Nỗ lực cải cách để phục vụ doanh nghiệp
Tại Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp (DN) 2023 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, những năm gần đây, tình hình thế giới có nhiều biến động từ hậu quả của đại dịch COVID-19, sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn và xung đột vũ trang Nga - Ukraine khiến nền kinh tế nước ta phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Trước tình hình đó, ngành Hải quan xác định công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó tạo động lực mới cho DN phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Khẳng định đồng hành cùng DN cũng chính là bảo vệ DN làm ăn chân chính, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đã và đang diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Xác định cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho DN, ngành Hải quan cũng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Một trong những chương trình, kế hoạch cải cách của ngành đã mang lại nhiều lợi ích cho DN chính là Chương trình DN ưu tiên. Thông tin về Chương trình này, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Sỹ Hoàng cho biết, với mong muốn tạo điều kiện cho nhiều DN tuân thủ tốt, Chương trình DN ưu tiên (AEO) được thí điểm lần đầu tiên năm 2011, sau đó năm 2014 Chương trình này được luật hóa tại Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện, tính đến tháng 9 có 73 DN ưu tiên. Mặc dù có thời điểm có 75 DN ưu tiên nhưng qua quá trình quản lý kiểm tra, đánh giá, cơ quan Hải quan phát hiện có DN vi phạm, không đạt tiêu chí, do đó cơ quan Hải quan đã đình chỉ DN ưu tiên. “Chương trình DN ưu tiên có rất nhiều chế độ, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN đủ điều kiện nhưng ngược lại nếu DN vi phạm, thực hiện không đúng quy định cơ quan Hải quan sẵn sàng có cơ chế đình chỉ ngay”, ông Nguyễn Sỹ Hoàng nhấn mạnh.
Đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan cũng thông tin, 73 DN ưu tiên đến từ nhiều nước khác nhau. Trong đó, có 25 DN Việt Nam, 16 DN Hàn Quốc, 13 DN Nhật Bản, còn lại là các DN đến từ các thị trường: Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Italia, Đan Mạch, liên doanh Việt - Nga... Tuy số lượng chỉ 73 DN nhưng chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, đạt khoảng 266 tỷ USD năm 2022. Các lĩnh vực hoạt động của DN ưu tiên khá đa dạng, từ lĩnh vực công nghiệp, gia công, chế biến; chế tạo đến nông nghiệp.
Cơ hội doanh nghiệp chủ động nâng tầm
Ông Nguyễn Sỹ Hoàng cho biết thêm, qua 12 năm đồng hành lắng nghe, thấu hiểu DN, cơ quan Hải quan đã nắm bắt được những khó khăn, thuận lợi để từ đó kiến nghị chính sách có ưu tiên thiết thực cho DN. Lợi ích đầu tiên mà DN ưu tiên có được là rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Điều này rất quan trọng đối với đối tác cần giao hàng nhanh, đúng thời hạn; từ đó kéo giảm nhiều lợi ích khác từ bộ máy nhân sự, các chi phí liên quan.
Tiếp đó, khi được là DN ưu tiên, DN tăng uy tín, thương hiệu trong nước cũng như quốc tế. Cụ thể, với thị trường trong nước là đối tác cung ứng hàng hóa cho DN ưu tiên; thị trường quốc tế là các đối tác sử dụng sản phẩm của DN ưu tiên. Một lợi thế khác có thể đong đếm được ngay là DN ưu tiên có thể nộp thuế chậm nhất là mùng 10 tháng kế tiếp. Nghĩa là mở tờ khai ngày 1 tháng trước, DN có thể nộp thuế mùng 10 tháng sau. Với những DN có thuế suất, trị giá lớn như mặt hàng thép thì lợi ích này là rất lớn.
Ngoài ra, hiện Tổng cục Hải quan đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về Chương trình DN ưu tiên với Hải quan các nước thành viên ASEAN, đồng thời đang đàm phán ký kết với các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Chile, Anh… Điều đó có nghĩa khi đã ký kết và được công nhận là DN ưu tiên của Việt Nam là sẽ được hưởng các chính sách tương tự như các DN của các nước trên. Hiện nay, 100 quốc gia trên thế giới đã áp dụng Chương trình DN ưu tiên.
Theo ông Nguyễn Sỹ Hoàng, khi tham gia Chương trình DN ưu tiên, thông qua các biện pháp quản lý của cơ quan Hải quan, DN sẽ tự chủ động nâng tầm lên, tự kiểm soát nội bộ tốt hơn để đáp ứng các yêu cầu quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh nâng lên. Với cơ quan quản lý, khi DN chấp hành pháp luật tốt thì có thể dành nguồn lực kiểm tra giám sát với các DN, mặt hàng khác có rủi ro, từ đó giảm bớt nguồn lực nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan.