Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, ngành Du lịch tỉnh đã chủ động áp dụng triệt để công nghệ số để phát triển du lịch bền vững; giúp doanh nghiệp kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, tạo môi trường cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc kết nối đồng bộ, chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với hội, hiệp hội, doanh nghiệp và khách du lịch cũng như kết nối doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch trong nước với các nhà phân phối, đại lý du lịch trực tuyến góp phần đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch. Từ đó, tạo ra các gói du lịch hấp dẫn cho từng phân khúc khách du lịch bằng giải pháp số nhằm tiết kiệm thời gian, tối ưu chi phí, gia tăng hiệu suất.
Đối với doanh nghiệp, triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số quốc gia về du lịch. Việc chuyển đổi số trong ngành du lịch giúp các doanh nghiệp bắt kịp sự chuyển đổi trong mô hình kinh doanh, tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong hoạt động tiếp thị, quảng bá trực tuyến, thương mại điện tử; các công cụ trực tuyến phục vụ khách du lịch trong tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán trực tuyến.
Qua đó, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài, lãnh đạo doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... Qua đó, góp phần tăng hiệu suất hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Bùi Quốc Thái Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang ( bìa trái) và ông Trịnh Quang Đăng - Trưởng đại diện Tập đoàn VNPT tại Kiên Giang, Giám đốc VNPT Kiên Giang kí kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số. |
Đối với khách du lịch, việc cung cấp thông tin các điểm đến, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm tham quan, mua sắm, các sự kiện du lịch, chương trình du lịch… kết hợp với cá nhân hóa hành trình du lịch, tích hợp bản đồ du lịch giúp cho du khách dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm thông tin.
Đối với công tác quản lý Nhà nước qua nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giúp kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và các cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và địa phương. Giúp việc số hóa, chuẩn hóa dữ liệu, kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu số góp phần hình thành kho dữ liệu số dùng chung trong ngành Du lịch Kiên Giang.
Đến nay, ngành Du lịch Kiên Giang có 26 thủ tục hành chính mức độ 4 được cung cấp trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch được trả kết quả đúng hạn; 100% phản ánh, góp ý của người dân liên quan đến ngành du lịch đảm bảo giải quyết đúng quy trình.
Về phát triển dữ liệu, thực hiện số hóa, chuẩn hóa dữ liệu các tài liệu báo cáo, thống kê để làm dữ liệu cho hệ thống quản lý thông tin ngành du lịch. Hoàn thành các chỉ tiêu về công tác số hóa, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đối với thông tin dữ liệu và hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trong việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định.
Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, thời gian tới ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, khai thác du lịch và hỗ trợ khách du lịch, là trung tâm kết nối trực tuyến với các tổ chức, cá nhân về du lịch để nắm bắt kịp thời số liệu du lịch phục vụ công tác quản lý của ngành. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch làm nền tảng dữ liệu thống nhất phục vụ công tác quản lý Nhà nước cho ngành Du lịch Kiên Giang. Hệ thống gồm có dữ liệu về các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác như điểm mua sắm, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe… hướng tới cập nhật theo thời gian thực.
Ngoài ra, phát triển du lịch thông minh tại các địa bàn du lịch trọng điểm; Hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ du lịch (kể cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không). Đồng thời, triển khai chữ ký số khi sử dụng dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến đem lại cho người dùng nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, công sức và tối ưu chi phí, các giao dịch điện tử, tài liệu ký số được lưu trữ toàn vẹn và bảo mật thông tin. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của ngành Du lịch Kiên Giang. Tăng cường phối hợp, liên kết, phát huy hiệu quả liên vùng, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Kiên Giang.
“Chúng tôi còn đẩy mạnh triển khai áp dụng rộng rãi các xu hướng, các phương thức kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ mới như mô hình điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu lớn (Big Data), Ứng dụng mobile, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Chatbot, Kết nối Internet Vạn vật (IoT), công nghệ VR thực tế ảo (Virtual Reality)… Góp phần phát triển kinh tế số tỉnh Kiên Giang”, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái nhấn mạnh.
Khách du lịch ngồi cáp treo ngắm cảnh tại Phú Quốc. |
Ông Du Tố Tuấn, Giám đốc Vietravel chi nhánh Rạch Giá (Kiên Giang), cho biết: Ngành Du lịch Kiên Giang đẩy mạnh chuyển đổI số giúp ngành xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm du khách chỉ qua một chiếc điện thoại thông minh như: Xem trước điểm đến đã được số hoá, đặt vé đi lại, khách sạn, được thuyết minh bằng chính thứ tiếng của du khách tại điểm du lịch, thanh toán điện tử, cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số. Kết quả chuyển đổi số trong ngành Du lịch bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính giữa công ty với các cơ quan, đơn vị, còn giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, thu hút lớn lượng khách sử dụng các dịch vụ của công ty".
Bà Âu Tố Hoa, Việt Kiều Mỹ chia sẻ: Gia đình bà đến Phú Quốc và Hà Tiên du lịch 1 tuần nhân dịp về Việt Nam chơi trong mùa Giáng sinh 2024. Đoàn đi tổng cộng có 12 người, trong đó có 4 người từ bên Mỹ về và còn lại là người thân ở thành phố Hồ Chí Minh.
Du khách đến Phú Quốc thích thú chụp ảnh trên cáp treo dài nhất thế giới tại Hòn Thơm. |
“Trước khi về đây du lịch, tôi và các con, cháu của mình đã tải app Du lịch Việt Nam - VietNam Travel để tìm hiểu rõ hơn các điểm đến, cách thức đặt vé máy bay, khách sạn…Lên các trang Youtube, Tiktok để tìm hiểu những địa điểm đẹp, quán ăn ngon để lên kế hoạch sẵn sàng. Chúng tôi rất thích cảnh đẹp ở Phú Quốc và cung cách phục vụ của các cơ sở làm du lịch ở đây”, bà Âu Tố Hoa nói.
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, tính riêng giai đoạn năm 2018 - 2023, tỉnh đón trên 37 triệu lượt khách du lịch; trong đó trên 2 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 66.000 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân đạt hơn 6%/năm. Riêng trong năm 2023, tổng lượt du khách đến Kiên Giang ước đạt 8 triệu lượt, tăng 15% so cùng kỳ. Trong đó du khách quốc tế hơn 500.000 lượt, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt trên 17.000 tỷ đồng.