Họ nói đền Sau thiêng đến mức, hễ ai có công to việc lớn gì chỉ cần thành tâm khấn vái thì đều sẽ được như nguyện. Trái lại, cánh trộm cắp, kẻ tham lam hễ có ý định xấu, khi ghé đền đều sẽ nhận được sự trừng phạt thích đáng để từ đó mà phải bỏ ý định tơ hào.
Chưa hết, cư dân quanh ngôi đền này hiện vẫn đang lưu truyền lệ tục kiêng cữ kỳ lạ. Họ kiêng ăn thịt chó. Trong suốt những tháng “ăn kiêng” ấn định, hễ ai phạm tục cấm sẽ đều vướng phải điều trắc trở, không may trong cuộc sống...
Lời nguyền của tục cấm
Ở Thượng Nông dân bản địa kiêng thịt chó với tấm lòng biết ơn con vật đã “thế thân” thay cho vị thần đang thờ tự trong đền. Nhiều người dân Thượng Nông kể, thuở xưa khi đất đai nơi đây còn rậm rạp, um tùm, có một người phụ nữ ngang qua làng rồi gục chết. Mối ngay lập tức đùn lên thân xác người đàn bà đó, chỉ chừa mỗi đôi chân. Lạ ở chỗ, từ rừng rậm có hai con hổ quẩn quanh nơi gò mối có chứa xác người đàn bà không rời.
Thấy điềm lạ, hơn nữa dân trong làng trước đó cũng được mộng báo nên muốn lập đền thờ phụng cầu an. Nhưng vì hai con hổ cứ chầu bên tổ mối ấy nên việc lập đền, thờ phụng không thể tiến hành. Giữa lúc ấy, dân làng được mộng báo rằng, muốn thờ phụng phải “làm lén” khi hai “hộ pháp” không nhìn thấy.
Họ lập tức nghĩ ra cách dùng hai chú chó đen để “thế chỗ”. Quả nhiên hổ đã quắp hai chú chó đi để dân làng lập đền thờ. Từ đận ấy, người trong làng làm ăn bắt đầu khấm khá, cuộc sống no ấm hơn tất thảy các vùng khác. Để nhớ ơn sự thế thân của hai chú chó, dân trong làng truyền nhau kiêng cữ ăn thịt loài vật này.
Bức phù điêu "ông Hổ" ở đến Sau |
Ấy là gốc tích, dị bản của việc lập nên đền Sau và căn cớ cho chuyện kiêng ăn thịt chó ở Thượng Nông. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu từ phía dân bản địa, thu hút sự chú ý của người viết hơn cả là sự quở phạt tâm linh dành cho người làng nếu cố ý phạm tục cấm.
Theo lời dân làng kể, nếu dân trong vùng cố “vượt rào” vào thời điểm “ăn kiêng”, nghĩa là trong khoảng thời gian từ đầu tháng Chạp đến hết ngày 17/2 thì sẽ bị Thánh quở phạt. Nặng thì người bị “hành” cho đau ốm, bệnh tật, nhẹ hơn thì trúng gió, tai ương.
Một người dân lấy ví dụ minh chứng: “Như ông Bình, người xóm này hiện làm bên Hợp tác xã ấy. Ông ấy ăn thịt chó trong quán rượu rồi có người trong quán nhậu gây gổ, họ chém nhầm vào ông ấy. Người trong làng đều cho rằng do ăn thịt chó vào tháng kiêng cữ nên mới bị vậy”.
Để xác thực và khách quan hơn câu chuyện, chúng tôi đã tìm gặp anh Phạm Văn B (40 tuổi), một người cũng từng “gánh nạn” vì phạm lệ tục. Nghe kể, trước đây anh B khá “nổi tiếng” vì cái tính ngông nghênh, lại thêm việc công tác trong ngành liên quan đến giáo dục nên bản thân chưa khi nào tin vào những chuyện tâm linh.
Cuối tháng 11 (âm lịch) năm 2014, trong một chầu mải vui với bạn, nghĩ sẽ chẳng vấn đề gì nếu chỉ ăn một miếng thịt chó, anh B phá kiêng cữ. Đáng nói, khi tàn cuộc vui tối hôm đó, anh B về nhà bỗng dưng ngã vật ra ghế.
Thấy anh B có nhiều biểu hiện đau đớn, gia đình vội vã đưa đi khám. Sau khi chẩn đoán, bác sỹ kết luận anh B bị dập một bên lá lách vì cú ngã quá nghiêm trọng. Khi biết chuyện anh B ăn thịt chó trong kỳ cả làng “cữ kiêng”, gia đình anh vội vã đem lễ ra đền xin.
“Có thể chỉ là trùng hợp nhưng nghe nhiều người kể nên từ đận đó đến nay tôi cũng sợ, cũng kiêng rồi. Nói đến chuyện ăn thịt chó thôi là đã thấy hoảng” - anh Phạm Văn B hãi hùng nói.
Xác thực với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Liễn, Trưởng ban mặt trận kiêm Thủ từ đền Sau cũng cho biết, chuyện kiêng ăn thịt chó trong vùng và “gặp vạ” khi cố ý vi phạm là hoàn thoàn có thật. Ông Liễn quả quyết: “Thực tế ở đây rất nhiều người đã “dính” rồi. Ngay giáp nhà tôi đây có ông bộ đội về nghiêm chỉnh lắm.
Ông ấy chẳng khi nào xem và tin mấy cái lệ ở làng. Ở tháng kiêng cữ ông ấy thịt chó ăn. Thế rồi, năm ấy con ông dính bệnh rồi chết. Có thể do trùng hợp nhưng lạ là nó trùng hợp rất nhiều. Ở trong làng có thể tìm được rất nhiều ví dụ tương tự như vậy. Các cụ năm nay 90 tuổi cứ hỏi chuyện thì ai cũng biết hết”.
Lạ kỳ cúng thịt chó “vượt rào”
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông thủ từ Liễn đề cập nhiều hơn đến những chuyện “xin con”, “tìm của” nhờ đền Sau mà bản thân suốt gần 20 năm trên cương vị quản lý đã chứng kiến.
Theo ông Nguyễn Thanh Liễn, cá nhân ông là người trước sau không tin những chuyện duy tâm. Thế nhưng, bản thân ông đã từng gặp, chứng kiến nhiều sự linh ứng đến mức kỳ lạ của ngôi đền.
ông thủ từ Liễn đã chứng kiến chuyện “xin con”, “tìm của” nhờ đền Sau |
Ví dụ như chuyện nhiều phụ nữ từng bị coi là “gái độc” do suốt chục năm cố gắng vẫn không có mụn con nào. Ấy nhưng, khi họ đến đền khấn vái thì lập tức được “ứng tâm”. Ông Liễn thuật lại:
“Có trường hợp ở Thái Bình đi cầu con, họ đến đền Hùng thì người ta mách đến đây xin. Năm trước, năm sau người này đã lên đây báo tin vui. Hay như một trường hợp tôi thấy ngay đây thôi, ông Khánh Liên, là một Đại tá về hưu có cô con dâu 13 năm không đẻ được. Cô này đi xin con khắp nơi, đền lớn chùa nhỏ đều ghé cả. Cô ấy đến đây xin, cô cầu con tháng trước thì tháng sau thì có”.
Kể sâu về chuyện “đòi của” của đền Sau, ông thủ từ cho biết, cách đây ít lâu một phụ nữ ở Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), tìm đến đền. Cô này bị trộm lấy mất 600 triệu giấu trong tủ áo. Sau khi khấn lễ ở đền Sau thì ngay sớm hôm sau người ta đã vứt bỏ lại hai gói tiền trước cửa.
Chưa kịp dứt câu chuyện, dường như thấy trên nét mặt chúng tôi thoảng ngờ vực, ông Nguyễn Thanh Liễn quả quyết: “Chính cái ông công đức ở đây, trong họ nhà tôi là cái trường hợp tôi rất nhớ. Chẳng là hai bố con làm trong Thanh Hóa, đi xe máy. Ông ấy tên là Nguyễn Quang Thuyên, kỹ sư xây dựng. Ông ấy mất chiếc xe máy. Ông vội lên đây làm lễ báo mất xe, giải hạn. Ông ấy làm lễ hôm nay thì sớm mai đã thấy thằng trộm nó dắt lại chiếc xe bỏ ở cửa”.
Bên lề những câu chuyện trên, đến nay nhiều người trong vùng vẫn còn nhắc đến việc “Thánh mẫu” trong đền quở phạt những kẻ ác tâm, tham lam. Chuyện rằng: Khoảng tháng 4/2014, có hai người đàn ông đi xe đạp lùng mua mây ở Thượng Nông. Quá trưa, thấy ngôi đền vắng lại sạch sẽ nên họ quyết định ghé chân vào nghỉ. Chuyện tưởng chừng có vậy, nhưng khi quyết định tiếp tục lên đường thì một người trong số họ bỗng trúng gió, ngã vật ra đất, tay chân run rẩy đến mức không nói được.
Chứng kiến cảnh ấy, người trong làng vội tra hỏi thì người này thú nhận trót hám của nên lấy trộm tiền trong đền. “Chuyện này người chứng kiến là cụ Ngoạn và cái ông nhà giáp cổng đền là ông Hồng. Sau khi truy hỏi, các ông ấy (người đi mua mây – PV) khai rằng thấy đền vắng nên vào làm lễ.
Họ đặt 5.000 đồng, rồi lấy trộm 20.000 đồng tiền lễ thờ trước đó. Họ định đi nhưng cứ rũ ra, toát mồ hôi, dính gió, không nói được... ông Hồng biết đền thiêng nên khuyên họ nên nhờ cụ Ngoạn làm lễ. Lễ xong đâu đấy thì họ khỏi, họ sợ lắm. Cũng từ đận ấy, người trong làng chẳng thấy họ bén mảng lên đây nữa” – một người trong làng thuật lại.
Tạm gác lại những chuyện tâm linh khó lý giải mà người làng và ông thủ từ Nguyễn Thanh Liễn kể. Ở ngay tại đền Sau, theo tìm hiểu riêng của người viết, nghi thức cúng bái cũng được xếp vào “top” kỳ lạ có một không hai.
Dù cả vùng “ở cữ” kiêng thịt chó nhưng vào một ngày duy nhất trong năm, khoảng sáng sớm 17/2 âm lịch thịt chó sẽ được dâng cúng ngay tại đền. Người ở Thượng Nông gọi vui đây là ngày hội “cúng trộm” hay “cúng vượt tường”.
Theo đó, thịt chó khi cung tiến sẽ được người làng “pha” sẵn ra làm hai nửa. Khác với những lễ vật cúng bái thông thường như hoa quả, xôi, gà... được “rước” chính diện theo cửa lớn vào đền nhưng riêng thịt chó sẽ được đưa ra phía sau bức tường ngăn của đền với bên ngoài, nơi tiếp giáp gần hai “ông hổ” để cúng bái. Sở dĩ phải “cúng trộm” bên mé đền như vậy vì dân làng tưởng nhớ sự tích nhờ loài chó “thế thân” nên mới lừa được hổ đi để lập đền.
Đi tìm lời giải ngôi đền cổ
Trước những câu chuyện tâm linh khó lý giải ở đền Sau, chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Văn Hòa, Cán bộ phụ trách văn hóa xã Thượng Nông. Theo ông Hòa, chuyện người phụ nữ bị mối đùn và lý giải vì sao kiêng ăn thịt chó trong vùng thời điểm tháng 11 âm lịch đề cập trước đó không hoàn toàn chính xác. Hay nói cách khác, ngoài dị bản mà người dân truyền miệng ấy, thần tích lập đền được ghi rất rõ trong cuốn hương ước ở Thượng Nông.
Lễ hội đền Sau |
Theo đó, di tích đền Sau thuộc khu 6, là đền thờ Đức thánh mẫu Chinh Nương, hiệu là Long Cung Thành Hoàng Trinh Thục Phu Nhân, húy là Ma Thị Chinh. Tương truyền, khi Ngài mới được sinh ra ở núi Tản Viên, thì có hai con hổ đứng chầu trước cửa hang. Khi Ngài hóa và mối đùn lên ở Thượng Nông vào ngày 17/2 thì cũng có hai con hổ đứng chầu.
Ngài là người có công khai hoang, lập làng và dạy bảo người dân trong vùng cách làm ruộng, cấy lúa nước, trồng dâu, chăn tằm, trồng bông, kéo sợi dệt vải. Và hơn hết, Ngài là người đã nuôi dạy 5 người con trở thành tướng tài giúp vua Hùng đánh giặc Thục cứu dân.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hòa, trong khuôn viên đền Sau hiện đã và đang lưu giữ một “báu vật” cổ không nơi đâu có. Đó là hai cây đại có tuổi đời lên tới 700 năm. “Cây đại đền Hùng 500 năm thì cây đại này cũng phải được 700 năm. Quanh đền, quanh năm được cây ôm phủ, tỏa hoa hương ngát thơm khắp một vùng” - ông Hòa khẳng định.
Nói sâu hơn về lệ tục có một không hai ở Thượng Nông, ông Hòa bộc bạch: “Từ ngày có tục kiêng, tôi sống đến hơn 60 năm đã thấy. Hàng năm kiêng từ tháng chạp đến hết 17/2 mới được ăn. Riêng khu vực ấy không ai ăn thịt chó. Nếu như, đình làng cũng từng đôi bận mất tiền thì đền này đến nay vẫn chưa thấy có sự vụ mất cắp nào”.
Bên lề câu chuyện, ông Hòa cũng cho biết, chuyện đền “giữ của”, “xin con” hay trừng phạt những ai phạm lệ cấm ít nhiều đã và đang tồn tại trong dư luận địa phương. Không chỉ vậy, chuyện còn được minh chứng qua việc một số gia đình lấn chiếm đất của đền để làm nhà ít nhiều đều gặp tai ương xảy đến. Thậm chí, chủ nhà không thể tiếp tục sống trên mảnh đất đó, phải xin hiến đất, công đức lại cho đền.
Tuy nhiên, xuyên suốt câu chuyện ông Hòa, ông Liễn đều cho rằng những tai ương, sự kỳ quái xảy đến với các trường hợp “phạm” đền đều rất khó kiểm nghiệm. Thế nhưng, nếu xét trên khía cạnh nhìn nhận tích cực thì lệ tục kiêng ăn thịt chó trong vùng mang một ý nghĩa tượng trưng đẹp, tỏ rõ lòng biết ơn của hậu thế với tiền nhân.
Hơn nữa, những chuyện ma mị quở phạt quanh đền cũng ít nhiều giúp tình hình an ninh trật tự tại địa phương ổn định. Hiện đền Sau là điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh hữu ích của cộng đồng dân cư Thượng Nông.../.