Chuyên gia Nga tích cực làm việc
Trao đổi với PLVN, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý - Bảo trì đường bộ (Bộ GTVT) cho biết, sáng 18/9, một chuyên gia Nga đã có mặt ở Việt Nam theo lời mời của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) để nghiên cứu hư hỏng mặt cầu Thăng Long. Chuyên gia này là người có chuyên môn giỏi về kỹ thuật cầu đường; có kinh nghiệm trong việc sửa chữa cầu. Sau khi được phía Việt Nam mời sang, vị này rất khẩn trương và chuyên nghiệp trong công việc. Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, ông không về khách sạn ngay mà mang theo hành lý đến luôn cầu Thăng Long, cách sân bay khoảng 20km để quan sát mặt cầu hư hỏng.
Theo lãnh đạo Vụ Quản lý – Bảo trì đường bộ, chuyên gia Nga sẽ thị sát, nghiên cứu thực tế nhiều lần cùng với đoàn của Việt Nam. Bước đầu, chuyên gia Nga sẽ kiểm tra, ghi chép, chụp ảnh tại những chỗ mặt cầu bị hư hỏng; đồng thời xem thiết kế mặt cầu, từ đó nghiên cứu đưa ra biện pháp xử lý tốt nhất.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý - Bảo trì đường bộ, sau khi chuyên gia Nga đưa ra hướng xử lý thì cần thêm một thời gian mới có thể sửa chữa vì thủ tục về xây dựng cơ bản khá phức tạp. Ngoài ra còn liên quan đến thu xếp vốn, chủ trương đầu tư… Dự kiến, chuyên gia Nga sẽ làm việc tại Việt Nam đến hết ngày 21/9. Ngoài việc khảo sát, nghiên cứu mặt cầu thì chuyên gia Nga sẽ làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và lãnh đạo Bộ GTVT.
Chuyên gia Việt Nam góp ý
TS. Nguyễn Văn Nhân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam nói với PLVN, về lý thuyết vẫn có thể sửa mặt cầu Thăng Long đảm bảo chất lượng như ban đầu. Tuy nhiên, với cây cầu đã sử dụng hơn 30 năm, để thực hiện việc sửa này cần thời gian và công nghệ. Theo ông Nhân, phải sửa cầu một cách toàn diện chứ không phải chỉ sửa mặt cầu. Cầu đã sử dụng trên 30 năm nên kết cấu bên trong cầu có thể đã có những chỗ biến dạng, hỏng. Do đó, trước khi sửa mặt cầu thì cần sửa kết cấu phía dưới.
TS. Nhân phân tích thêm, nên gia cố lại những kết cấu đã yếu; sau đó thay lại toàn bộ lớp bê tông cũ rồi mới đổ phần mặt đường nhựa. Theo ông, những lần sửa cầu Thăng Long trước đây chưa được thực hiện một cách toàn diện, chỉ là sửa theo cách chắp vá. “Trước đây chỉ là sửa, giờ thì phải thay. Phải làm toàn diện, công phu và bài bản thì mặt cầu mới không bị hư hỏng như bây giờ”, TS. Nhân nói và cho biết thêm, trong quá trình sửa cầu thì các phương tiện không nên lưu thông để đảm bảo chất lượng công trình.
Trước đó, tại cuộc họp bàn phương án sửa chữa, xử lý mặt cầu Thăng Long được Bộ GTVT tổ chức, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, cầu Thăng Long đã có tuổi thọ trên 30 năm, là biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội và cả nước.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trước đây đã có nhiều đợt sửa chữa mặt cầu này nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng, dẫn đến hiện nay bị hư hỏng. Để cầu tiếp tục được sử dụng lâu dài và chất lượng thì cần có những giải pháp căn cơ, nếu không việc hư hỏng của cầu sẽ vẫn tiếp diễn. Do đó, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, giải pháp sửa chữa lần này phải bền vững, ít nhất sử dụng tiếp được 10 năm. “Những giải pháp đề xuất phải đảm bảo được mục tiêu này mới được xem xét, các đề xuất mang tính chất thử nghiệm sẽ không thực hiện. Các giải pháp không đáp ứng được yêu cầu trên, các đơn vị tham gia phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Năm 2009, cầu Thăng Long trải qua cuộc đại tu đầu tiên do mặt cầu cũ có nhiều điểm hư hỏng, chi phí gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đợt đại tu này, lớp bê tông nhựa mới trải nhanh chóng bị trượt xô, hư hỏng. Mặt cầu Thăng Long trải qua nhiều đợt tu sửa nữa nhưng đến nay vẫn bị lún, nứt. Theo kết quả kiểm tra, mặt cầu đang bị rạn nứt khoảng 8.736m2, hằn lún nhỏ hơn 2,5cm khoảng 1.290m2, hằn lún từ 2,5 đến 7cm khoảng 576m2. Vạch sơn mòn, sơn tim đường bị mặt đường trồi, lún gây biến dạng. Có 4 khe co giãn cầu bị hư hỏng và phải đậy tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông.