Chuyện lạ quanh vụ án oan của thái tử Lê Duy Vĩ

Phủ chúa khép tội cho Thái tử (Hình minh họa).
Phủ chúa khép tội cho Thái tử (Hình minh họa).
(PLO) -Năm Kỷ Sửu (1769) dưới triều vua Lê Hiển Tông xảy ra một vụ án bi thảm, điều kỳ lạ ở chỗ, nạn nhân trong vụ án oan này lại chính là Thái tử Lê Duy Vĩ, người trong tương lai sẽ trở thành Hoàng đế...
 

Thái tử Lê Duy Vĩ là con trưởng của vua Lê Hiển Tông, thân mẫu là bà phi Trần Thị Cân (có sách chép là Trần Thị Ngọc Câu), người làng Trâm, huyện Lôi Dương, trấn Thanh Hóa.

Thông minh, hiền đức mà mang họa

Trong số 30 hoàng tử của Lê Hiển Tông, Lê Duy Vĩ xuất sắc nhất, tài năng và đức độ khiến không chỉ người trong cung ngoài trấn biết đến mà ngay cả người đứng đầu ở phủ Chúa uy quyền cũng mến phục. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Giáp Thân, năm thứ 25 (1764)…Tháng giêng, mùa xuân. Lập con là Duy Vĩ làm hoàng thái tử. Duy Vĩ, con trưởng của nhà vua, sáng suốt, chăm học, Trịnh Doanh rất kính trọng. Đến nay lập làm thái tử”.

Thế nhưng sự nể phục, kính trọng ấy dành cho Thái tử lại chính là nguồn cơn dẫn đến vụ thảm án lớn nhất thời Lê Trung hưng, cũng sách trên cho biết: “Kỷ Sửu, năm thứ 30 (1769)… Tháng 3. Sâm truất ngôi hoàng thái tử Duy Vĩ, rồi bắt giam vào ngục.

Thái tử lúc còn nhỏ, thông minh, nhanh nhẹn, xem rộng sách Kinh, sách Sử, đối với sĩ phu rất lễ độ; thần dân không ai là không mến yêu thái độ, dung nghi. Trịnh Sâm lúc lớn lên làm thế tử, đối với thái tử, vẫn ghen ghét về địa vị tài năng. Kịp khi Sâm nối ngôi, bàn với hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Đĩnh định mưu truất bãi thái tử, nhưng không có lẽ gì buộc tội, bèn vu cho thái tử tư thông với người phủ thiếp của Trịnh Doanh, rồi đem tội trạng ấy tâu bày với nhà vua bắt thái tử giam vào ngục”.

Sách Hoàng Lê nhất thống chí cho hay: “Ngày hành hình, bầu trời tự nhiên tối tăm, giữa ban ngày mà chỉ cách nhau gang tấc cũng không trông rõ. Chừng hơn một khắc mới lại sáng sủa. Già, trẻ, trai, gái trong thiên hạ, không ai là không rơi nước mắt. Họ đều cho rằng đó là việc trái ngược nhất, bi thảm nhất từ xưa đến nay. Hôm ấy nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng (1771)”.

Bình luận về vụ án này, Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Một việc vô cùng thê thảm, đau đớn đến ngàn đời. Đọc sử đến đây làm cho lỗ mũi người ta phải chua xót! Việc này cùng với việc phá tường để bắt Phục Hậu cùng một cảnh đáng đau lòng. Lại đáng giận lúc ấy khanh tướng đầy triều đình, mà không một người nào dám nói, chỉ có Nguyễn Lệ vì liên can mới phải tự tiết mà thôi, như thế có thể trong triều lúc bấy giờ không có người nào ra gì cả. Đến cả Nguyễn Thị là mẹ Trịnh Sâm cũng không nói một lời để giải cứu, thế thì bụng dạ Nguyễn Thị ra thế nào? Thà rằng trước kia đừng phân biệt chỗ ngồi lại còn hơn”.

Người đời cũng cảm thông mà đặt ra câu phong dao than thở nỗi vô tội của Thái tử:

Thế gian đồn trá cho mình,

Oan ơi hỡi ức, vốn tình mình không!.

Biết trước tai họa và những điềm báo khác thường

Theo sử, dường như Thái tử Lê Duy Vĩ biết trước sẽ gặp nạn: “Trước đây giếng núi Tam Sơn ở sau cung điện bỗng có tiếng vang như sấm. Thái tử tin thuật số, biết là tất sẽ bị nạn, nói để vua biết. Vua cũng làm lễ cầu đảo cho Thái tử thoát nạn. Lúc bấy giờ Đĩnh đến, Thái tử biết tai họa đã xảy ra” (Đại Việt sử ký tục biên).

Sách Hoàng Lê nhất thống chí thì viết, trước điềm lạ ấy, “Thái tử dùng thuật số để bói, biết mình sắp gặp nạn”.

Hai tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án trong Tang thương ngẫu lục cũng nhắc đến một chuyện lạ khác: “Con gái yêu của bà Chính phi chúa Minh vương là Tiên quận chúa đã đính hôn với Hoành thái tử Duy Vĩ. Chưa thành hôn thì tạ thế. Sau khi khâm liệm, truy phong làm Hoàng thái tử phi. Lễ thành phục làm ở dinh bà Liêu công phu nhân là bảo mẫu của quận chúa.

Trước một ngày, Thái tử túc trực ở nhà tang, chiêm bao thấy một người áo vàng dẫn vào vương phủ có kẻ hầu người hạ, sang trọng gấp mười lần ngày thường. Thái tử cùng Quận chúa ngồi uống trà, nhà bếp dọn một mâm cỗ, đàn sáo nổi lên ríu rít. Ăn xong trò chuyện một lúc rồi Quận chúa sai buông màn cùng nhau âu yếm. Trong khi nằm trên gối, Quận chúa bảo với Thái tử:

- Thiếp chịu mệnh Thượng đế xuống trần cùng điện hạ kết mối duyên nợ kiếp xưa. Mới đây, vì bà phi mẫu của thiếp đức mỏng, nên thiếp phải về, không được để hầu khăn túi cho trọn vẹn. Nhưng cái ngày sum họp sau đây cũng chẳng xa xôi là mấy, xin đừng nên bận nghĩ đến thiếp cho lắm!

Huyền ảo giấc mộng Thái tử gặp Quận chúa Tiên Dung (Tranh minh họa).

Huyền ảo giấc mộng Thái tử gặp Quận chúa Tiên Dung (Tranh minh họa).

Lúc Thái tử tỉnh dậy, hơi rượu chưa phai, hương thừa vẫn còn ngan ngát ở áo, bèn gọi bà bảo mẫu nói chuyện cho nghe. Trông phong nghi, phục sức của Quận chúa trong giấc chiêm bao, y như ngày thường, không khác gì cả. Không bao lâu sau, Thái tử phải nạn”.

Sử sách còn cho biết, sau khi bức hại Thái tử, Trịnh Sâm còn ra lệnh bắt cả vợ con của Lê Duy Vĩ nhốt vào ngục. Thế nhưng theo sách Đại Việt sử ký tục biên thì, trước đấy vợ con ông đã trốn thoát, sau đó mới bị truy đuổi, bắt lại: “Dã sử chép rằng lúc Thái tử Vĩ bị bắt, trong cung có một người đàn bà cùng đứa ở gái bế 3 đứa con trai nhỏ ra cửa Tây, đi ngay ban đêm, đến ngủ trọ ở nhà dân tại xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Người nhà ấy đêm trước mộng thấy có một người bảo rằng: - Nên quét dọn nhà cửa, Thiên tử và Thái hậu sẽ đến.

Thức dậy, lấy làm lạ. Ngày hôm sau đợi trông ở cổng, đến chiều thấy một người đàn bà cùng đứa ở gái bế 3 đứa con trai, trông cửa đi vào xin ngủ nhờ, chủ nhà bèn đón vào mời ngồi lên chiếu trên, lại nói chuyện mình nằm mộng như thế. Người đàn bà ấy nói rằng: - Chuyện chiêm bao sao có thể tin được, chớ nói bậy sẽ bị giết không cứu được.

Sáng hôm sau cáo từ ra đi. Rồi thì quan quân tiến đến trấn Sơn Tây bắt được họ đem về kinh sư giam cầm. Ba người con trai ấy tức là Khiêm, Tụ, Kỳ. Khiêm về sau là vua Chiêu Thống”.

Trong sách Hoàng Lê nhất thống chí cũng viết về câu chuyện như trên nhưng nội dung chi tiết, rõ ràng hơn.

Chuyện luân hồi quả báo ở phủ Chúa

Người tin vào luật nhân quả của nhà Phật cho rằng, vì chúa Trịnh Sâm giết oan Thái tử Lê Duy Vĩ mà sau này đã phải chịu báo ứng. Hoàng Lê nhất thống chí chép:

“Sau khi giết Thái tử, Thịnh vương có chí thống nhất đất nước, định bắt cả ba con của thái tử giam vào một nơi. Một hôm, chúa tắm gội, ăn chay rồi ngự ra hồ Tây để cầu thần báo mộng. Đang đi, chợt thấy trước mặt có một cái kiệu, trên có một người ngồi chĩnh chện, nhìn kỹ té ra đó là Thái tử Vĩ.

Chúa truyền hỏi quân lính xem có ai thấy xe kiệu gì không, quân lính đều nói không thấy. Chúa lo lắm, liền sai quay ngay về cung. Đêm ấy, chúa đang nằm trong màn, bỗng thấy một người đầu đội khăn hồng, mình vận áo đỏ, tay cầm một chiếc mái chèo, vạch màn ra rồi đứng ở đầu giường trừng mắt nhìn mình. Chúa vội hỏi ai thì người ấy đáp rằng: - Ta là Duy Vĩ đây! Chúa cả sợ, bấy giờ mới biết đó là linh hồn của Thái tử Vĩ”.

Bảy năm sau vụ thảm án, chúa Trịnh Sâm có thêm một người con nữa, truyền rằng đó chính là kiếp sau của Thái tử Lê Duy Vĩ trở lại báo oán, phá đổ cơ đồ họ Trịnh. Sách Lê quý kỷ sự viết: “Đinh Dậu, năm Lê Cảnh Hưng thứ 38 (1777), Trịnh Tĩnh vương sinh con là Cán.

Sách Việt Nam phong sử chép: “Trịnh Sâm đã hại thái tử, về sau lại sinh ra Trịnh Cán. Trịnh Cán có dáng mạo giống in như thái tử Lê Duy Vĩ lúc ngồi thường lắc đầu, được Trịnh Sâm cưng lắm. Mẹ của Trịnh Cán là Tuyên phi Đặng Thị Huệ phế Khải lập Cán lên ngôi chúa, đúng là đôn đốc việc sớm suy vong của họ Trịnh đấy”.

Cũng trong sách này khi bình về câu “Dẫu xây chín bậc phù đồ/Chi bằng làm phúc cứu cho một người” đã viết như sau: “Phù đồ, tháp của tăng đồ ở chùa Phật. Một người, chỉ thái tử Lê Duy Vĩ. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, Thái tử Duy Vĩ bị chúa Trịnh Sâm vu cáo và thắt cổ giết chết.

Tượng hai chúa Trịnh Sâm, Trịnh Cán tại Trịnh phủ- huyện Thanh Oai, Hà Nội (Hình minh họa).

Tượng hai chúa Trịnh Sâm, Trịnh Cán tại Trịnh phủ- huyện Thanh Oai, Hà Nội (Hình minh họa).

Về sau hồn của Lê Duy Vĩ linh thiêng. Chúa Trịnh Sâm ở trong phủ thấy thái tử ở trong cửa phủ. Có khi chúa Trịnh Sâm đi ra ngoài thì thấy thái tử ở bên cầu hay ở trên thành. Chúa Trịnh Sâm lo hàng trăm cách yểm trừ mà không ngắn dứt được. Một hôm, chúa Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ cùng ngồi thuyền dạo chơi ở Hồ Tây, thấy thái tử hiện lên ở mặt nước trước mũi thuyền. Chúa lấy súng bắn thì thái tử biến mất, một lát lại thấy thái tử hiện ra nữa.

Khi Đặng Thị Huệ có thai và sinh ra Trịnh Cán, có người bảo dáng mạo của Trịnh Cán giống hệt như của thái tử. Về sau Trịnh Cán đau, chỉ nhắm mắt gãi đầu và lắc đầu giống như trạng thái của người bị thắt cổ vậy. Chúa Trịnh Sâm sai người đi cầu thầy ở khắp bốn phương chữa trị mấy năm cũng không hiệu nghiệm.”

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.