3 cha con cùng bệnh
Xóm này có gần 150 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo đến từ các tỉnh. Họ thuê trọ gần nhau rồi lập nhóm động viên nhau.
Anh Tuấn cười tươi chia sẻ từng trải qua cảm giác tận cùng của thất vọng nên hiểu rõ tâm trạng những bệnh nhân mới. Nỗi đau người thân anh cũng từng nếm trải bởi cả bố và em trai đều qua đời vì suy thận. Vì vậy, những lời anh động viên người cùng cảnh ngộ đúc kết từ đáy lòng, trải nghiệm những tháng ngày đánh vật số phận.
Anh Tuấn quê ở xã Cổ Đô (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), đã chạy thận tròn 22 năm nay. Anh kể từ khi chuẩn bị vào lớp một đột nhiên phù chân tay phải điều trị tại bệnh viện Việt Trì hơn một tuần. Lúc đó ở quê chưa ai biết đến bệnh suy thận mà chỉ nói nôm na bệnh phù chân tay phù nề.
Lớn lên, anh khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, chứng phù chân tay không thấy tái phát. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng nghề giao thông, anh vào làm việc tại một công ty xây dựng thi công cao tốc Láng- Hòa Lạc.
Nhưng một buổi sáng thức dậy chuẩn bị đi làm, anh cảm thấy gương mặt bỗng nặng xệ, chân tay sưng phù. Biết tiền sử bản thân, anh vào bệnh viện khám được bác sĩ kết luận bị viêm cầu thận.
Nhiều ngày sau đó không thể ra công trường làm việc, anh phải xin nghỉ về nhà trị bệnh. Về quê vài ngày anh bị tụt huyết áp chuyển xuống bệnh viện Ba Vì cấp cứu, sau đó chuyển tiếp đến bệnh viện đa khoa Sơn Tây rồi đến Bạch Mai.
Chỉ trong vòng một tháng, anh trở nên yếu ớt không thể tự làm các công việc, toàn thân ngứa ngáy khó chịu. “Cứ ăn uống vào toàn thân lại càng phù nề do cơ thể không thể thải độc tố ra ngoài, ấn tay chỗ nào lún da chỗ đó. Bác sĩ có tư vấn ghép thận nhưng gia đình không có điều kiện”, anh kể tiếp.
Từ chỗ khỏe mạnh, công việc ổn định nay lại ngồi một chỗ, xúc thìa cơm cũng khó khăn khiến anh suy sụp. Có lúc anh suy nghĩ tiêu cực, thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát. Bố mẹ anh thấy con như vậy chỉ biết khóc động viên “còn nước còn tát, chỉ đến khi nào bố mẹ cạn lực thì con mới chết”. Thương bố mẹ nên anh ở lại bệnh viện điều trị.
Một năm, ba năm rồi năm năm trôi qua, anh dần quen với cảnh sống chung với bệnh tật. Anh tâm sự lúc vào viện thấy nhiều bệnh nhân khác còn khó khăn, bi đát hơn mình nên tự nhủ bản thân cố gắng sống được ngày nào hay ngày đấy. Người bố của anh bấy giờ mới yên tâm về quê cày cấy trang trải nợ nần.
Chạy thận được gần hai năm, công ty nơi anh Tuấn làm việc thông báo cắt bảo hiểm do thời gian công tác quá ngắn trong khi chi phí điều trị quá lớn. Do đó toàn bộ tiền chạy thận đều do gia đình tự túc. “Hết bảo hiểm tôi lại về quê, chỉ lúc nào chạy thận mới lên Hà Nội. Lịch chạy cũng không đều nữa. Mãi tới năm 1999 gia đình được xét hộ nghèo tôi mới có thẻ bảo hiểm y tế, lên Hà Nội điều trị trở lại”, nam bệnh nhân nhớ lại.
Tai ương dồn dập khi cuối năm 2005, bố anh Tuấn cũng nhập viện điều trị suy thận. Bố nhập viện cuối năm thì đầu năm 2006 em trai của anh qua đời do biến chứng suy thận.
“Lúc em mất, bố tôi đang nằm điều trị ở bệnh viện Việt Nhật. Gia đình giấu hết mọi chuyện đến khi tổ chức hậu sự xong mới báo cho ông biết. Chạy thận được hơn 6 năm thì bố tôi cũng qua đời”, anh trầm giọng.
Anh Tuấn chia sẻ liều thuốc tinh thần giúp vượt lên số phận là tư tưởng lạc quan, thái độ sống tích cực. |
Liều thuốc tinh thần
Anh Tuấn tâm sự luôn biết ơn vợ bởi chị đã “vẽ lại cuộc đời” cho anh. Vợ anh, chị Phùng Thị Nghĩa là bạn học chung hồi trung học. Thời gian biết anh Tuấn điều trị bệnh thận tại Hà Nội, chị Nghĩa lúc đó làm công nhân ở Hà Tây tranh thủ tới thăm. Những lần gặp nhau, chị phụ giúp anh cơm nước, hai người nói chuyện vui vẻ: “Thế rồi hai chúng mình yêu nhau lúc nào không biết”, anh cười rạng rỡ.
Gia đình chị Nghĩa biết con gái yêu chàng trai bệnh tật ra sức ngăn cản. Nhưnganh chị quyết tâm đến với nhau, làm mâm cơm đạm bạc ra mắt họ hàng rồi dọn về chung nhà.
Thời gian đầu lập gia đình, anh sức khỏe yếu không thể đi làm nên toàn bộ kinh tế trong gia đình đều do vợ gánh vác. Đến khi chị mang thai không thể đi làm, cuộc sống càng khó khăn bội phần. “Lúc đó trong nhà có cái gì đem bán sạch cái đó trang trải qua ngày. Một mình tôi bán trà đá, chạy xe ôm chẳng thấm vào đâu”, anh nhớ lại.
Quãng thời gian khốn khó rồi cũng qua, anh chị địu con ra vỉa hè bán nước, chạy xe ôm tìm kế sinh nhai. Nhờ người dân tin tưởng, anh được giao đưa đón mấy học sinh đi học nên thu nhập ổn định hơn trước kia đón khách vãng lai. Mấy năm gần đây chị Nghĩa được nhận vào làm nhân viên dọn vệ sinh ở trường khuyết tật nên thu nhập được cải thiện. Cuộc sống vợ chồng anh Tuấn dần ổn định.
Tới nay anh chị đã có 15 năm chung sống hạnh phúc, đứa con trai duy nhất nhờ địa phương giúp đỡ đã được đi học đúng tuyến. Đặc biệt từ năm 2016 anh Tuấn được bầu vào tổ bảo vệ dân phố. Hàng ngày ngoài công việc gia đình, anh luôn dành thời gian đến thăm hỏi, động viên những người bệnh trong xóm đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
Ngẫm lại quãng đường đã đi qua, anh chia sẻ không ngờ số phận lại mỉm cười với mình như vậy. Trước đây anh không dám nghĩ tới chuyện sẽ có một mái ấm như bây giờ. Vợ con là nguồn động lực giúp anh vượt qua cơn đau thể xác.
Anh thổ lộ rất thương vợ bởi chị đã hy sinh cả tuổi trẻ, chấp nhận người đời gièm pha để chung sống với anh. Bởi vậy anh luôn quyết tâm chiến đấu với bệnh tật để được sống gần vợ con nhiều hơn.
Gửi gắm đến những người đồng cảnh ngộ, anh Tuấn nói: “Tư tưởng rất quan trọng, tôi ngẫm ra rằng nếu suy nghĩ mà giải quyết được vướng mắc hãy suy nghĩ, còn không giải quyết được, cứ vô tư mà sống. Bởi suy nghĩ sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi, càng đi vào ngõ cụt. Khi tư tưởng đã thông phải chấp nhận sống chung với bệnh tật, chấp nhận mọi khó khăn”.