Sáng tạo dây chuyền băm ngô “3 trong 1”
“Cụm trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín có quy mô lớn nhất thế giới” – kỷ lục do Liên minh Kỷ lục Thế giới World Records Union chứng nhận tháng 12/2020, của Tập đoàn TH, đặt tại tại Nghĩa Đàn, Nghệ An, hiện chăn nuôi 45.000 bò sữa. Để phục vụ đàn bò có quy mô lớn như vậy, mỗi ngày, Trung tâm Thức ăn và Dinh dưỡng chế biến thức ăn cho bò sữa phải sản xuất và phối trộn khoảng 1.600 tấn thức ăn (trên tổng công suất 2.000 tấn). Đây là hai cơ sở hiện đại và được điều khiển thông qua hệ thống vi tính, tự động từ tính toán thực đơn đến phối trộn.
“Nhà bếp” của 45.000 bò sữa TH có hàng chục công thức phối trộn thức ăn chính cho các nhóm bò từ bê non đến bò mang thai, bò vắt sữa, bò cạn sữa,... Mỗi công thức bao gồm 12-16 loại nguyên liệu (cỏ khô, cỏ tươi, ngô, hướng dương, bột mì,…), phố trộn theo theo công nghệ TMR (Total Mix Ration), tính toán kỹ lưỡng về khối lượng, được kiểm soát nghiêm ngặt về hàm lượng dinh dưỡng, tối ưu cho sức khỏe của bò sữa, góp phần quan trọng cho chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng của dòng sữa tươi sạch từ trang trại TH.
Khối lượng thức ăn “khổng lồ” với công thức cầu kỳ đòi hỏi những hệ thống thiết bị, máy móc không chỉ hiện đại, đảm bảo năng suất, an toàn lao động mà còn phải thực sự tinh gọn, thông minh để tiết kiệm chi phí vận hành, thời gian sản xuất.
Trong 8.100 ha diện tích đất đã dùng để trồng cây nguyên liệu, TH sử dụng 400 ha để trồng ngô với năng suất khoảng 13.000 tấn/vụ, còn lại là liên kết với người dân – hướng dẫn kỹ thuật canh tác, kiểm soát chất lượng và thu mua, tạo nguồn thu quan trọng cho người dân quanh vùng dự án.
Ngô mà trang trại TH thu mua của nông hộ được chuyển tới Trung tâm Thức ăn và Dinh dưỡng – nơi có đến 9 chiếc máy hiện đại được nhập khẩu từ Mỹ làm nhiệm vụ băm nhỏ, nghiền nát và luôn trong trạng thái hoạt động hết công suất. Tổng công suất của 9 máy đó đạt 1,5 nghìn tấn/ngày, tuy nhiên, vào mùa thu hoạch, số lượng ngô thu mua mỗi ngày có khi gấp 3-4 lần công suất chế biến.
Nhớ lại thời điểm đó, anh Trương Văn Sơn - Giám đốc Bộ phận Kỹ thuật Thiết bị của trang trại TH - kể: “Các xe tải chở ngô đứng xếp hàng dài chờ tới lượt, gây tắc nghẽn cục bộ. Thời tiết nắng nóng làm cho ngô bị lên men, hỏng rất nhiều. Ngô hỏng khiến người nông dân bị hao hụt về kinh tế. Bản thân TH cũng phải chịu gia tăng chi phí sản xuất”.
Để cải thiện tình hình này, tháng 12/2018, các đơn vị, bộ phận của công ty đề xuất mua thêm máy băm ngô. Thế nhưng, đối với anh Sơn, vai trò của Bộ phận Kỹ thuật Thiết bị là tối ưu hóa sản xuất chứ không chỉ sửa chữa, hỗ trợ vận hành máy móc. Vì vậy, anh mạnh dạn đề xuất: “Để chúng tôi chế tạo xem!”. Một tháng sau đó, máy băm ngô “made by TH” đầu tiên ra đời với công suất gấp đôi máy nhập khẩu từ nước ngoài.
“Sau nhiều lần cải tiến, hiện tại, công suất của máy gấp ba lần máy nhập khẩu, đạt tới 45 tấn/giờ và chúng tôi đã chế tạo được 8 chiếc như thế”, anh Sơn cho biết.
Anh Sơn áo xanh (ở giữa) cùng hai nhân viên kiểm tra thành quả thức ăn từ Dây chuyền băm Ngô tự động. |
Không chỉ được băm hay xay nhuyễn, cây ngô tươi còn cần được phối trộn thêm bột ngô để tăng hàm lượng dinh dưỡng, được phun men ủ chua để tạo thành món khoái khẩu cho bò.
Trước đây, các công đoạn ấy tách biệt, mỗi khâu sử dụng nhiều máy móc, chi phí vận hành tốn kém, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động khi con người phải vào khu vực máy móc hoạt động.
Nhóm anh Sơn đã giải quyết các vấn đề trên bằng việc tích hợp các chức năng lại với nhau, thành công khi chế tạo Dây chuyền băm Ngô tự động “3 trong 1” – giúp việc chế biến ngô ủ chua cho bò sữa trở nên nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí, độ chính xác cao và an toàn cho người lao động.
Giải bài toán “dai và... khó băm nhỏ như rơm Việt Nam”
Giữa năm 2019, trên đà thành công của Dây chuyền băm Ngô tự động, đội ngũ của anh Sơn tiếp tục bắt tay vào thực hiện máy băm rơm, trong bối cảnh cả 2 máy băm rơm nhập khẩu từ Mỹ đều hỏng liên tục do không phù hợp với thực tế Việt Nam.
Ở nước ngoài, rơm lúa mì giòn, dễ dàng bị bẻ gẫy. Nhưng ở rơm lúa nước rất dai, thậm chí còn có thể bện lại chắc như dây thừng. “Vì vậy mà 2 chiếc máy hiện đại, đắt đỏ, nhập khẩu thường xuyên bị tắc, hỏng, không cắt nhỏ được rơm Việt”, anh Sơn nói thêm.
Nếu như cơ chế của băm nhỏ ngô là búa đập (vừa nghiền nhỏ kích thước, vừa phải làm hạt ngô vỡ ra) thì cơ chế của băm rơm là dao cắt. Nhóm của anh Sơn nghiên cứu, tìm kiếm được một loạt lưỡi dao sắc bén có thể dễ dàng cắt loại rơm rất dai của đồng đất Việt. Tuy nhiên, khi vận hành thử nghiệm, vấn đề bắt đầu lộ ra: Rơm có lẫn dây buộc cứng, đất đá, khiến cho các lưỡi dao bị mẻ, gãy.
Làm việc tại TH - trong môi trường luôn tạo cơ hội và thúc đẩy sự sáng tạo, đội ngũ kỹ thuật của trang trại TH cuối cùng cũng tìm ra phương án giải quyết bất ngờ nhất: Kết hợp nguyên lý của băm ngô và băm rơm, vừa dùng búa đập, vừa dùng dao cắt.
“Sau cải tiến, dây chuyền băm Rơm tự động phiên bản 2 cho kết quả rất tuyệt. Cơ chế búa đập đánh bật vật liệu tạp chất lẫn trong rơm, dao cắt chỉ còn việc… cắt là xong”.
Dây chuyền băm Rơm tự động do anh Sơn sáng chế. |
Hiện tại, để chế tạo ra một dây chuyền như thế, nhóm của anh Sơn chỉ mất 12 ngày. Mọi công đoạn được phối hợp cẩn thận, chặt chẽ theo đúng bản thiết kế.
Dù sở hữu dàn máy móc thiết bị hàng đầu thế giới, trị giá hàng trăm tỷ đồng – những máy móc mà bất cứ trang trại hiện đại nào trên thế giới cũng mơ ước – TH vẫn luôn không ngừng sáng tạo để tối ưu hóa, sáng chế ra những hệ thống máy móc hoạt động vượt trội hơn cả những thiết bị nhập khẩu từ Mỹ hay Châu Âu. Dây chuyền băm Ngô và Rơm tự động chỉ là “sáng chế triệu đô” nổi bật trong số rất nhiều những máy móc mà những người TH đã cải tiến, sáng tạo trong suốt 10 năm qua, tất cả vì năng suất, chất lượng của dòng sữa tươi sạch TH true MILK.