Một tuần “đỏ” sàn…
Không nằm ngoài xu thế bán tháo chung của thế giới, trong phiên giao dịch ngày 12/3, TTCK Việt cũng chứng kiến phiên bán tháo mạnh thứ 2 trong tuần khi VN-Index giảm 42,1 điểm (-5,19%) xuống 769,25 điểm.
Như vậy, kể từ sau khi Việt Nam công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 17, cũng là ca đầu tiên tại Hà Nội cuối tuần trước, TTCK Việt Nam đã liên tục lao dốc. Chỉ trong 4 phiên giao dịch trong tuần (từ phiên thứ Hai ngày 9/3 đến phiên thứ Năm ngày 12/3), chỉ số VN-Index đã mất hơn 122 điểm, tương ứng giảm 13,77%, HNX-Index giảm gần 12 điểm. Qua đó, khiến vốn hóa thị trường “bốc hơi” khoảng 552.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 23,8 tỷ USD.
TTCK Việt Nam 1 tuần “đỏ” sàn |
Dù được tiếp thêm khá nhiều thông tin hỗ trợ (như Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nội thuế và tiền thuế đất, Ngân hàng nhà nước vừa ban hành Thông tư cho phép các tổ chức tín dụng chủ động trong cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19...), nhưng TTCK Việt Nam tiếp tục có phiên lao dốc mạnh vào ngày hôm qua, 13/3, khi kết thúc phiên giao dịch sáng 13/3, VN-Index giảm 33,32 điểm (4,33%) còn 735,93 điểm; HNX-Index giảm 3,48 điểm (3,42%) còn 98,43 điểm; UPCoM-Index giảm 1,19 điểm (2,34%) xuống 49,73 điểm.
Đánh giá về hiện trạng thị trường, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), ông Trần Văn Dũng cho rằng, TTCK Việt Nam suy giảm mạnh nằm trong bối cảnh suy giảm chung của TTCK khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, điểm đáng quan tâm trên TTCK Việt Nam là thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục đạt mức cao. Sáng 12/3 có 6.385 tỷ đồng được chuyển nhượng trên 3 sàn cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 438 tỷ đồng trên sàn cổ phiếu, nhưng đã mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp trên thị trường trái phiếu. Trên thị trường trái phiếu, thanh khoản cao gấp gần 100% so với bình quân/phiên của năm 2019, đạt 17.895 tỷ đồng.
“TTCK giữ được thanh khoản tốt cho thấy, bên cạnh tâm lý bán tháo của một bộ phận nhà đầu tư, vẫn có một lượng cầu ổn định, vững vàng mua vào cổ phiếu…”- Ông Dũng nhận định.
Cũng theo Chủ tịch UBCKNN, hiện VN-Index đang ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2017 và một số quỹ ngoại như PYN Elite đã công khai sẽ mua vào cổ phiếu Việt Nam do sức hấp dẫn đến từ mức định giá rẻ. “Chúng tôi mong rằng, các DN, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần bình tĩnh, vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết…”- Chủ tịch UBCKNN trấn an...
Sẽ xử lý hồ sơ doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ trong 1 ngày
Trước tình trạng nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá thấp, lãnh đạo một số DN và người có liên quan đã công bố nhu cầu mua vào cổ phiếu.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa thông báo cổ đông nội bộ là ông Trần Vũ Minh, con trai Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long, đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG trong bối cảnh cổ phiếu này gần đây giảm giá khá sâu. Theo đó, ông Trần Vũ Minh sẽ mua 20 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 17/3 đến 16/4/2020, giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Cùng với đó, một số DN niêm yết đang có nhu cầu mua vào cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ.
Trước động thái tích cực này, Chủ tịch UBCKNN, ông Trần Văn Dũng khẳng định, UBCKNN sẽ xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của DN trong vòng 1 ngày, thay vì xử lý trong vòng 7 ngày như quy định tại Thông tư 162/2015/TT-BTC.
“Các DN có nhu cầu mua cổ phiếu quỹ cần làm đúng hồ sơ pháp lý theo Thông tư 162/2015/TT-BTC. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ DN tối đa, hoàn tất thủ tục chấp thuận cho DN trong vòng 1 ngày”- Chủ tịch UBCKNNcam kết.
Đại diện UBCKNN cũng cho biết, trong phạm vi thẩm quyền, UBCKNN sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho DN hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư, trong đó có giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ (margin) áp dụng cho giai đoạn trước mắt./.