Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi về xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Tiếp PV ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã cho hay; Sau sáp nhập xã, huyện cũng đã tạo điều kiện hổ trợ nhiều. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có trụ sở chính thức nên cán bộ sáng phải di chuyển từ trụ sở này, chiều sang trụ sở kia mỗi ngày làm việc, tiếp dân cũng thế.
Trước khi sát nhập, 2 xã có 40 cán bộ, bây giờ xã còn biên chế 22 người, với hơn 1.500 hộ, trên 5.500 nhân khẩu, nhu cầu giao dịch các loại giấy tờ, thủ tục của người dân tăng cao, có người làm gấp 2-3 lần lượng công việc so với trước đây. Tuy nhiên, để thuận tiện cho bà con, cán bộ xã vẫn phải làm việc tại trụ sở xã Văn Thủy (cũ) vào buổi sáng và trụ sở xã Trường Thủy (cũ) vào buổi chiều.
Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch xã Trường Thủy, 1 ngày phải làm việc 2 nơi khá bất tiện. |
“Sáp nhập về 1 đơn vị hành chính thì tất cả đều nằm một đầu mối, ngân sách cũng 1 đơn vị hành chính, nhưng làm việc thì có 2 trụ sở, mỗi cán bộ có 2 phòng làm việc. Rõ ràng từ công tác bảo vệ, điện nước, mạng internet… cũng phải lắp đặt song hành 2 nơi giống nhau. Hiện xã mong muốn tương lai gần sẽ có 1 trụ sở mới để đưa trụ sở hành chính vào đó, cả trạm y tế, lực lượng công an chính quy nữa, nhưng chưa có thì cán bộ làm việc song song hai địa điểm. Ví dụ như vừa rồi UBTVQH có đoàn giám sát về, nên xem có cơ chế đặc thù nào đó cho các xã mới sáp nhập…ông Tình tâm sự”
Để tránh lãng phí sau sáp nhập đơn vị hành chính, xã Trường Thủy trưng dụng cả 2 trụ sở để làm việc và để thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân ở từng khu vực. 2 trụ sở UBND này cách nhau hơn 3km, buổi sáng, cán bộ làm việc ở trụ sở này, buổi chiều lại di chuyển qua trụ sở khác.
Mỗi ngày làm việc, ông Đỗ Văn Tuận, cán bộ Tư pháp xã Trường Thủy mang theo gần 10kg sổ sách, giấy tờ liên quan mang từ trụ sở này sang trụ sở kia làm việc, đến trưa lại mang về, buổi chiều lại tiếp tục như vậy. Theo ông Tuận, vào mùa mưa lũ, việc mang tài liệu, giấy tờ quan trọng đi, về như vậy rất vất vả, chưa kể tài liệu quan trọng có thể bị ướt, hư hỏng…
“Sổ sách, tài liệu, giấy tờ vẫn để 2 nơi, ví dụ người dân tới giao dịch, chúng tôi tra cứu sổ sách và muốn giải quyết nhanh sau 3- 4 phút luôn cho người dân để họ có kết quả mang về, nhưng ngặt nỗi sổ sách lại để bên trụ sở kia, bởi đặc thù của Tư pháp là các loại sổ sách như khai sinh, khai tử, kết hôn các loại là phải lưu trữ lại 1 nơi, khi muốn giải quyết cho người dân thì phải chạy đi, chạy lại, bất cập là ở chỗ đó.”
Cán bộ xã tay xách, nách mang đi từ trụ sở này sang trụ sở khác để làm việc. |
Về xã Ngư Thủy cũng tương tự như xã Trường Thủy, chỉ khác là lãnh đạo xã thống nhất đưa ra phương án làm việc tại trụ sở xã Ngư Thủy Trung (cũ) vào các ngày thứ hai, tư, sáu và trụ sở xã Ngư Thủy Nam (cũ) vào ngày thứ ba, thứ năm.
Ông Nguyễn Hải Minh, cán bộ Văn phòng-Thống kê xã Ngư Thủy cho biết; Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, các loại giấy tờ pháp lý như chứng từ, đất đai… của hộ dân đều nằm tại các trụ sở UBND xã cũ. Cán bộ phải mất nhiều thời gian tìm kiếm xem hiện các giấy tờ đang nằm ở trụ sở nào rồi mới hẹn người dân qua ngày sau đến lấy, rất rườm rà và tốn công sức, thời gian. Cũng theo ông Minh, buổi sáng phải đi làm sớm để tới trụ sở này lấy hồ sơ, tài liệu, con dấu để sang trụ sở kia làm việc, hết ngày làm việc thì quay ngược lại để cất giữ.
“Theo quy chế công tác Văn thư-Lưu trữ thì bắt buộc con dấu sau khi thực hiện xong phải đưa về lại trụ sở cất giữ. Thực tế bây giờ phải mang con dấu đi 2 nơi, hết ngày phải mang con dấu về để lại trụ sở lúc sáng đã lấy, khóa kỹ sau đó mới được về nhà, thực tế cũng bất đắc dĩ mới phải làm thế.”
Gói cẩn thận các loại giấy tờ, con dấu đưa từ trụ sở xã này sang làm việc tại trụ sở xã khác. |
Chị Nguyễn Thị Loan, thôn Thượng Bắc, xã Ngư Thủy cho hay: Trước khi đến làm giấy tờ, thủ tục hành chính, chị phải gọi đến số điện thoại của cán bộ ở Bộ phận 1 cửa của xã để hỏi hôm nay làm việc tại trụ sở nào rồi mới đến. Vì nếu không gọi trước lại mất công, tới trụ sở không có cán bộ làm việc thì phải quay lại trụ sở kia khá bất tiện.
Việc sát nhập đơn vị hành chính cấp xã, 2 xã thành 1, có 2 trụ sở 2 nơi, cách nhau khá xa, cán bộ phải làm việc ở 2 địa điểm xen kẻ theo lịch nhằm phục vụ nhu cầu giao dịch của người dân. Chị Loan cho biết, nhiều lúc đang ở Ngư Thủy Trung (cũ) phải lặn lội đi quảng đường xa để đến Ngư Thủy Nam (cũ) để làm các thủ tục. Lỡ may quên hoặc thiếu các giấy tờ cần thiết thì phải chạy về nhà lấy, quảng đường xa đi lại cũng vất vả. Theo chị Loan, có hôm đến trụ sở này làm thủ tục thì cán bộ đi họp hết, chờ cả ngày không xong, hôm sau phải sang trụ sở bên kia mới gặp được cán bộ.
“Nếu như nhà mình đang ở đây mà chạy vào phía bên trụ sở kia thì xa hơn. Nếu như lúc trước có 1 trụ sở, nhà ở gần đây thì khá thuận tiện. Nhưng nay nếu cần làm giấy tờ gì phải chạy về xã bên kia thì xa hơn. Chẳng hạn mình đang cần giấy tờ gấp vào ngày thứ 2 nhưng ngày đó cán bộ làm việc ở trụ sở bên kia, thứ 3 mới làm ở bên này, thế thì phải chạy xa hơn để làm. Kể cả cán bộ hay nhân dân đều vất vả, thay đổi thì trước mắt có khó khăn hơn so với trước kia.”
Người dân cũng gặp nhiều khó khăn, khi đến làm các thủ tục giấy tờ tại các xã vừa sáp nhập. |
Trao đổi với PV, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Việc sát nhập các xã hiện nay theo phương án để đảm bảo thuận lợi và tốt nhất cho người dân, trước mắt cán bộ vẫn thực hiện phương án làm việc 2 nơi. Đồng thời UBND huyện cũng đã chủ động đề xuất việc xây dựng điểm trụ sở mới ở trung tâm trong chương trình kế hoạch đầu tư công của tỉnh rồi.
Tuy nhiên, các xã có thể nghiên cứu đưa các hoạt động hành chính về tại 1 điểm cố định, còn lại trụ sở kia có thể bố trí các ban ngành như quân sự, công an làm việc. Về phía huyện cũng phân bổ ngân sách có phần tăng thêm cho các xã sáp nhập nhiều hơn các xã khác, đặc biệt là trong các khoản chi thường xuyên nhằm hỗ trợ ban đầu.
Về việc dư thừa trụ sở sau sáp nhập, huyện đang xây dựng phương án trưng dụng trụ sở để bố trí cho các cơ quan trên địa bàn xã hoặc đề xuất tỉnh bán đấu giá tài sản công thu vào nguồn ngân sách tỉnh nhằm tránh lãng phí, ông Tình thông tin thêm.
Có thể khẳng định, mục tiêu thực hiện sáp nhập ĐVHC cấp xã có ý nghĩa rất quan trọng, vừa giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, vừa tạo điều kiện giúp các địa phương phát huy được những thế mạnh, tập trung được nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với quy hoạch phát triển chung.
Tuy nhiên, các địa phương cần xác định rõ giai đoạn sau sáp nhập sẽ còn nhiều việc phải làm. Vì vậy, rất cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như sự đồng thuận của người dân trong thực hiện mọi chủ trương, hoạt động, đồng thời các xã cũng cần xác định những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế để giải quyết những khó khăn sau sáp nhập đang gặp phải.
Đặc biệt là có giải pháp giải quyết những công trình hạ tầng dư thừa, cũng như quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó, hoạt động tại các đơn vị thực hiện sáp nhập sẻ có sự chuyển biến, tạo sự bứt phá trong lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương trong thời gian tới.