Tiến sĩ Khải chỉ ra những điểm phản khoa học trong câu chuyện gây cháy, đồng thời khẳng định câu chuyện cô bé 11 tuổi gây cháy hoàn toàn là bịa đặt. Và mọi người đã bị đánh lừa trong suốt hơn 1 tuần qua.
Ông Khải nói rằng, để cháu bé có khả năng gây cháy, về mặt khoa học, cần phải có một nguồn năng lượng đủ lớn. Trong vật lý học, năng lượng không tự sinh ra, không thể tự mất đi, mà chuyển từ dạng này sang dạng khác.
Nếu thực sự năng lượng trong cơ thể cô bé có thể làm cháy đồ vật thì nó phải được truyền ra ngoài môi trường qua một bộ phận nào đó trên cơ thể. Và dù truyền ra từ đâu thì vật ở gần cũng phải cháy trước, vật ở xa cháy sau. Hoàn toàn không thể có chuyện ngồi ở một phòng, cháy đồ vật ở phòng khác.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải trong một buổi chữa bệnh tay- chân- miệng cho các cháu nhỏ ở trường mầm non |
Chưa hết, theo TS.Khải, năng lượng dù ở dạng nào (“hỏa xà”, “lửa Tam muội"…) thì đều không thể đi qua qua cầu thang để xuống tầng dưới, hay đi xuyên qua lớp cánh cửa bằng gỗ. Nó chỉ đi qua với điều kiện đốt cháy những vật đó trước.
"Bởi vì khi đi càng xa thì năng lượng, dù là ánh sáng, hơi, hay chùm điện tử… càng rộng ra. Nếu đi với quãng đường dài, để đốt được quần áo trong tủ thì diện tích đốt phải là cực lớn, quần áo phía mặt gần cánh cửa tủ phải cháy trước, không thể cháy một nhúm quần áo nhỏ như vậy.
Nhìn vào bức ảnh cháy mà gia đình cháu bé cung cấp cho báo chí những ngày qua, tôi thấy nhiều điểm bất hợp lý", TS. Khải khẳng định.
"Thứ nhất là bức ảnh quần áo cháy trong tủ. Nếu được đốt bằng năng lượng lớn, nó phải cháy hết quần áo, trường hợp cháy ít như vậy hoàn toàn có thể do một ai đó cố tình tạo ra. Bởi vì, khi mở tủ, ném tàn thuốc lá, que diêm đang cháy vào và đóng cửa tủ ngay lập tức thì quần áo sẽ cháy, nhưng chỉ cháy được một chút, thì tắt ngay do trong tủ hết oxi.
Quần áo bị sém trong tủ nhà cháu bé |
Thứ hai, về bức ảnh ổ điện bị cháy, nắp ổ rơi rụng, dây điện còn nguyên vỏ bọc màu vàng và xanh. Điều này chứng tỏ, ổ này cháy do chập và nhà không có cầu chì hoặc thiết bị chống cháy, chập điện khác. Và với việc các dây điện có kích thước lớn nhỏ khác nhau trong 1 ổ thì chuyện chập cháy là chuyện hết sức bình thường", TS.Khải lý giải.
Về hai điểm bất thường trong câu chuyện mà người nhà cô bé đã kể trên báo chí, thứ nhất là ngày 17/5/2012, người nhà kể, khi đưa cháu bé ra khỏi cửa để đến trường, quần áo trên ban công cháy rụi, theo TS. Khải, nếu thực sự có năng lượng đi từ người cô bé ra ngoài thì cháy những vật gần nhất trước, cụ thể là phải cháy quần áo cô bé trước, cháy những vật ở xa hơn tiếp theo. "Không thể nào chỉ có cháy riêng quần áo ở cách xa cô bé được. Do đó, vụ cháy này, tôi cho rằng, cô bé 11 tuổi là người ngoại phạm", TS.Khải nhận định.
Ổ điện mà ông Khải cho rằng cháy bất thường. |
Vụ cháy trưa 18/5/2012, những người được cho là phát hiện ra đám cháy (bao gồm các nhà ngoại cảm, ông Nguyễn Phúc Giác Hải, người nhà cô bé - PV), mỗi người kể một câu chuyện khác nhau.
"Người nói, cô bé gây cháy trước mặt các nhà ngoại cảm, người nói ngửi thấy mùi khét thì đi tìm…Nhưng dù nói thế nào thì cô bé cũng không có mặt ở hiện trường vụ cháy, không thể kết luận cô bé là thủ phạm được.
Và toàn bộ các vụ cháy mà người nhà cô bé nhắc tới đều do người nhà cô bé kể lại cho các nhà báo, không phóng viên nhà báo nào chứng kiến. Chuyện cô bé 11 tuổi ở TP.HCM có khả năng làm đồ vật bốc cháy chỉ là chuyện bịa đặt, không có cơ sở khoa học", TS Khải kết luận.
TS.Khải cũng muốn nhắn nhủ rằng, những ai có ý định sắp đặt câu chuyện này vì mục đích nào đó thì hãy hạ màn và để cô bé có một tuổi thơ yên bình như bao đứa trẻ khác.
Theo Giáo dục Việt Nam