thôi... Đêm nay, Sơn Trà, một đêm trắng...”.
Còn người thân của hai anh chỉ biết “nuốt nước mắt vào trong” để nén lại những đau thương ấy. Vì họ biết sự ra đi của hai anh, dù nỗi đau khôn nguôi nhưng không là vô nghĩa. Đó sự ra đi cho dân tộc, cho nhân dân, cho những người ở lại.
Chú của chiến sĩ Toàn cũng chỉ biết ngậm ngùi: “Tối qua cháu Toàn đang trực chốt cùng 3 chiến sĩ đang ăn dở mỳ tôm thì nhận được lệnh có nhóm thanh niên đua xe thì lên đường làm nhiệm vụ. Toàn đi cùng xe với anh Tuấn, khoảng 15 phút sau thì gặp nạn...”. Anh ra đi chỉ kịp ăn tạm bát mì tôm chưa hết, chỉ kịp tặng mẹ chai mắm mẹ ăn, để lại nỗi đau sẽ mãi “khôn nguôn” cho vợ và các con.
Đâu phải thời bình, không đổ máu. Sự hi sinh của những chiến sĩ công an trong thời điểm dịch lại càng khiến chúng ta thấy họ đã “cống hiến” như thế nào. Những chiến sĩ không ngại hi sinh, gác lại mọi việc riêng... nỗ lực vì sự nghiệp an ninh trật tự, bảo vệ sức khỏe toàn dân.
Cha ơi, con xin lỗi…
Ở nơi địa đầu biên cương Tổ quốc, những màu áo xanh chiến sĩ biên phòng vẫn ngày đêm “gồng mình” cùng đất nước đứng lên chống dịch. Đã có nhiều câu chuyện xúc động được ghi lại trong những ngày “nóng lên” vì dịch. Bên cạnh những thành quả bước đầu chống dịch là những hi sinh thầm lặng chờ một ngày “Việt Nam đại thắng”. Có những chiến sĩ ngủ lều, ngủ rừng nhường khu cách ly cho đồng bào, có người mất đi người thân nhưng không thể về nhìn mặt lần cuối.
Trong những câu chuyện đầy xúc động, có cả nỗi xót xa! Đồn Biên phòng Thạnh Trị, Long An là một điểm kiểm soát dịch bệnh. Trong những ngày dịch, các anh chiến sĩ nơi đây vất vả hơn khi túc trực kiểm soát tình hình cả ngày lẫn đêm và thực hiện hỗ trợ cách ly nếu có người dân cần hỗ trợ.
Ngày 2/4 vừa qua, chính tại đồn biên phòng diễn ra một đám tang “đặc biệt” khiến người chứng kiến không khỏi xót xa. Đó là hình ảnh Trung úy Thông – cán bộ biên phòng lập bàn thờ vọng để tang cha từ xa, vì nhiệm vụ chống dịch mà không thể về nhìn mặt cha lần cuối.
Trung úy Thông nghẹn ngào tiễn biệt cha từ nơi biên cương vì không thể về nhìn cha lần cuối. Ảnh: ĐBP Long An |
Trung úy Thông quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cha của anh cũng từng là cán bộ Biên phòng nên từ nhỏ anh đã ước mơ được như cha mình. Chỉ cách đây mấy ngày, anh chia sẻ vẫn còn nói chuyện qua điện thoại cho cha và hứa khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ xin về thăm cha. Nhưng cuộc sống vô thường, cha anh đột ngột qua đời, vì nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 đang trong giai đoạn quyết định, mà anh chỉ biết tiễn biệt cha từ nơi biên cương.
Hình ảnh người chiến sĩ đội chiếc khăn trắng, mắt đỏ hoe, ngậm ngùi dâng nén hương vọng về quê mình – nơi cha qua đời mà đau lòng. Vừa thương, vừa xót xa cho người con hiếu thảo, “nuốt nước mắt” tiễn biệt cha mình cách xa hàng trăm cây số. Có lẽ, trong những ngày tháng bình yên để người dân có thể yên tâm chống dịch, những chiến sĩ như anh Thông là những trái tim cống hiến âm ỉ, thầm lặng. Họ hi sinh cái riêng để cho một cái chung lớn lao đó là Tổ quốc, là đồng bào.
Trong những ngày chống dịch Covid-19, không ít những câu chuyện như Trung úy Thông được ghi nhận. Những người con, cháu không kịp về để tang người thân qua đời vì ở lại chống dịch đang ở thời điểm “quyết định”. Tạm gạt những nỗi buồn cá nhân để hoàn thành một trọng trách lớn lao toàn dân giao phó.
Những người lính biên cương như những cây phi lao, tấm lá chắn vững chãi của Tổ quốc, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài lãnh thổ.
Trong cuộc chiến đấu chống “giặc dịch” giữa thời bình, còn rất nhiều câu chuyện cảm động về những cống hiến, hi sinh không thể kể hết của những “chiến binh áo xanh”. Họ thực sự là những anh hùng, dù không mang tước vị, sắc phong lại đẹp đẽ vô cùng. Chính họ mà Tổ quốc được bảo vệ, đồng bào được yên tâm cùng nhau chống dịch.
Rất nhiều chiến sĩ hoãn đám cưới, nhiều người không kịp về cùng sợ “vượt cạn”, cả những bàn thờ vọng người thân nơi biên cương…Trong những mảnh ghép ấy, có buồn, có vui, có xót xa, có cả máu và nước mắt của các anh để lại.
Với các anh, nhiệm vụ Tổ quốc là thiêng liêng, đồng bào đang cần các anh. Dù thời kỳ nào, vẫn có những anh hùng, dù ở nơi nào vẫn có những hi sinh cho đất nước, cho xã hội. Những đóng góp ấy, giống như một ánh sáng của niềm tin, ngọn lửa của tình người, tình đồng bào thắp sáng trong đêm tối. Họ chính là những cánh chim không nghỉ, miệt mài đứng đầu “trận tuyến” khi bão tới, bảo vệ sự bình yên cho những người cùng chung giống nòi.
Đổi lại những ngày bình yên, có hạnh phúc nào mà không xót xa đến thế!