Chuyện đầu năm với những người chuyển giới

Người chuyển giới là ai? Có phải họ thích cảm giác làm một giới khác nên mới đi chuyển giới không? Ở đâu đó quanh ta có những người đang ngày đêm khao khát được là chính mình. Nhưng tại sao họ lại có khao khát đó? Có phải họ muốn mình là người chuyển giới không?
Người chuyển giới, họ là ai?
Trong ấn tượng của rất nhiều người, người chuyển giới phải là những người nam ăn mặc diêm dúa, son phấn trát đầy trên mặt, cử chỉ õng ẹo, giọng nói nhả nhớt, điệu bộ ẻo lả, thích trai đẹp và có thói đeo bám… Rất nhiều hình ảnh xấu như thế có thể thấy ở nhiều bộ phim, nhiều quảng cáo, nhiều tranh ảnh, câu chuyện. Vô hình trung, hình tượng người chuyển giới trong mắt đa phần mọi người là hình ảnh của sự lố bịch, đáng ghê sợ, phản cảm, có hại cho cộng đồng.
Thế nhưng những người chuyển giới mà chúng tôi gặp thì hoàn toàn khác với những gì vẫn thường thấy trên phim ảnh hay truyền thông. Khi được tiếp xúc với Ánh Phong – một người chuyển giới quê ở Quảng Ngãi, thậm chí tôi không hề biết trước đây chị đã từng là nam giới, cơ thể chị gọn gàng, thanh mảnh chẳng kém gì những cô gái xinh đẹp. Giọng nói nhẹ nhàng và những cử chỉ hết sức nữ tính, đáng yêu chẳng hề gây nên một sự sợ hãi hay ghê rợn gì như người ta thường miêu tả. Còn Tú* - một người chuyển giới quê ở Thanh Hoá thì rất hiền lành, hay cười và hay ngượng khi nói về bản thân mình. Bảo* là một người chuyển giới từ nam sang nữ thì rất hoạt bát, Bảo ăn mặc rất trang nhã và giản dị. Bảo học ngành Du lịch và hiện đang làm hướng dẫn viên. Sự nhanh nhẹn và hài hước của bạn khiến cho cuộc nói chuyện trở nên rất thoải mái và vui vẻ.
“Từ những năm cấp 2 em đã tưởng tượng mình là con gái, em hay lấy chăn quấn quanh người, tưởng tượng mình đang mặc váy”, Bảo nói hài hước, “Đến cấp 3 thì em hay mặc trộm váy của chị gái, cũng vì thế mà mẹ em phát hiện ra, mẹ tát cho em một cái rồi không nói chuyện với em 1 tuần”, Bảo vừa cười khúc khích vừa kể.
Người chuyển giới khác với những người đồng tính, người đồng tính nhận thức về bản thân mình khi dậy thì, khi bắt đầu chớm nở tình cảm với một ai đó. Với một người đồng tính, câu hỏi họ luôn phải trả lời là “Tôi yêu ai?”. Nhưng với những người chuyển giới, họ nhận biết bản thân mình từ rất nhỏ và có thể biểu hiện xu hướng chuyển giới từ nhỏ, ví dụ như Bảo đã thích mặc đồ con gái từ rất nhỏ, thích đồ trang điểm của nữ giới. Đối với người chuyển giới thì câu hỏi mà suốt đời họ phải đi tìm câu trả lời là “Tôi là ai?”. Tôi là nam hay nữ, là giới này hay giới khác. Khi nhận biết được rằng mình không hài lòng với cơ thể hiện tại, rằng tâm hồn của mình trái ngược với cơ thể thì họ sẽ có khát khao được thể hiện giới như “giới tính bên trong”, xa hơn nữa là mong muốn được chuyển giới để cơ thể khớp với nhận dạng giới của họ.
Ánh Phong giờ đã là con gái thật sự.
       Ánh Phong giờ đã là con gái thật sự. 
Có thể nhận thấy người chuyển giới ở bất kì đâu, từ nông thôn cho đến thành thị, ở miền núi hay đồng bằng. Những người chuyển giới đa phần dễ nhận biết hơn những người đồng tính và song tính. Người chuyển giới khao khát được sống đúng với bản thân, sống như giới tính kia, nên cách thể hiện giới của họ cũng là giới tính khác. Bởi vậy người chuyển giới thường dễ bị phát hiện, dễ thu hút sự chú ý và cả sự kì thị từ những người xung quanh. Tuy nhiên do định kiến và kì thị, có rất nhiều người chuyển giới phải giấu giếm, gồng mình lên sống như giới tính mình đang có. Điều đó gây ức chế tâm lý, căng thẳng, mệt mỏi, khiến họ có những hành động tiêu cực nhằm phản ứng với sự bất công, kì thị.
Co mình trốn tránh, hoặc xù lông nhím
“Hồi đó em ghê gớm lắm”, Bảo kể lại, “Đứa nào trêu em là em gọi hội tới đánh, em nổi tiếng cả trường cấp 3 là con pê-đê đanh đá, lăng loàn”. Bảo cười nhẹ khi nhắc đến từ người khác dùng để miệt thị em. “Nhưng không đánh chúng nó thì chúng nó khinh, chúng nó không sợ thì còn trêu ác hơn. Em gần như đứng đầu cả hội con gái đầu gấu ở cấp 3 luôn”.
Bảo cũng như một số người chuyển giới khác, đã chọn cách xù lông nhím để chống trả, đáp lại những hành vi kì thị của bạn bè cùng lứa trong trường. Ánh Phong thì hiền lành hơn, chị dường như là một người sống nội tâm và tình cảm nên cách phản ứng của chị trước sự kì thị khá nhẹ nhàng: “Chị may mắn là ở quê của chị đó, mọi người cũng không có kì thị chị nhiều. Nhưng mà chị cũng chạnh lòng chứ, lúc có những người nói “thằng này giống như pê đê đó, giống như lại cái”, chị mỉm cười tâm sự.
Đối diện với sự cô lập, kì thị và ghét bỏ từ xã hội, Bảo có thể chọn cách chống trả, Ánh Phong có thể chạnh lòng một chút, nhưng đối diện với sự kì thị đến từ ngay gia đình, Tú – một người chuyển giới ở Thanh Hoá nghẹn ngào khi kể lại: “Cô đơn lắm anh ơi, mẹ em khóc nhiều lắm. Ba em thì đập bàn, đập vỡ bát đĩa, ném đồ đạc ra sân. Chửi mắng em nhiều lắm. Rồi ba nói là ba không cần thằng con như em, ba nói là muốn sinh con trai khó gì, ba đi kiếm vợ hai đẻ thằng khác. Em khóc rồi ba nhốt em ở trong phòng, mỗi bữa ăn mẹ đem cơm lên cho em. Ba nói phải để em cách ly với lũ bạn “khốn nạn” của em (những người chuyển giới khác) thì em mới hết bệnh được. Mỗi lần em nằm trên giường, nghĩ tới ba mẹ là nước mắt lại lăn xuống”. Nước mắt Tú rơm rớm khi kể lại quãng thời gian khó khăn đối diện với gia đình.
“Từ đó tới giờ em không bao giờ dám nhắc đến một từ chuyển giới trước mặt ba mẹ em. Mỗi lần tivi có chương trình gì mà có từ pêđê hay đồng tính là mẹ em tắt ngay. Em không dám nói chuyện với ba, đi học cũng không dám chơi với bạn cùng lớp. Em mặc cảm mình khác với tụi nó, và sợ ba em vì ba em lúc nào cũng theo dõi, kiểm tra xem em chơi cùng ai. Riết rồi bây giờ em không có bạn bè, không thân thiết với ai hết”, Tú cởi lòng tâm sự.
Còn rất nhiều câu chuyện của những người chuyển giới khác, có người bị chính người thân của mình xích, trói, nhốt lại; có người bị bạn bè cùng trường đánh đập, miệt thị; hầu như đa phần những người chuyển giới đều gặp những ánh mắt soi mói, những lời xì xào bàn tán mỗi khi họ xuất hiện chốn đông người. Đó có lẽ là những trải nghiệm tiêu cực mà không ai mong muốn. Nhưng những người chuyển giới sẵn sàng chấp nhận điều đó, chỉ để có thể thật sự là chính mình.
Hạnh phúc là được sống thật
“Bây giờ chị thấy rất ổn, ổn về sức khoẻ, ổn về cuộc sống của mình, tinh thần của mình. Nhưng mà chị biết những người chuyển giới như mình thì khổ lắm, con gái khổ một thì mình khổ gấp hai, gấp mười", Ánh Phong vuốt những lọn tóc dài của mình, tâm sự.
Người chuyển giới phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đó là sự kì thị, phân biệt đối xử từ những người xung quanh, đó là những nguy hiểm và đau đớn từ cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính, đó là sự cô đơn – lạc lõng, thiếu đi sự sẻ chia và đó là sự khát khao một hạnh phúc – có thể là rất xa vời. Tất cả những điều đó có thể làm nản lòng một người, nhưng không thể ngăn cản những người chuyển giới tìm lại bản thân mình. Chúng ta bắt buộc phải đặt câu hỏi rằng, nếu phải trải qua tất cả những khó khăn kia thì liệu chuyển giới có phải chỉ là một sở thích hay một ý định nhất thời hay không? Một con người chỉ có thể sống thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc khi được chính là mình, không phải là một ai khác. Người chuyển giới cũng vậy, họ chỉ hạnh phúc khi tìm lại được chính bản thân mình. Vì vậy họ sẵn sàng vượt qua tất cả những rào cản ngăn cản họ tìm lại bản thân. Bởi họ chính là như vậy. Sở thích nào có thể khiến con người ta làm được như thế?
“Em rất vui”, Bảo lại cười giòn giã trong khi cầm gương dặm lại phấn trên khuôn mặt nhỏ nhắn, “Em không lựa chọn làm người chuyển giới, mà làm sao mà chọn được? Bây giờ em làm cho một công ty du lịch, mọi người rất quý em, em cũng có lúc chán nản vì nhiều người kì thị lắm, nhưng càng như thế em càng nhắc mình phải nỗ lực hơn nữa, để khẳng định bản thân, khẳng định là dù là người chuyển giới nhưng em vẫn sống bình thường, sống tốt, thậm chí là tốt hơn nhiều người đang kì thị em nữa”.
“Nhiều thứ mọi người không nói đâu, vì ngại. Lúc đầu chị cũng ngại. Nhưng nói ra để mọi người hiểu cái chân thật nhất của người chuyển giới là như thế, phải chịu khổ như thế, chịu đau đớn như thế để tìm lại được con người thật của mình. Chứ không phải một cái sở thích. Mà là bản năng trong con người. Khi một người chuyển giới sinh ra đã xác định mình là giới kia rồi, cho dù đau đớn hơn nữa thì cũng muốn tìm lại con người thật của mình”, Ánh Phong nói một cách nhiệt thành, giọng nói nhẹ nhàng của chị toát lên một sự quyết tâm và hạnh phúc vì đã làm được điều đó.
Người chuyển giới hoàn toàn bình thường như bao người khác, họ ở bên cạnh chúng ta, đâu đó trong số bạn bè, người thân, đối tác công việc,… của chúng ta. Họ cũng phải nỗ lực làm việc, học tập, khẳng định bản thân. Hơn thế nữa họ còn phải nỗ lực để chống lại định kiến và kì thị, nỗ lực để tìm lại chính bản thân mình. Điều đó không những khiến cho người khác phải đối xử bình đẳng với họ, mà còn phải tôn trọng và khâm phục. Có nhiều người vẫn lên án, phê phán, coi chuyển giới là trái với tự nhiên và là tội lỗi. Nhưng có một sự thật là những người chuyển giới vẫn sống ở ngoài kia, vẫn nỗ lực mỗi ngày để được công nhận, và có nhiều người đã tìm được hạnh phúc.
* Người chuyển giới (Transgender): Là người mang các đặc điểm giới theo giới không giống với giới tính sinh học của người ấy. Tức là thể hiện giới của người ấy trái với giới tính sinh học, ví dụ như một người có giới tính sinh học là nam nhưng lại thích mặc váy, đi đứng nhẹ nhàng, dịu dàng, đảm đang, giỏi nội trợ…
Chuyển giới là phân loại giới, không phải phân loại tình dục.
Người chuyển giới có thể thích người cùng giới với mình, người khác giới với mình hoặc cả hai.
* Người chuyển giới tính: Người chuyển giới sau phẫu thuật gọi là người chuyển giới tính (transsexual).
* Người có giới sinh học là nữ có mong muốn được sống và được thừa nhận như là đàn ông thì được gọi là những người nữ chuyển giới thành nam. Những người đàn ông bẩm sinh mà có mong muốn sống và được thừa nhận như là phụ nữ thì được gọi là những người nam chuyển giới thành nữ.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

“Giang hồ” đóng phim, làm từ thiện: Phần nổi màu mè nhằm che đậy những góc chìm đen tối?

"Thánh chửi" được các fan nhí vây quanh
(PLVN) - Sự việc hiện tượng mạng xã hội Khá "Bảnh" (tức Ngô Bá Khá) bị cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giam khẩn cấp vì nghi án tổ chức đánh bạc dưới hình thức lô đề hôm 1/4, suy cho cùng cũng là việc làm không sớm thì muộn. Ngoài Khá Bảnh, đâu đó còn rất nhiều đối tượng gắn mác "Giang hồ 4.0" có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bị tố cáo khắp nơi, chẳng qua chưa đến lúc bị cơ quan công an... "sờ gáy" mà thôi.

Thầy giáo nhắn tin gạ tình loạt nữ sinh lớp 12

Trường THPT Ngọc Hiển, nơi vừa xảy ra vụ xôn xao thầy giáo trộm đề thi để gạ tình hàng loạt nữ sinh khối 12.
Hội đồng kỷ luật trường THPT Ngọc Hiển (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) mới ra quyết định kỷ luật với hình thức “buộc thôi việc” đối với ông Phạm Thanh Đ -  giáo viên dạy môn Lý-  Tin học của trường này. Ông Đ được xác định là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp...

U40 mở quán ven đường dụ nam sinh vào kích dục

Nhiều phụ nữ lớn tuổi vẫn kiếm sống bằng nghề massage kích dục tại các quán cà phê trá hình dọc quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn Q.12
Đa số nữ tiếp viên tại hàng hoạt quán cà phê trá hình dọc quốc lộ 1, đoạn đi qua P.An Phú Đông, Q.12 đều trên 40 tuổi vẫn kiếm sống bằng nghề massage kích dục cho khách là trai trẻ, thậm chí là học sinh, sinh viên.

“Thú vui” phản cảm của người Hà Nội

Thản nhiên giẫm lên hoa.
(PLO) - Cứ mỗi khi thủ đô diễn ra lễ hội là y như rằng ngay sau đó câu chuyện về ý thức người Hà Nội lại làm nóng các diễn đàn. Dường như giẫm đạp, phá hoại vườn hoa, bãi cỏ, cây xanh, xả rác vào mỗi dịp lễ hội mừng năm mới, triển lãm hoa, biểu diễn nghệ thuật, ngày hội văn hóa… đã trở thành “thú vui” của một bộ phận người đang sống ở Hà Nội?

Chuyện lạ đời: Chồng lập nhang... thờ sống vợ con

Chị M trò chuyện trong một cuộc hội thảo về bạo lực giới
“Tôi cùng con dắt díu nhau đi ở nhờ nhà mẹ chồng. Trước lúc đi, tôi thấy anh ta bốc cát cho vào một bát gốm Phù Lãng, đốt nắm hương to, cắm vào, đem đặt trước cổng nhà và thề không có đứa con nào nữa”, chị Nguyễn Thị M kể.