Chuyên gia giáo dục nói gì trước tình trạng điểm đỗ sư phạm 'chạm đáy'?

Sư phạm “rớt” giá hay hình ảnh về người thầy đã khác? (Ảnh minh họa)
Sư phạm “rớt” giá hay hình ảnh về người thầy đã khác? (Ảnh minh họa)
(PLO) - “Chúng ta đang nhìn thấy hạn chế của chính sách đầu tư, tuyển dụng, chế độ đãi ngộ của ngành Sư phạm nhưng chúng ta phải hiểu rằng, khắc phục cần có thời gian. Ngày trước, khi ngành Sư phạm còn giữ chế độ ưu đãi phân công việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên, điểm trúng tuyển vào ngành luôn ở mức cao”, người đứng đầu ngành Giáo dục Đào tạo nói.

Trong 7 trường ĐH sư phạm được Bộ GD&ĐT “đặt hàng” xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên mới, phục vụ cho công cuộc cải cách giáo dục chỉ có hai trường là ĐH Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP HCM có điểm chuẩn 2017 tạm ổn (có ngành lấy 27,75 điểm) còn lại chỉ từ điểm sàn hoặc nhích hơn một chút. 

Với 9 điểm cho 3 môn thi, các “thầy cô” tương lai sẽ dạy gì cho con em chúng ta? Đây là những câu hỏi nhức nhối đang được đặt ra…

Thấp đến… đáy

Năm nay, đề thi được đánh giá là dễ cùng với thi trắc nghiệm, thí sinh đạt được 15,5 điểm không phải là quá khó với những bạn học lực trung bình. Đặc biệt, so với bức tranh điểm chuẩn năm 2017, trong khi nhiều ngành đào tạo có điểm đầu vào tới 29, 30 điểm vẫn trượt, thì ngành Sư phạm, đặc biệt là các trường ở địa phương có điểm chuẩn thấp kỷ lục, thậm chí thí sinh chỉ cần đạt 9 điểm/3 môn cũng đỗ.

Ngành Sư phạm “rớt thảm”, Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm nay họp khẩn

Trước tình trạng “rớt giá” của ngành sư phạm, theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay sáng nay ngày 16/8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ triệu tập lãnh đạo các vụ, cục liên quan như Vụ Giáo dục Đại học, và hiệu trưởng tất cả các trường sư phạm. Cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp để đưa sư phạm ra khỏi tình trạng “ế ẩm” hiện nay.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Xu hướng quy hoạch là Bộ sẽ hình thành hệ thống trường sư phạm gọn nhẹ, tập trung vào chất lượng. Cụ thể, sẽ có các trường sư phạm chính, trọng điểm. Các trường địa phương có thể trở thành trường vệ tinh. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 14 trường đại học sư phạm, 58 trường có đào tạo sư phạm và 33 trường sư phạm chuyên ngành. Trong đó, riêng 14 trường đại học sư phạm đã có quy mô trên 151.000 sinh viên.

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT đang gấp rút chuẩn bị đưa chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đi vào thực tế, dự kiến từ năm 2018, mở đầu bằng việc soạn thảo, ban hành chương trình SGK mới.

Như vậy, chỉ 3-4 năm nữa, những lứa sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm, mà điểm chuẩn vào trường chỉ bằng điểm sàn, hay 9 điểm/3 môn, có đủ sức “gánh” được những gì mà mục tiêu đổi mới đưa ra? Tương lai đất nước sẽ đi về đâu trong thời đại khoa học kỹ thuật 4.0, khi mà sư phạm vẫn là nghề của những “chuột chạy cùng sào”, những câu hỏi được dư luận đặt ra hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016-2017 với giáo dục đại học diễn ra mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng xã hội cần nhìn nhận, đánh giá một cách bình tĩnh, thấu đáo các vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục thời gian qua, trong đó có vấn đề “điểm chuẩn nhiều trường sư phạm thấp thảm hại, 9 điểm/3 môn cũng có thể đỗ”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ngành Sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành Công an, Quân đội. Phát ngôn này của Bộ trưởng Nhạ đang nhận những ý kiến trái chiều. 

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã phải thốt lên: “Điểm chuẩn các trường sư phạm thấp chỉ bằng điểm sàn của Bộ đó là một thảm hại. Mọi sự thành công của nền giáo dục của một quốc gia phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải giỏi thì chất lượng giáo dục của quốc gia ấy mới tốt được.

Vẫn là tâm lý “ổn định công việc”

Lý giải nguyên nhân khiến ngày càng có ít học sinh có học lực giỏi và xuất sắc ở bậc THPT “đầu quân” vào ngành Sư phạm, đa phần các ý kiến đều cho rằng, do cơ chế tuyển dụng vào ngành Sư phạm hiện nay khá cứng nhắc và tồn tại nhiều tiêu cực. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ: “Chúng ta đang nhìn thấy hạn chế của chính sách đầu tư, tuyển dụng, chế độ đãi ngộ của ngành Sư phạm nhưng chúng ta phải hiểu rằng, khắc phục cần có thời gian. Ngày trước, khi ngành Sư phạm còn giữ chế độ ưu đãi phân công việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên, điểm trúng tuyển vào ngành luôn ở mức cao”.

Có thể thấy, sư phạm hết ưu đãi thì không thu hút được thí sinh. Ngành Quân đội và Công an với nhiều hỗ trợ cho sinh viên suốt quá trình học tập và công tác sau này nên có quyền tuyển những sinh viên có tổng điểm trên 30, với 3 môn thi. Như vậy, luật cung cầu đang thể hiện vai trò của nó với mọi lĩnh vực xã hội Việt Nam.

Tâm lý số đông “có việc làm ổn định” đang thắng thế xu hướng có một nghề vững chắc để khẳng định mình. Ngành nghề nào có tính bao cấp càng cao thì càng có nhiều thí sinh đăng ký dự tuyển. Ngược lại, ngành nghề nào đòi hỏi sự vận động bản thân càng lớn, ngành đó sẽ rất khó khăn để tuyển đủ sinh viên.

GS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ ra 4 bất cập trong đào tạo sư phạm hiện nay, đó là chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu; hệ thống các trường sư phạm đang tồn tại rất nhiều trình độ đào tạo; nguồn lực tài chính đầu tư cho sinh viên sư phạm vẫn hạn hẹp; bất cập trong phân bổ đội ngũ dẫn đến tình trạng thừa-thiếu nhiều nơi.

Từ thực tế đó, GS. Nguyễn Văn Minh cho rằng, trước hết phải quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm. Khi quy hoạch, cần phải có định hướng rõ ràng, phân định rõ trường trung tâm, phân hiệu và cơ sở đào tạo vệ tinh. Có như thế mới phân công được nhiệm vụ nơi nào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi nào đào tạo theo nhu cầu, nơi nào nơi đào tạo bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nói: Điểm trúng tuyển ngành này ở mức 12,75 hay 15,5 là dấu hiệu cho thấy cuộc cải cách giáo dục toàn diện sẽ thất bại. Do đó, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh cho rằng thay vì kêu gọi bình tĩnh, Bộ nên chấn chỉnh để năm sau không xảy ra tình trạng tương tự như năm nay.

Ông đề xuất trường sư phạm phải lấy điểm cao, có mức sàn riêng. Ngành này đào tạo người phục vụ hệ thống giáo dục, dạy dỗ để người khác đạt trình độ giáo dục phổ thông thì bản thân họ phải thực sự giỏi. Ông gợi ý Bộ nên đặt sàn cho ngành Sư phạm, ví dụ mức 21 điểm, tuyển được bao nhiêu sinh viên thì đào tạo bấy nhiêu, không tuyển được thì thôi. 

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) nhận định đầu tư cho các trường sư phạm là đầu tư cho cả hệ thống giáo dục. Vì vậy, những trường sư phạm sẽ có chuẩn đánh giá chất lượng riêng. Trên cơ sở các chuẩn, quy chuẩn đối với các trường sư phạm riêng, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại hệ thống các trường sư phạm hiện nay để xem các trường nào đạt chuẩn thì tiếp tục đầu tư phát triển.

"Trường nào chưa đạt chuẩn nhưng ở vị trí trọng yếu cần tiếp tục đầu tư đạt chuẩn để thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho vùng, địa phương mình. Cũng có thể hợp nhất, sáp nhập với trường lớn để lan tỏa chất lượng của những trường lớn ra những vùng miền khác. Những trường nào yếu kém về chất lượng mà xã hội không lựa chọn sẽ khoanh vùng để có các giải pháp phù hợp", bà Phụng cho biết.

PGS.TS Phạm Tất Dong: Không có thầy giỏi thì không có trò hay!

Hiện nay chúng ta bị mâu thuẫn khi ta đang muốn có nội dung Chương trình - Sách giáo khoa tốt hơn để triển khai trong năm tới, nhiều đổi mới sẽ được áp dụng để nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, thế nhưng hệ thống các trường sư phạm “mắc” một cái là không chọn được người giỏi.

Chương trình phổ thông nâng cao, có chất lượng thì đòi hỏi người thầy giáo phải giỏi, nhưng mình hiện nay không có chính sách thu hút người giỏi. Thầy không giỏi thì không thể có trò giỏi được. Đây là bài toán đặt cho Chính phủ phải nghĩ tính lại sao cho sư phạm phải phát triển tương ứng với giáo dục phổ thông. Sư phạm là phục vụ cho giáo dục phổ thông nếu không phát triển tốt thì làm sao có chất lượng  phổ thông tốt được. Lứa các em năm nay đỗ vào trường thì đến năm 2020 sẽ ra trường và đúng năm đó chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được triển khai đại trà, lúc đó lứa “giáo viên” ra trường yếu thế này thì làm sao đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông trong quá trình đổi mới.

Chính phủ phải làm sao tuyển sinh ngành Sư phạm chất lượng tốt hơn. Bởi trường sư phạm phải là “máy cái” đào tạo được những người thầy thật giỏi. Nói nôm na một ông giáo như một người thợ nếu tay nghề kém thì sản phẩm chắc chắn sẽ kém. Vì thế, chính sách với sư phạm phải như thế nào là đúng, phải có chính sách về tuyển sinh, hiện đại hóa hệ thống sư phạm hiện đại, chính sách việc làm,  chính sách lương bổng tốt hơn  thì mới mong thu hút được sinh viên giỏi. Chứ Nhà nước cứ để tình trạng này thì chất lượng giáo dục phổ thông rất nguy.

GS Ngô Bảo Châu: Cần có chứng chỉ hành nghề

Sư phạm rớt giá phản ánh vị trí xã hội của giáo viên không còn được như xưa. Điểm đầu vào như vậy khó đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, nước ta cần có thêm kỳ thi quốc gia nhằm sát hạch giáo viên, cấp chứng chỉ hành nghề tương tự như với bác sĩ, luật sư.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: Không thể bình tĩnh chờ hơn nữa

Ngoài những trường sư phạm lớn hiện nay (ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Quy Nhơn, Khoa Sư phạm - ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm Đà Nẵng), các trường đại học địa phương được nâng cấp từ cao đẳng sư phạm vẫn đào tạo giáo viên. Như vậy, nguồn cung vượt xa nhiều lần so với cầu, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan của các cử nhân sư phạm. Cần có nhiều biện pháp để chấn chỉnh ngay việc đào tạo ngành Sư phạm. Mặc dù sẽ động đến lợi ích của nhiều người, chúng ta không thể bình tĩnh chờ được nữa. Một khóa sư phạm ra trường, khi các em đi nhận nhiệm sở, sẽ ảnh hưởng các thế hệ sau đến 50, 60 năm.

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.