Nằm trong chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam (NDVN) năm 2023 và sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân lần thứ 5 năm 2023, sáng 13/10, TW Hội NDVN phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì tổ chức hội thảo "Chuyển đổi số (CĐS) ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân"
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội NDVN chia sẻ, CĐS trong nông nghiệp là một trong những 8 lĩnh vực ưu tiên trong CĐS, trong đó, người nông dân là trung tâm của CĐS.
”Việc tham gia CĐS của nông dân góp phần không nhỏ cho thành công của chương trình CĐS Quốc gia!”- Chủ tịch Hội NDVN nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Hội NDVN, những năm qua Hội NDVN đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho người dân như: hỗ trợ vốn vay đầu tư sản xuất, cung ứng đầu tư đầu vào… Đặc biệt, Hội NDVN đã tích cực hỗ trợ nông dân tham gia vào CĐS thông qua tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân...
Hội NDVN đã kết nối với các chuyên trang về CĐS, kinh tế số trên Cổng thông tin, Fanpage của các cấp hội, phối hợp với các bộ ngành, xây dựng app nông dân, tích hợp tiện ích để hỗ trợ cho nông dân như xây dựng bài giảng mẫu, video thuyết trình, phổ biến kỹ năng số cơ bản cho nông dân bao gồm: như truy cập internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh…
Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội NDVN |
Cũng theo Chủ tịch Hội NDVN, để hỗ trợ tốt nhất cho người dân, dự kiến vào ngày 15/12 tới đây, App thanh toán dành cho nông dân sẽ chính thức ra mắt
“CĐS mang tính sứ mệnh lịch sử trong thay đổi phương thức sản xuất, tư duy, giao dịch thương mại. Tuy nhiên sứ mệnh cao cả đó càng phải làm rõ nội hàm về khả năng thích ứng, nguy cơ giúp nông dân thực hiện nhanh bền vững…”- Ông Lương Quốc Đoàn bày tỏ.
Khẳng định đóng góp quan trọng của khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế TW cho rằng chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, khâu trung gian vẫn có tỷ lệ lớn. Vì vậy, người nông dân cần CĐS, bán hàng trên môi trường điện tử nhằm rút ngắn khâu trung gian, gia tăng giá trị nông sản của chính mình, đa dạng khách hàng..
"Khu vực nông nghiệp là thị trường, khách hàng quan trọng đặc biệt, Việt Nam xác định CĐS là toàn dân, toàn diện, rút ngắn CĐS đặc biệt cho nông nghiệp, bởi tính chất ngành nghề và những đóng góp của nông nghiệp là lớn"- ông Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Trưởng Ban Kinh tế TW, trên bình diện quốc gia, chúng ta có kế hoạch CĐS quốc gia. Nhưng nhìn nhận thẳng thắn cơ chế còn thiếu, yếu, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an toàn, bảo mật, ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển nông nghiệp.
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế TW |
Dẫn một sự việc ở Đồng Nai, khi bắt đầu thực hiện truy suất nguồn gốc chăn nuôi, mới đầu rất hào hứng 85% trang trại đăng ký hết. Nhưng sau 1 năm, chỉ 18% có báo cáo định kỳ.
“Lúc đầu rất hăm hở, đăng nhập, nhưng không có cơ chế pháp lý, sau 1 năm thì không ai muốn thực hiện. Quá trình CĐS liên tục, xuyên suốt không đạt yêu cầu…”- Ông Hiển nhận xét.
Đồng thời cho rằng cần liên thông dữ liệu, trường dữ liệu khác nhau. “Cơ chế pháp lý khai thác, sử dụng và phối hợp chính sách cần bổ sung thêm. Cơ chế chính sách thực sự hiện nay phải nhìn nhận chúng ta có những chính sách gì lớn của Nhà nước cho nông thôn, nông dân về CĐS là rất ít"- Phó trưởng ban Kinh tế TW thẳng thắn.
Dẫn số liệu của Bộ TT&TT về tỷ lệ sử dụng Smartphone ở khu vực nông thôn, miền núi có nơi chỉ 30% . Phó trưởng ban Kinh tế TW quả quyết “Nếu nông dân không có smartphone thì chịu, không thể CĐS được!”
“Nếu như đất nước đặt trọng tâm chuyển đổi cơ sở hạ tầng bằng đầu tư đường cao tốc với mạng lưới xây dựng xuyên suốt để phát triển đất nước. Với chuyển đổi số, trong đó CĐS tài chính ngân hàng và nông nghiệp nông thôn cũng phải có suy nghĩ tầm quốc gia tương tự như đường cao tốc…”- TS Nguyễn Đức Hiển gợi mở.
Theo Phó Ban Kinh tế TW, mục tiêu của Việt Nam về phát triển kinh tế số là năm 2030 sẽ có 30% giá trị của kinh tế số đóng góp vào GDP. Năm 2022 đang là 14,3%, còn 8 năm nữa, mục tiêu đạt 30% GDP là thách thức rất lớn. Chính vì vậy, hai lĩnh vực là tài chính ngân hàng và nông dân, nông thôn cần ưu tiên và nếu sớm vào cuộc nhanh và cụ thể thì mục tiêu này mới có thể đạt được.
Ở các tỉnh miền núi, không phải ai cũng sử dụng smarphone |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, ngành ngân hàng luôn đi trước trong công nghệ.
Phó Thống đốc khẳng định: “Không thể làm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, không thế thanh toán hóa đơn được, nếu ngành ngân hàng không có hệ thống thanh toán. Nhưng một mình hệ thống thanh toán của ngân hàng không thể làm hết được nếu các bên khác không có sự thay đổi. Chúng ta phải cùng nhau, tất cả xây dựng thành hệ sinh thái để làm sao Hà Nội có thể đặt được taxi còn các tỉnh thành, bà con có thể lên ứng dụng ngân hàng có thể đặt mua, thanh toán các sản phẩm nông nghiệp... Ngân hàng đi trước tạo tiền đề cho các ngành khác".
Lãnh đạo NHNN cũng cam kết ngành ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ tài chính một cách tiện lợi, an toàn, chi phí hợp lý. “Để có được sự an toàn chắc chắn đến từ phía các cơ quan chức năng và người sử dụng. Ngân hàng luôn đồng hành cùng bà con nông dân!”- Phó Thống đốc khẳng định.