Dễ dàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế
Ngày 22/12, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Theo đó, việc chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.
Trên cơ sở đánh giá tác động của chuyển đổi số tới ngành y tế và hiện trạng chuyển đổi số của ngành, trong chương trình chuyển đổi số ngành y tế, Bộ Y tế xác định: “Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh”.
Các mục tiêu năm 2025 và đến năm 2030 đã được vạch rõ trong Chương trình chuyển đổi số ngành y tế.
Cụ thể, về mục tiêu phát triển Chính phủ số trong y tế bao gồm việc duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế, 80% công việc của phòng y tế huyện được xử lý trên môi trường mạng. Ngoài ra, 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê trong lĩnh vực y tế… được kết nối, tích hợp, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc Quốc gia.
Về mục tiêu xã hội số trong y tế đó là 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 100% các cơ sở khám chữa bệnh triển khai tư vấn, đăng ký khám, chữa bệnh từ xa; đồng thời đặt mục tiêu 100% cán bộ, nhân viên y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam.
Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2025, 100% người dân được định danh y tế; 100% cán bộ y tế được định danh; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử và 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế.
Ngoài ra, việc thực hiện chương trình chuyển đổi số đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 210 bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt.
Nhờ vậy, người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin để sử dụng các dịch vụ y tế, không nhất thiết phải đến bệnh viện, không phải xếp hàng đợi lâu mà có thể đăng ký trên điện thoại di động sẽ được tư vấn trực tuyến. Ngay ở những vùng sâu, vùng xa, người dân cũng có thể dễ dàng kết nối với các bác sĩ ở bệnh viện lớn.
PGS.TS Trần Quý Tường Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế phát biểu tại buổi họp thông tin về Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia. |
Thông tin sức khỏe người dân được bảo mật
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chương trình chuyển đổi số y tế đã đưa ra hàng loạt giải pháp sẽ được tập trung triển khai thời gian tới theo 4 nhóm nhiệm vụ gồm: phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, phát triển chính phủ số trong y tế, phát triển kinh tế số trong y tế và phát triển xã hội số trong y tế.
Hai lĩnh vực ngành y tế sẽ ưu tiên chuyển đổi số là: chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam; Chuyển đổi số trong bệnh viện.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh sẽ ưu tiên triển khai sáng kiến “mỗi người dân có một bác sĩ riêng”, với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người dân như bác sĩ riêng. Xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ. Và phát triển Cổng sức khỏe, cho phép người dân quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình. Phát triển ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe. Đồng thời, triển khai tích hợp các ứng dụng có thể tự theo dõi, phát hiện ra tình trạng sức khỏe của người dân với các thiết bị gắn trên người (bao gồm thiết bị di động)…
Việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đặt ra vấn đề về bảo mật thông tin sức khỏe của người dân. Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, ông Trần Quý Tường cho biết: “Trong các điều luật đã quy định rất rõ về thông tin sức khỏe của người dân là thông tin mật. Cụ thể hơn nữa trong Luật khám, chữa bệnh cũng đã quy định rất rõ điều này. Những thông tin sức khỏe của người dân chỉ có cá nhân đó, các bác sĩ và cơ quan điều tra có thể được xem, tóm tắt thông tin bệnh án mà không được mang đi bất cứ đâu”.
Được biết, sắp tới trong hai ngày 29, 30/12 tại Hà Nội, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia, dự kiến có khoảng 1.000 đại biểu tham dự.
Hội nghị nhằm tận dụng tối ưu các thành tựu về CNTT, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chuyển đổi số y tế, đồng thời cũng để huy động các nguồn lực xã hội, cũng như tìm kiếm giải pháp thúc đẩy triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả Chương trình chuyển đổi số y tế.