Chương trình giao lưu nghệ thuật "Biển đảo quê hương" do TANDTC và Báo Công lý, phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 72 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2017).
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương
Tới dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình - Bí thư TW Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC; Trương Minh Tuấn- Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Hồng Quang, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Chánh án TANDTC; Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải- Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân.
Bên cạnh đó còn có sự tham dự các đồng chí Phó Chánh án, Thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các thẩm phán TANDTC, TAQS các cấp cùng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác trong hệ thống Tòa án.
Đồng chí Lê Hồng Quang - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Chánh án TANDTC phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương, đồng chí Lê Hồng Quang, Phó Chánh án TANDTC cho biết: “Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, về định hướng phát triển ”Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; khai thác làm giàu từ biển, gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc… Từ nhiều năm qua, lãnh đạo TANDTC và TAND, TAQS các cấp trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về biển đảo, bằng việc tổ chức các chuyến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cán bộ chiến sỹ Hải quân; tặng Nhà tình nghĩa cho gia đình quân nhân; tặng học bổng cho các học sinh là con em của gia đình quân nhân có nhiều khó khăn…
Các hoạt động tình nghĩa đó đã thiết thực góp phần thắt chặt mỗi quan hệ gắn bó với quân và dân; hỗ trợ, động viên, chia sẻ tình cảm với các cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm nắm chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với TAND, TAQS các cấp, Báo Công lý – Cơ quan của TANDTC bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong những năm qua, cũng đã có những hoạt động thiết thực hướng về biển đảo thương yêu".
Đồng chí Lê Hồng Quang cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi kỳ vọng Chương trình giao lưu nghệ thuật hôm nay sẽ là chiếc cầu nối giữa đất liền với Biển đảo, giữa xã hội với cán bộ, chiến sĩ Hải quân hiện đang vững vàng bảo vệ biển đảo, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quôc. Đồng thời chương trình giao lưu nghệ thuật "Biển đảo quê hương" là thông điệp tình cảm chân thành của toàn thể cán bộ, Thẩm phán, công chức, viên chức, người lao động TAND, TAQS các cấp đối với lực lượng Hải quân và đơn vị chấp pháp trên các vùng biển, đảo của đất nước".
Chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương là dịp chúng ta cùng nhau dành những lời tri ân tới lực lượng đang ngày đêm bám biển, góp thêm sức mạnh tinh thần để động viên lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và bà con ngư dân trong cả nước vững tin nơi đầu sóng ngọn gió.
Đây cũng là dịp để đền ơn đáp nghĩa đối với những anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã cống hiến máu xương của mình cho Tổ quốc quyết sinh. Được biết, trong những năm qua, TANDTC đã tổ chức nhiều chuyến thăm, tặng quà lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển; thăm và tặng quà nhân dân huyện đảo Trường Sa; trao học bổng, tặng xe đạp cho con em các chiến sĩ đang công tác tại biển đảo...
Ngay tại chương trình, 40 sổ tiết kiệm đã được gửi tới 40 gia đình cán bộ, chiến sỹ Hải quân có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, do điều kiện đường xá xa xôi, chỉ có 20 đại diện gia đình chiến sỹ có mặt tại đêm giao lưu nghệ thuật và trực tiếp đón nhận từ tay đồng chí Chánh án và Phó Chánh án TANDTC những món quà là tấm lòng, tình cảm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tòa án các cấp. Ban tổ chức cho biết, 20 sổ tiết kiệm còn lại sẽ được chuyển cho 20 gia đình vắng mặt trong chương trình.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trao sổ tiết kiệm cho các gia đình cán bộ, chiến sĩ Hải quân có hoàn cảnh khó khăn
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang trao sổ tiết kiệm cho các gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn
Chương trình giao lưu nghệ thuật với 9 tiết mục ca múa nhạc đặc sắc được dàn dựng công phu, do các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trình bày như NSƯT Lê Tứ và Hà Như, ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ, Tân Nhàn, Ngọc Anh, Đoàn văn công Quân chủng Hải quân thể hiện… Xen lẫn các tiết mục này là các phóng sự hoạt động thăm và tặng quà của Lãnh đạo TANDTC, Chương trình giao lưu nghệ thuật "Biển đảo quê hương" như một lời tri ân, ngợi ca vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam, mà đặc biệt là vẻ đẹp của những người lính biển đang ngày đêm canh gác cho biển trời của Tổ quốc được bình yên.
Ca sĩ Trọng Tấn thể hiện ca khúc Đất nước
Ca khúc “Đất nước”, một sáng tác của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, lời thơ Tạ Hữu Yên với phần thể hiện của ca sĩ Trọng Tấn. Bằng chất giọng trầm và ấm, đầy hào sảng, ca sĩ Trọng Tấn khiến người nghe như được ôn lại lịch sử đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam trong suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập, tự do và giữ vững chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Qua những cung bậc cảm xúc, khát vọng hướng về biển đảo thân yêu, các nghệ sĩ đã đưa khán giả đến gần hơn với biển đảo quê hương. Từ nỗi nhớ da diết trong từng cánh thư của hậu phương gửi ra đảo xa trong “Gần lắm Trường Sa” đến lời đáp đầy hào sảng, tự hào của người lính trong “Tổ quốc gọi tên mình”, “Biển hát chiều nay”, “Xa khơi”, “Nơi đảo xa”, đến khúc tráng ca bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của cha ông ta từ bao đời nay trong “Hào khí Việt Nam” và kết lại là “Lời thề lính biển” trang nghiêm, sẵn sàng xả thân dựng sóng trùng dương, sẵn sàng vì biển đảo quê mà hương hiến dâng cả cuộc đời, hóa thành bức tường sóng vững chắc giúp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Bên cạnh những tiết mục đặc sắc, khán giả hẳn sẽ không thể nào quên phần giao lưu trực tiếp đầy xúc động với những người đang trực tiếp đứng nơi đầu sóng ngọn gió và hậu phương của họ. Những người lính biển rắn rỏi trước sóng biển là thế, nhưng khi đứng trên sân khấu họ lại khiêm nhường biết bao. Các anh kể về cuộc đời lính biển, về những ngày “cưỡi sóng” ngoài đảo xa, về cuộc sống thường ngày thật dung dị, mộc mạc và đáng khâm phục…Có lúc thăng, lúc trầm, lo lắng, lúc lại vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng trên tất là trong tim mỗi người lính biển, lúc nào cũng có hai chữ Tổ quốc. Trong câu chuyện ấy, niềm tự hào luôn thường trực trong giọng nói, ánh mắt, cử chỉ dù là rất nhỏ của các anh.
Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải và Đại úy Ngô Văn Hợi trong phần giao lưu
Đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân giọng rắn rỏi, chia sẻ: “Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nghĩa vụ thiêng liêng của Quân đội nhân dân Việt Nam trước yêu cầu của cả dân tộc về sự toàn vẹn giang sơn mà ông cha ta đã dày công gây dựng, mở mang và gìn giữ. Đây là một quá trình chiến đấu bền bỉ, gian nan mà qua đó Quân đội nhân dân ngày một trưởng thành, ngày càng nhận được nhiều hơn sự tin yêu của toàn thể đồng bào”.
Đại úy Ngô Văn Hợi, sinh năm 1983, Thuyền trưởng tàu 267, Hải Đội 7, Lữ Đoàn 170, Bộ Tư lệnh Vùng 1 - Quân Chủng Hải Quân không giấu được sự xúc động trước tình cảm của mọi người, đặc biệt là sự quan tâm của TANDTC dành cho những người lính biển như anh: “Chúng tôi thật sự cảm động vì nhận được sự quan tâm lớn lao của các tổ chức và đoàn thể; đặc biệt ấn tượng với các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức viên chức trong hệ thống TAND, mặc dù bận trăm công ngàn việc với hoạt động tố tụng, vẫn dành cho chúng tôi nhiều thời gian quý giá để thăm hỏi, tặng quà và động viên các chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió. Chúng tôi đánh giá rất cao những việc làm này và xin gửi lời cám ơn chân thành, sâu sắc vì những giá trị tinh thần đẹp đẽ mà các đồng chí đã trao tặng”.
Cô giáo Đào Hải Ninh
Trong chiến công của những người lính biển như Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Đại úy Ngô Văn Hợi, không thể không nhắc đến người thân của các các anh. Chính họ là hậu phương vững chắc để các anh vững niềm tin nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Có mặt trong phần giao lưu tại hội trường, cô giáo Đào Hải Ninh (sinh năm 1982, Giáo viên Tiếng Anh - Trường THCS Hà An, xã Hà An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là vợ Thiếu tá Vũ Đình Chiền – Đảo phó Đảo Sinh Tồn Đông, Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân tâm sự: “Khi có chồng tham gia vào quân đội, tất nhiên gia đình chúng tôi cũng có một số thiệt thòi về tình cảm vì sự xa cách lâu ngày nhưng khi nghĩ về những điều lớn lao hơn mà chồng mình đóng góp cho đất nước, chúng tôi chỉ thấy hạnh phúc và tự hào. Trong môi trường kỷ luật của quân đội, người thân của chúng tôi sẽ mau chóng trưởng thành và hoàn thiện hơn nữa về nhân cách. Đó là điều khiến chúng tôi ít để tâm đến việc gia đình đang thiếu vắng một người”.
Câu chuyện “vừa làm mẹ vừa làm cha” khi chồng vắng nhà của cô giáo Đào Hải Ninh, vợ người lính biển làm nhiều người rơi nước mắt. Không có anh ở bên, chị cáng đáng mọi công việc trong nhà để anh yên tâm công tác ngoài đảo xa. Có lúc cũng thấy tủi thân, nhưng trên tất cả chị hiểu được nhiệm vụ thiêng liêng mà chồng mình đang làm và cảm thấy tự hào về anh khi kể cho các con, cho mọi người xung quanh. Cũng bởi vì thế, cả hai là chỗ dựa cho nhau, cùng nhau vượt qua tất cả.
“Chồng tôi công tác ở đảo Sinh Tồn Đông đã gần 5 năm, nhưng 18 tháng chúng tôi mới được gặp nhau một lần. Tuy không được kề vai sát cánh nhưng chúng tôi vẫn thương nhớ và lo lắng cho nhau nhiều lắm. Ngày nào, tôi cũng mong đêm đến sớm để có thể gác lại công việc mà gọi điện thoại tâm tình với chồng cho vơi bớt buồn nhớ. Trong những lần tâm sự với nhau, ngoài việc quan tâm, thăm hỏi, nhắc nhở, động viên tôi lo cho gia đình, con cái thì anh cũng thường kể cho tôi nghe về đơn vị của mình”- cô giáo Đào Hải Ninh kể.
Chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương khép lại bằng ca khúc Lời thề lính biển. Tất cả mọi người trong khán phòng, không ai bảo ai, cùng hướng trái tim mình về những người lính biển, về nơi đảo xa, nơi có những con người ngày đêm “vượt nắng, thắng mưa”, canh gác cho biển trời quê hương. Và trong trái tim mỗi người còn dành một chỗ trang trọng nhất cho những người vợ, người mẹ, người thân…của các anh. Họ chính là “mảnh ghép” không thể thiếu trong chiến công của các anh và trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Có mặt ngay từ sớm, trước khi cả khi chương trình diễn ra, có một người phụ nữ đến từ huyện đảo xa xôi của Tổ quốc đã không giấu được sự xúc động khi vượt qua hàng ngàn cây số để có mặt trong chương trình. Chị bảo mình là dân đảo chính cống, lại đang công tác trong Tòa án ở huyện đảo này, chị thấu hiểu hơn ai hết cuộc sống của người dân vùng đảo, cuộc sống của những người lính biển. Chị kể, cũng như những người lính biển, những người làm trong Tòa án ở huyện đảo này cũng đang hàng ngày khắc phục khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là những chuyến xử án lưu động, di chuyển từ xã đảo này sang xã đảo khác. Nhưng cũng như những người lính biển, cán bộ Tòa án ở huyện đảo này chẳng khác nào người lính trên mặt trận bảo vệ công lý, không ngừng rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, làm tốt công tác xét xử, thực hiện quyền tư pháp công bằng.
Biển đảo quê hương không chỉ rất đặc biệt về địa lý, mà còn rất thiêng liêng trong tâm hồn dân tộc, trong mỗi trái tim người dân đất Việt. Những ai đã từng đến đây sẽ càng yêu thương, cảm phục những người lính đảo và mong được một lần trở lại. Những ai chưa đến thăm các vùng đảo, sẽ ước mong một lần được đặt chân đến đây, được sống cùng các chiến sĩ nơi biển đảo mênh mông sóng vỗ.
Biển đảo quê hương luôn ở trong trái tim mỗi người Việt Nam. Dù sống ở nơi đâu, dù trong khoảnh khắc nào, thì ai ai trong chúng ta đều hướng về đảo xa, về những pháo đài bảo vệ chủ quyền vùng biển và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Ngoài khơi xa, các chiến sĩ Hải quân vẫn ngày đêm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc…vững chãi như ngọn hải đăng. Và tại đất liền, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán TAND, TAQS các cấp luôn không ngừng rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, làm tốt công tác xét xử, thực hiện quyền tư pháp công bằng.
“TAND vì nền tư pháp quên thân/Vì một lẽ nhân sinh suốt đời phấn đấu vì dân/ Được Đảng, Bác trao Công lý là gươm thiêng/Giữ gìn như ngọc sáng mãi ngàn năm…” – Đó chính là những ca từ có ý nghĩa sâu sắc được Nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng, Tổng Biên tập Báo Công lý gửi gắm vào ca khúc “Tự hào người thẩm phán Toà án nhân dân”.
Với những ca từ biểu đạt nội dung tư tưởng vô cùng ý nghĩa đó, ca khúc đã đạt giải cao trong cuộc vận động sáng tác âm nhạc – văn học về Tòa án nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống TAND. Tiếng nhạc, lời ca đầy hào sảng ấy đã vang lên ngay trong phần mở đầu Chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương.