Rồi hẹn hò khi chị về Việt Nam, nhiều lần gặp gỡ, nhiều lần nghe chị chơi nhạc, và nhiều lần nhìn thấy những vật vã, đau đớn và tình yêu không thể đong đếm chị dành cho con mới khiến tôi không thể không viết về chị. Nguyệt Thu đã quyết định bỏ lại phía sau ánh hào quang của một nghệ sĩ viola thế giới để tìm con đường đồng hành với đứa con tự kỷ của mình và cũng từ đó, chị bắt đầu tháng ngày trao hi vọng cho không biết bao gia đình, bao đứa trẻ mắc chứng tự kỷ khác.
Tháng ngày tuyệt vọng
Còn nhớ câu chuyện chị đã chia sẽ rất chân thành trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy về thời khắc chị nghe chuẩn đoán của bác sỹ rằng con mình bị tự kỷ: Với chị, dường như mọi thứ đều sụp đổ. Chị kể, thời gian đó chị sinh sống ở Hà Lan cùng với cậu con trai. Cứ ngỡ cuộc sống của hai mẹ con sẽ trôi đi yên bình vì cậu con trai ăn ngoan, chơi ngoan để chị yên tâm đi làm. Thế nhưng chính sự “ngoan” một cách bất thường đó lại là dấu hiệu của bao đau khổ về mặt tinh thần cũng như thể xác cho cả hai mẹ con. Chị đánh con liên tục nhất là khi con chị có những biểu hiện, hành vi bất thường khiến chị phải xấu hổ, đau lòng. Chị đánh cũng vì chị thương con quá nhiều, vì những hy vọng chị đặt vào cậu con trai đang vỡ vụn. Khi đánh con, Nguyệt Thu biết mình thực sự bất lực.
Trước áp lực về cuộc sống, tinh thần khiến chị quay cuồng và càng như vậy chị càng đánh con, vòng luẩn quẩn trong sự đau khổ về tinh thần và cạn kiệt về tài chính khiến chị thấy con đường trước mắt là ngõ cụt: “Khi đó, mình gần như không chấp nhận sự thật rằng con mình bị tự kỷ, mình càng cố giải thoát khỏi suy nghĩ ấy bao nhiêu thì những hành vi của con khiến mình bế tắc bấy nhiêu. Cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn khi mình không còn đủ tâm trí, sức lực để đi làm…Mình gần như không chấp nhận sự thật rằng, con mình bị tự kỷ. Lúc nào cũng khóc và trách bản thân mải mê công việc mà không chăm sóc con đúng cách”. Chị kể lại quãng thời gian đen tối nhất cuộc đời mình…
Trong giây phút bế tắc ấy, chị lên mạng tìm đọc và tìm đến các chuyên gia tâm lý, bác sĩ để biết thông tin về chứng tự kỷ ở trẻ em. Khi biết được tự kỷ không phải là bệnh mà là một hội chứng, sự cắn rứt của chị mới bớt đi phần nào. Chị đã dần thay đổi nhận thức và hành vi của mình thay vì đánh, bắt con thay đổi. Chị đã đưa con đi khắp các trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ từ Hà Lan, Malaysia, Singapore rồi về Việt Nam mà tình trạng của con không chuyển biến là mấy. Học ở đâu, con chị cũng chỉ được vài ngày là bị nhà trường trả về vì cháu phá lớp, đánh bạn, không tập trung nghe giảng.
Hành trình “chắp cánh cho thiên thần tự kỷ”
Tháng ngày của chị đằng đẵng với những bài viết, nghiên cứu, cuộc trò chuyện tư vấn,… về chứng bệnh tự kỷ. Mọi thông tin đọc được, chị đều tâm huyết áp dụng cho cậu con trai của mình mà không khi nào ngưng hi vọng. Và trong một lần chị đã thử cho con nghe các bản nhạc nhẹ nhàng, du dương với tiết tấu chậm, chị nhận thấy cậu bé bớt cáu kỉnh, đập phá mà ngồi lắng nghe giai điệu. Những buổi tiếp theo, con trai chị phản ứng rất tốt với âm nhạc. Niềm vui nhỏ bé ấy như vỡ òa sau quãng thời gian bế tắc của gia đình: “Trong quá trình trị liệu cho con, tôi nhận ra con khó biểu đạt cảm xúc, nhưng có thể nghe những giai điệu nhẹ nhàng, du dương. Nghe đúng loại âm nhạc thì tâm trạng con bình yên hơn và đó là liều thuốc tốt giúp con hồi phục. Tôi dùng âm nhạc để chữa bệnh tự kỷ cho con. Phép màu đã xuất hiện, con đã có thể tự phục vụ bản thân và tới trường.”
Từ sự tiến bộ của con trai mình, Nguyệt Thu tiếp tục có những buổi thử nghiệm dùng âm nhạc dành cho các bé tự kỷ khác và thấy tác dụng tích cực. Điều đó đã thôi thúc chị mở trường dành cho các bé tự kỷ mang tên Sunrise for Art school, mà theo chị, trước hết là cho con trai của mình.
Nghệ sỹ Thu Nguyệt dạy trẻ tự kỷ bằng âm nhạc |
Nung nấu ý định đã lâu nhưng phải đến tháng 6/2015, chị mới hiện thực hóa được mong muốn đó. Ngôi trường mang tên SFORA (Sunrise for Arts là đơn vị trực thuộc Viện khoa học và giáo dục Đông Nam Á) được ra đời. Đây là trường đầu tiên ở Việt Nam sử dụng âm nhạc nghệ thuật để trị liệu chứng tự kỷ ở trẻ em. Đến với chị trong lần khai giảng của trường, tôi nhận thấy sự tự tin, nhận thấy lòng tâm huyết, thấy tình yêu thương chân thành, thấy hi vọng và thấy cả những rối bời cứ thế thay nhau ánh lên long lanh trong đôi mắt chị. Hoá ra, phía sau khoé miệng luôn trực cười của chị là cả những chuỗi ngày của hi sinh, của dằn vặt, khổ đau và đánh đổi: "Nhiều người luôn thấy tự kỷ là khiếm khuyết mà không thấy trẻ tự kỷ có nhiều tiềm năng. Chúng thường có các giác quan nhạy cảm, có nhận thức sâu sắc hơn bình thường và có những năng khiếu rất đặc biệt về nghệ thuật... Bằng âm nhạc, tôi muốn khơi dậy những tiềm năng ấy để các em có cơ hội trở thành chính mình", Nguyệt Thu chia sẻ.
Được biết, để có thể hiện thực hoá ước mong về “ngôi nhà yêu thương” cho các con có hoàn cảnh như con của mình chị gần như đã một mình đôn đáo, lo toan mọi thứ từ thuê địa điểm, sắm sửa trang thiết bị cho đến chương trình, giáo án với phương pháp cụ thể nhất và hợp lý nhất. Ấy thế rồi qua trang cá nhân chị, tôi được thấy sức mạnh của tình yêu đã được lan toả như thế nào khi lần lượt chị không chỉ mở được cơ sở ở khu vực miền Trung (Đà Nẵng) mà còn nhân rộng thêm cơ sở trên địa bàn Hà Nội. Những đồng cảm, sẻ chia, hiểu biết cứ thế được nhân lên theo cấp số đã tạo nên biết bao hi vọng, biết bao tia sáng cho những ông bố bà mẹ, những gia đình có những “thiên thần quên cánh” được phục hồi mà lần lượt toả sáng.
Nghệ sỹ Thu Nguyệt và con trai |
Mô hình hoạt động của trường gồm cả bán trú và nội trú với 50% thời gian để trị liệu tâm hồn cho trẻ bằng âm nhạc và vận động. Âm nhạc sẽ kích hoạt hầu hết các vùng não bộ. Sau khi trị liệu, trẻ sẽ được học các môn văn hóa cơ bản, kỹ năng sống, tiếng Anh… Nếu trẻ chưa chịu nói, cô sẽ dạy trẻ hát. Nếu trẻ không hát, cô sẽ hát và đọc thơ cho trẻ nghe: “Bằng tình yêu thương và sự kiên nhẫn, tôi tin chúng sẽ bộc lộ khả năng theo cách của riêng mình. Đó là phương pháp chữa bệnh tự kỷ cho trẻ của tôi.”
Có dõi theo cuộc sống của chị mới thấy, vì tình yêu với con, vì đồng cảm với những gia đình có hoàn cảnh giống mình mà chính tại thời điểm này một năm trở về trước chị tạm xao nhãng nhóm Tứ tấu, tạm xa cây đàn viola - đam mê một đời của mình để tập trung vào nền móng của ngôi nhà yêu thương – dự án Bình minh cho em dành cho những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ. Chắc hẳn, chỉ có tình yêu bao la của một người mẹ vĩ đại mới có thể giúp chị có động lực để tận tâm hi sinh đến thế…