Liên tiếp những ngày gần đây, có nhiều ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh nhằm bảo lãnh thanh toán cho DN tới 500 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh vượt xa so với tài sản thế chấp, vốn thực có của DN là do DN lừa ngân hàng, hay chính là sự “đổ bể” của những thỏa hiệp ngầm?... Ông Phạm Tuấn Anh – Chánh án Tòa Kinh tế (TAND TP.Hà Nội) trao đổi xung quanh vấn đề này.
|
Chứng thư bảo lãnh giả, một hình thức tội phạm mới |
- Thưa ông, phải chăng, luật có “kẽ hở” nên các bên lợi dụng nhau, việc bảo lãnh thanh toán tới mấy chục tỷ bằng tờ chứng thư dễ dàng như mua rau?
- Luật Tổ chức tín dụng và Quy chế Bảo lãnh ngân hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/06/2006 (QĐ 26) của Thống đốc NHNN, quy định rất chặt chẽ về chứng thư bảo lãnh, chứ không phải luật có “kẽ hở”.
Căn cứ theo Điều 8 của QĐ 26, Tổ chức tín dụng xem xét và quyết định bảo lãnh khi khách hàng có đủ các điều kiện sau: Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; mục đích đề nghị tổ chức tín dụng bảo lãnh là hợp pháp; có khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ được tổ chức tín dụng bảo lãnh trong thời hạn cam kết; trường hợp khách hàng là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì ngoài các điều kiện nêu trên phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam.
Với bộ hồ sơ đề nghị bảo lãnh của khách hàng bao gồm đề nghị bảo lãnh và các tài liệu có liên quan đến giao dịch bảo lãnh do tổ chức tín dụng quy định, khách hàng phải cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc bảo lãnh theo yêu cầu của tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu này.
Đặc biệt, một bộ hồ sơ chứng thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh được thẩm định và xét duyệt theo quy trình, qua các khâu và phải đảm bảo theo đúng quy định của ngân hàng, chứ không đơn thuần là cán bộ thẩm định làm sai mà giám đốc ngân hàng không biết được.
Tuy nhiên, không ngoại trừ trên thực tế có trường hợp có sự bắt tay, cấu kết của cán bộ ngân hàng, phát hành chứng thư hoặc hợp đồng bảo lãnh vượt quá vốn điều lệ và tài sản thế chấp của DN. Trong trường hợp này, sai ở những khâu nào: khâu duyệt hồ sơ, thẩm định hồ sơ hay ở lãnh đạo ký chứng thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh, hay lỗi ở DN (bên được bảo lãnh); khi đó, căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, căn cứ vào tính chất của vụ việc sai đến đâu mà những người này bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
- Thời gian gần đây, khách hàng thường phàn nàn về việc ngân hàng phát hành hợp đồng bảo lãnh hoặc chứng thư bảo lãnh, nhưng “chầy bửa” trong việc thanh toán. Làm sao để ngân hàng nghiêm túc thực hiện, giảm “xói mòn lòng tin” của người nhận bảo lãnh?
- Người nhận bảo lãnh hay còn gọi là "Bên nhận bảo lãnh" là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có quyền thụ hưởng bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Khi hợp đồng hoặc chứng thư bảo lãnh phát sinh hiệu lực, tức là ngân hàng đã trở thành con nợ của bên nhận bảo lãnh nhưng có tâm lý là cố tình kéo dài thời gian trả nợ bằng cách trì hoãn việc thanh toán. Kể cả trong trường hợp hồ sơ thủ tục đúng cả, đến hạn phải thanh toán nhưng ngân hàng vẫn có thể viện cớ này, cớ kia không thanh toán. Bên nhận bảo lãnh sốt ruột, muốn đòi được tiền chỉ có cách kiện ra Tòa.
- Mới đây, còn rộ lên cả những vụ mua bán chứng thư bảo lãnh giả rất nguy hiểm vì chứng thư giả có trị giá tới cả trăm tỷ đồng. Giả sử chứng thư bảo lãnh giả nằm trong bộ hồ sơ của ngân hàng, trong trường hợp này ngân hàng không biết hay “cố tình không biết”?
- Rất khó để có thể làm giả chứng thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh. Như tôi đã nói ở trên, chứng thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh được phát hành theo mẫu của từng ngân hàng; ngoài ra, bộ chứng thư hoặc hợp đồng đó gồm những giấy tờ khác kèm theo (tùy theo yêu cầu của từng ngân hàng).
Còn nếu phát hiện ra bộ chứng thư giả thì ngay lập tức ngân hàng hoặc bên nhận nợ sẽ báo cho cơ quan công an để cơ quan công an điều tra, xem xét và kết luận. Đối tượng làm giả chứng thư hoặc hợp đồng bảo lãnh sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự.
- Xin cảm ơn ông!
• "Thư bảo lãnh": Là cam kết đơn phương bằng văn bản của tổ chức tín dụng về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh. (Điều 2). • Các loại bảo lãnh: Bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước, bảo lãnh đối ứng. (Điều 5) • Bảo lãnh ngân hàng phải được thực hiện bằng văn bản, bao gồm các hình thức sau: Hợp đồng bảo lãnh, Thư bảo lãnh, các hình thức khác pháp luật không cấm và phù hợp với thông lệ quốc tế. (Điều 11). (Trích Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/06/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). |
Mai Hoa