Cleopatra chinh phục hai người đàn ông quyền lực nhất La Mã bằng sắc đẹp hay trí tuệ?

Nữ hoàng Cleopatra nổi tiếng về trí tuệ và sắc đẹp
Nữ hoàng Cleopatra nổi tiếng về trí tuệ và sắc đẹp
(PLVN) - Nữ hoàng Cleopatra (69-30 TCN) nổi tiếng về trí tuệ và sắc đẹp lần lượt chinh phục hai nhân vật cấp cao nổi tiếng của La Mã khi đế quốc này đang vào giai đoạn cực thịnh là Caesar và Antony. Với sức quyến rũ kỳ lạ và tài năng phi thường, nàng đã bảo toàn được nền độc lập Ai Cập, đồng thời thay đổi lịch sử La Mã. Tuy nhiên, liệu có phải chỉ bằng sắc đẹp, Cleopatra đã chinh phục được hai người đàn ông quyền lực nhất của La Mã khi đó hay còn có lý do nào khác?

Cuộc chiến quyền lực

Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra là hậu duệ của vua Ai Cập Ptolemy. Khi nàng 18 tuổi, người cha Ptolemy XII qua đời, để lại di chúc: Cleopatra và người em trai Ptolemy XIII cùng chấp chính. Ngẫm tưởng hai chị em sẽ cùng nhau trị vì Ai Cập xinh đẹp nhưng Cleopatra - một người tham vọng quyền lực vô cùng mãnh liệt - không chấp nhận chia sẻ ngôi báu với người khác. Để tranh giành ngôi báu, hai chị em dùng đủ mọi thủ đoạn nhằm hạ gục đối phương để quyền lực quy về một mối.

Trong khi Ptolemy tranh thủ sự ủng hộ từ dòng họ và lợi thế con trai duy nhất để có được tầm ảnh hưởng thì Cleopatra lại có được sự gần gũi từ dân chúng và đặc biệt là giới quân sự nên cuộc tranh giành diễn ra thường xuyên, liên tục giữa hai chị em chưa biết lúc nào dừng lại cho đến khi có sự xuất hiện của một nhân vật vô cùng quyền lực của La Mã, đó là Caesar.

Caesar (100-44 TCN), nhà độc tài La Mã đem quân chinh phục Ai Cập khi lúc này, đế quốc La Mã đang vào giai đoạn cực thịnh. Để tìm chỗ dựa về chính trị cho mình, hai chị em Cleopatra đều sử dụng mánh khóe chính trị cao siêu. Ptolemy XIII xách đầu Pompey, kẻ thù của Caeser làm quà gặp mặt. Nhưng Ptolemy XIII vừa trở về, một người đã vác một tấm thảm lớn đưa đến trước mặt Caesar. Khi tấm thảm từ từ mở ra, bỗng nhiên Cleopatra nhảy ra như một nàng tiên giáng trần.

Với sắc đẹp tuyệt vời, Cleopatra đã nhanh chóng chinh phục người đàn ông quyền lực nhất La Mã khi đó. Gã đàn ông từ trước đến nay chỉ biết đi chinh phục những vùng đất khác, con người ngoài lãnh thổ La Mã nay đã bị Cleopatra chinh phục.

Dựa vào tài năng quân sự của Caesar, Cleopatra đã đánh bại em trai. Khi tháo chạy, chiến thuyền của Ptolemy XIII bị chìm, kéo theo vị vua Ai Cập xuống đáy bể sâu.

Sau khi Caesar tiến quân chinh phục Ai Cập, vốn định tuyên bố đặt nước này là một tỉnh của La Mã, nhưng Cleopatra đã thuyết phục được ông từ bỏ kế hoạch trên, khôi phục ngôi vua của mình. Trong thời gian Cleopatra làm vợ Caesar, nàng đã có dịp cùng ông trở về La Mã. Từ khi Nữ hoàng Ai Cập đến La Mã, không những ảnh hưởng đến đời sống xã hội mà còn làm thay đổi tình hình chính trị của nước này.

Nàng thay đổi cách làm kinh tế của người La Mã, mời những nhà kinh tế và tiền tệ của Ai Cập giúp Caesar sắp xếp kế hoạch thu thuế. Cleopatra cho đón các nhà thiên văn từ Ai Cập đến trình bày những nghiên cứu về chiêm tinh học, cách xem thời tiết và nhiều vấn đề khác liên quan đến nông nghiệp, vốn là thế mạnh của Ai Cập khi đó rất phát triển.

Đặc biệt, các nhà chiêm tinh học đến từ Ai Cập đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển của lịch. Đây được coi là một trong những ảnh hưởng lớn nhất của Cleopatra đối với La Mã khi đó.

Cleopatra cùng các nhà chiêm tinh sáng lập ra lịch Mặt trời, một hệ thống lịch pháp khoa học hơn. Ngoài ra, nàng còn giúp La Mã xây dựng một thư viện quy mô lớn giống như thư viện của Alexander đại đế trước đó. Caesar đắm đuối trong sắc đẹp của nàng. Vừa yêu, lại cảm phục tài năng của Cleopatra, Caesar ngày càng đắm chìm trong men say tình yêu đối với người vợ mới.

Nữ hoàng Cleopatra bên các tùy tùng

Nữ hoàng Cleopatra bên các tùy tùng

Để chiều theo ý muốn của Cleopatra, Caesar lấy Alexandria - thủ đô của Ai Cập làm trung tâm xây dựng một đại đế quốc La Mã mới và chuẩn bị lập Lyon làm người kẻ thừa kế của đế quốc. Việc làm này khiến cho nhiều nguyên lão của La Mã phản đối, dẫn đến việc Caesar có quá nhiều thế lực thù địch, luôn tìm cách hãm hại ông. Một kế hoạch sát hại ông đã được vạch ra.

Năm 44 TCN, Caesar được mời đến thuyết trình trước hội đồng các nguyên lão. Do chẳng nghi ngờ, Caesar chỉ dẫn theo một đội tùy tùng và viên tướng thân cận nhất của mình, cũng là một người bạn chí cốt là Antony. Lấy lý do bàn chuyện cơ mật, Antony không được vào nên đành đứng ngoài mà đâu biết rằng, khi cánh cửa vừa khép lại, một tiếng kêu thảm thiết vang lên. Caesar bị đâm lén sau lưng và kết thúc cuộc đời trong bi kịch chỉ vì có thể làm lung lay quyền lợi của các nguyên lão không muốn có một đế chế La Mã thứ hai ngoài lãnh thổ.

Cái chết đột ngột của Caesar đã khiến toàn bộ lực lượng quân đội khi đó quay ra ủng hộ viên chiến tướng giỏi nhất là Antony. Sau một thời gian được hội đồng nguyên lão chấp nhận, Antony trở thành quan chấp chính của Đế quốc La Mã, chức vụ giống như người bạn năm xưa của mình.

Anh hùng khó qua ải mỹ nhân

Để thỏa mãn cuộc sống cực kỳ xa hoa của mình, Antony bắt các nước chư hầu phải cung phụng thật nhiều tiền của. Đầu tiên, ánh mắt ông ta hướng tới xứ Ai Cập giàu có. Viện cớ Ai Cập từng ủng hộ quân địch trong trận quyết chiến ở đồng bằng Feilibi, Antony ra lệnh cho Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra phải đến tạ tội.

Kỳ thực, quyết định đó còn xuất phát từ một lý do khác: Năm Cleopatra 14 tuổi, Antony là lính kỵ binh đi theo Gapinei sang Ai Cập. Khi nhìn thấy thiểu nữ xinh đẹp này, ông ta đã lập tức thầm yêu trộm nhớ. Khi Cleopatra trở thành tình nhân của Caesar, ông vẫn không thể quên nàng.

Nay Caesar đã chết, còn mình trở thành chúa tể phương Đông, ông ta muốn thực hiện mơ ước hồi trước của mình. Nếu không thành công, Antony sẽ tước bỏ ngôi vị của Cleopatra, tuyên bố Ai Cập là một tỉnh của La Mã. Vương quốc Ai Cập lại một lần nữa rơi vào nguy cơ mất nước.

Nhìn thấy dã tâm của Antony, Cleopatra người phụ nữ rất có trí tuệ nên hiểu rằng, một cuộc đối đầu quân sự lúc này có thể làm sụp đổ tất cả những gì nàng đã gây dựng từ trước đến nay. Hơn nữa, Cleopatra biết rằng lực lượng quân sự của Ai Cập quá yếu, chắc chắn sẽ bị quân La Mã đánh bại.

Sau khi nhận được lệnh của Antony, nàng đã có sẵn dự tính của mình. Cleopatra vốn không phải là kẻ an phận, nàng cũng đoán ra ý đồ của Antony, nên quyết định lấy lòng ông ta, lợi dụng sắc đẹp của mình để Ai Cập khỏi bị quân đội La Mã dày xéo. Thậm chí, Cleopatra nảy sinh ý định dựa vào sự ủng hộ của Antony mà tăng cường địa vị thống trị Ai Cập của mình. Muốn vậy, phải chinh phục người đàn ông quyền lực này giống như nàng đã từng chinh phục Caesar.

Khi đó, Cleopatra mới 28 tuổi, cơ thể nàng toát ra sức quyến rũ mê hồn và một trí tuệ sắc sảo. Nàng tin chắc rằng mình đủ sức làm cho Antony anh tuấn và si tình phải phủ phục dưới chân nàng. Cleopatra chuẩn bị chu đáo cho cuộc hành trình lần này. Nàng xuất quốc khố mang theo nhiều lễ vật quý báu, trang hoàng một chiếc tàu thật đẹp, rồi khởi hành từ hải cảng Alexandria đi gặp Antony.

Chiếc tàu được trang hoàng cực kỳ hào hoa như một cung điện huy hoàng tráng lệ trên biển, nguyên cả chiếc thuyền được dát vàng, cánh buồm màu tím tẩm hương thơm thoang thoảng đặc trưng của Ai Cập; mái chèo bằng bạc, tàu đi trên sóng trong tiếng nhạc dập dìu.

Nhan sắc và trí tuệ của Cleopatra khiến cho Caesar và Antony phải siêu lòng

Nhan sắc và trí tuệ của Cleopatra khiến cho Caesar và Antony phải siêu lòng

Cleopatra trang điểm như thần Vệ Nữ, nửa năm nửa ngồi trong trướng, kiều diễm tuyệt trần. Khi tàu đến cảng Tarsus, người ta chen nhau chiêm ngưỡng chiếc tàu và phong thái của nàng. Khi đó, Antony đang diễn thuyết trong thành, người nghe đang đông đúc. Khi thấy chiếc tàu của Cleopatra tới, người dân lũ lượt kéo đi hết ra bờ sông.

Antony cho người ra mời Cleopatra lên bờ hội kiến nhưng không ngờ lời mời đó lại chuyển thành sự kiện Antony xuống tàu. Ông ta bị mê mẩn bởi cảnh tượng trước mắt bất giác đi xuống tàu tới bên cạnh Nữ hoàng. Nhìn vẻ kiều diễm tuyệt trần và phong thái như tiên nữ của Cleopatra, Antony như bị thần Ái Tình bắn trúng tim, lịm đi và phủ phục xuống chân nàng.

Cleopatra liên tục mở tiệc chiêu đãi Antony với đủ các món ăn ngon lạ, không bữa nào giống bữa nào, ngồi bên cạnh ân cần mời mọc khiến cho Antony nửa tỉnh nửa say. Sau đó, nàng còn đem toàn bộ vật dụng trên tàu tặng cho Antony. Người đàn ông quyền lực lớn nhất La Mã và cũng là người đàn ông thứ hai bị Cleopatra chinh phục

Cuộc chinh phục lần thứ 3 thất bại?

Sau lần đó, Antony chính thức trở thành phu quân của Cleopatra. Họ bước vào 13 năm chung sống mặn nồng đắm đuốỉ. Mối tình đầy màu sắc huyền hoặc này về sau trở thành đề tài cho không biết bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật sân khấu.

Từ khi say mê Cleopatra, Antony quên hết mọi việc, hoàn toàn chìm đắm trong tình yêu mới. Ông ta từ bỏ kế hoạch thân chinh tiến sang phía Đông, cũng chẳng còn ham muốn tranh đoạt ngôi vị Đế vương La Mã trong tương lai. Trớ trêu thay, Antony còn bỏ rơi cả người vợ của mình là em gái Octavius để tổ chức đám cưới linh đình với Cleopatra; tuyên bố tặng cho nàng và con của nàng một số lãnh thổ phía Đông La Mã. Điều này khiến cho các nguyên lão hết sức bất bình và tạo cơ hội cho Octavius chống lại Antony.

Năm 31 TCN, Antony và Cleopatra dẫn quân đội đánh trận quyết chiến ở Actium với Octavius. Khi chiến thuyền La Mã xông vào trận tuyến của quân Antony, áp sát vào hạm đội của mình ở phía sau. Thấy tình hình nguy cấp, Cleopatra liền gương buồm bỏ chạy. Antony thấy vậy, liền bỏ quân của mình đang quyết chiến với quân Octavius, trèo lên chiếc thuyền nhỏ khác đuổi theo Cleopatra.

Đột ngột thấy chủ tướng của mình bỏ lại quân đội, chạy theo người đàn bà, phần đông các cánh quân của Antony buông vũ khí đầu hàng quân đội La Mã, chỉ có số ít đội quân trung thành với Antony và quân Ai Cập vừa chiến đấu vừa rút lui nhằm bảo toàn lực lượng.

Để đảm bảo an toàn cho Ai Cập, Cleopatra không hỏi ý kiến của Antony, xin thần phục Octavius. Có ý kiến cho rằng, sau khi nhận thấy thời kỳ dựa dẫm vào Antony đã chấm hết, Cleopatra nhận thấy tình yêu trai gái của nàng với Antony không thể nào lớn hơn đất nước Ai Cập. Một lần nữa, người phụ nữ đầy tham vọng này lại lên kế hoạch chinh phục kẻ đang dòm ngó Ai Cập. Đó chính là Octavius.

Tuy nhiên, một người bạn thân của Octavius đã dùng chính tính mạng của mình, ngăn cản Octavius không đi theo vết xe đổ mà Caesar và Antony đã gặp phải trước đó, hơn nữa Cleopatra đã không còn là một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp.

Sau một đêm suy nghĩ, Octavius đã hiểu ra và tìm cách đuổi người hầu gái thân cận của Cleopatra về. Tuy nhiên, nhận thấy Antony mới là kẻ thù chính của mình, Octavius nhắn Cleopatra chỉ cần giết Antony, ông ta sẽ không xâm lược Ai Cập.

Về phần Antony, do quá yêu Cleopatra nên khi thấy vận mệnh đất nước Ai Cập lâm nguy, cuộc tình cũng đã đi đến hồi kết nên anh ta mong muốn quân đội của Octavius bảo toàn tính mạng cho Cleopatra, còn mình sẽ tình nguyện tự sát.

Kế hoạch không thành, bản thân vẫn còn tình cảm với Antony, Cleopatra đã đem tất cá vàng bạc châu báu của Ai Cặp chất lên một tòa tháp, uy hiếp Octavius và nói rằng: Nếu không đạt được nền hòa bình vinh quang, nàng sẽ cùng hủy diệt với số vàng bạc châu báu này.

Antony đang chống lại quân Octavius ở ngoài thành, thấy quân của Cleopatra có dấu hiệu đầu hàng, lại nhận được tin giả nàng đã bị giết, ông ta đã tuyệt vọng tự sát.

Cleopatra dùng nghi thức sang trọng mai táng cho vua để cử hành tang lễ cho Antony. Sau đó, vì quá đau buồn mà đã ngã bệnh. Lo lắng Octavius sẽ mang mình về La Mã giễu phố, Cleopatra vô cùng tuyệt vọng. Nàng viết một bức thư thắm thiết cho Octavius, yêu cầu cùng mai táng với Antony trong một nấm mồ, rồi nàng tự sát.

Về cái chết của vị Nữ hoàng Ai Cập, cho đến nay có rất nhiều giả thiết. Có người cho biết, nàng bắt người hầu mang đến hai con rắn đen Ai Cập, còn có tên gọi là rắn Nữ hoàng. Đây là loài rắn kịch độc, chỉ cần một cú cắn có thể giết người tức thì. Nhiều người cho rằng, Cleopatra chọn cách tự sát này nhằm bảo toàn thân thể của mình. Theo quan niệm của người Ai Cập cổ đại, nếu chết không được ướp xác, cơ thể chỉ còn nguyên vẹn khi bị độc tố của rắn Nữ hoàng cắn.

Lại có giả thiết cho rằng, Cleopatra tự sát bằng chính thanh gươm mà Antony đã tự kết liễu mình trước đó để chứng minh tình yêu của nàng dành cho chồng mình.

Tuy Octavius rất thất vọng trước cái chết của Cleopatra, nhưng không thể không khâm phục sự vĩ đại của nàng. Ông ta liền hạ lệnh chôn cất thi thể của nàng bên cạnh Antony.

Có một thực tế rằng, Cleopatra đã dùng sắc đẹp, trí tuệ để bảo vệ Ai Cập, giúp đất nước này tồn tại trước La Mã hùng mạnh suốt một thời gian dài mà không phải chịu cảnh lầm than, binh đao, đổ máu. Chính vì thế, đối với người dân nơi đây, Cleopatra không khác gì một nữ anh hùng, một bà hoàng đúng nghĩa.

Tuy nhiên, qua các nguồn tài liệu khảo cổ học, nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ về sắc đẹp của Cleopatra. Các nhà khảo cổ căn cứ vào tượng điêu khắc cổ mới khai quật được chứng minh dung mạo của nữ hoàng Cleopatra bình thường, thậm chí hơi xấu.

Các nghiên cứu chỉ ra, người Ai Cập để bảo vệ huyết thống thuần khiết đã thực hiện chế độ hôn nhân cùng họ. Cleopatra có thể có khiếm khuyết nào đó bởi hôn nhân cận huyết khó có thể tạo ra sự hoàn hảo đến vậy. Hoặc Cleopatra đã được tô vẽ thần thánh hóa lên quá nhiều? Nếu điều này là sự thật, Cleopatra có ma lực đặc biệt gì có thể khiến cho Caesar rồi Antony hy sinh tất cả vì nàng vẫn là một câu hỏi lịch sử?


Tin cùng chuyên mục

Nhiều người dân Singapore lựa chọn vắc-xin Sinopharm, Sinovac để tiêm tăng cường vì một lợi ích không ngờ

Nhiều người dân Singapore lựa chọn vắc-xin Sinopharm, Sinovac để tiêm tăng cường vì một lợi ích không ngờ

(PLVN) -  Một số phòng khám tư nhân ở Singapore đã ghi nhận nhu cầu tăng vọt đối với vắc-xin (vaccine) Sinovac và Sinopharm khi người dân tiêm mũi tăng cường - phần lớn do lo ngại tác dụng phụ từ liều thứ 3 của vắc-xin loại mRNA. Các loại vắc-xin như Sinovac và Sinopharm sử dụng virus bất hoạt để dạy hệ miễn dịch con người tạo ra kháng thể chống SARS-CoV-2.

Đọc thêm

Bí ẩn ngọn núi hùng vĩ “nuốt chửng người”

Dãy núi Eastern Highlands tại Zimbabwe.
(PLVN) - Nằm trong vùng hoang sơ tuyệt đẹp phía bắc của dãy núi Eastern Highlands (Cao nguyên phía Đông) tại Zimbabwe, với độ cao 2.592m, ngọn núi hùng vĩ Nyangani là nơi gắn liền với những truyền thuyết kỳ bí trong nhiều thế kỷ. Đặc biệt là những vụ mất tích tương tự như vùng Tam giác quỷ Bermuda.

Choáng ngợp với khách sạn 7 sao xa xỉ nhất thế giới

Một nhà hàng khổng lồ thiết kế ngầm dưới nước với hành lang có mái vòm bằng vàng.
(PLVN) - Khách sạn Burj Al Arab của Dubai nổi tiếng bởi độ xa xỉ, tráng lệ bởi phòng khách bát ngát rộng tới gần 800m2 với nội thất dát vàng và cẩm thạch, những ly cà phê phủ vàng 24K khiến du khách được trải nghiệm cảm giác họ thực sự là thượng đế, là ông hoàng, bà chúa... 

Nấm Chaga - Thần dược quý hiếm trị “bách bệnh”

Thần dược nấm Chaga.
(PLVN) - Khi nghe nấm Chaga được xem như “thần dược” chữa bách bệnh như ung thư, ngừa lão hóa, người ta sẽ dễ tưởng tượng hình dung ra loại nấm này trông trống như đá quý hay kim loại quý treo trên cây, nhưng trên thực tế, loại nấm này lại có vẻ ngoài xù xì, đen đúa, không khác gì cục tro cháy sém.

Ốc sên Escargot – đệ nhất ẩm thực Pháp

Món đặc sản từ ốc sên Escargot.
(PLVN) - Nếu như ở Việt Nam, “ốc sên” không được định danh là món ăn thì ở Pháp những món ăn chế biến từ “ốc sên” lại được coi là đệ nhất ẩm thực, thậm chí chỉ dành cho giới thượng lưu sang chảnh.

Cuộc sống xa hoa của các Vương gia triều Thanh

Họa hình những bữa ăn xa hoa của các Vương gia triều Thanh.
(PLVN) - Bên trong Tử Cấm Thành ngoài những câu chuyện về Hoàng thượng, Hoàng hậu và các phi tần thì sự giàu sang của các bậc Vương gia nhà Thanh cũng khiến người đời không khỏi kinh ngạc, không ít thú vui, hưởng lạc xa xỉ tới mức điên loạn...

Độc đáo món Char Kway Teow của Malaysia

Chế biến món Char Kway Teow nổi tiếng của Malaysia.
(PLVN) - Char Kway Teow thơm nức, cay xè không chỉ là món ăn đặc sản của Malaysia mà còn là một trong những món dễ ăn bậc nhất cho những người không quen với các món có cà ri.

Món lẩu phô mai “quốc hồn quốc túy” của Thụy Sĩ

Món lẩu Phô mai đặc trưng của văn hóa ẩm thực Thụy Sĩ.
(PLVN) - Nói đến Thụy Sĩ nhiều người sẽ nhớ tới đất nước của đồng hồ, dãy núi Alps, cùng những loại phô mai độc đáo, ngon lành. Từ một nguyên liệu phổ biến, người Thụy Sĩ đã sáng tạo ra món lẩu phô mai “độc nhất vô nhị” béo ngậy và đầy hấp dẫn.